Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ dành thời gian tư vấn phát triển CMVietnam và thực hiện chiến lược mới (Nguồn: Internet) |
Cụ thể, HĐQT CTCP CMVietnam (Mã CK: CMS) sẽ trình cổ đông xem xét phương án đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam hoặc CTCP Tập đoàn CHV. Tên viết tắt của cả hai phương án đều là CMH Group.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ bất thường của CMS cũng sẽ thảo luận về phương án phát hành riêng lẻ 34,4 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cp), tăng gấp 3 lần vốn điều lệ, từ 172 tỉ đồng lên 516 tỉ đồng.
Trong danh sách 39 nhà đầu tư được chào bán cổ phần riêng lẻ, ông Nguyễn Đức Hưởng đăng ký mua vào tới gần 17,2 triệu cổ phiếu CMS. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Duy (con trai ông Hưởng) và bà Hoàng Thị Nhàn (em dâu ông Hưởng) cũng đăng ký mua lần lượt 300.000 và 150.000 cổ phiếu phát hành thêm.
Đáng chú ý, nếu kế hoạch này được thông qua, ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai. Và nếu giao dịch thành công, cá nhân ông Hưởng sẽ nâng sở hữu lên 21,48 triệu cổ phiếu CMS, tương đương 41,63% vốn điều lệ.
Được biết, ngày 22/11/2021, HĐQT CMS đã thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Dương Ngọc Trường. Ở chiều hướng ngược lại, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT CMS, đề cử ông Nguyễn Đức Hưởng tạm thời giữ chức thành viên HĐQT cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất. Đề cử này đã được cả 4 thành viên HĐQT đương nhiệm biểu quyết thông qua.
Ít tuần sau, từ ngày 10-13/12, ông Nguyễn Đức Hưởng đã mua vào 3,7 triệu cổ phiếu CMS, trở thành cổ đông lớn tại công ty này với tỉ lệ sở hữu 24,9% vốn điều lệ. Trước đó, ông Hưởng mới chỉ nắm giữ 574.000 cổ phiếu CMS, tương đương 3,34% vốn điều lệ. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Phúc đã bán ra 3,7 triệu cổ phiếu CMS, giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty này xuống 19,13% vốn điều lệ.
Ngoài kế hoạch đổi tên công ty và tăng vốn điều lệ, HĐQT CMS dự kiến sẽ trình cổ đông phê chuẩn dự thảo hợp đồng EPC, kèm theo việc mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư bất động sản tại tỉnh Phú Thọ. Giá của hợp đồng EPC là 1.026 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận dự kiến là 10%.
Đồng thời, đại hội cũng xem xét thông qua phương án xóa nợ phải thu, phải trả và ghi nhận tổn thất đối với sản lượng dở dang chưa được nghiệm thu của dự án thủy điện Sông Bạc với tổng giá trị xóa nợ là 44 tỉ đồng; xóa nợ phải thu tiền ứng trước Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Phoenix (264,8 triệu đồng); hoàn số dư quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để bù đắp các xử lý trên (5,4 tỉ đồng). Các tổn thất tài chính này sẽ được thực hiện hồi tố vào Báo cáo tài chính năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh năm 1962, tại Phú Thọ, có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), Đại học Touro, New York, Mỹ. Ông từng có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước (1982-1990), Giám đốc Agribank tỉnh Kon Tum (1998-2000), Giám đốc Agribank chi nhánh Thăng Long (2001-2007).
Đến năm 2007, ông Nguyễn Đức Hưởng gia nhập LienVietPostBank và giữ vị trí Phó Chủ tịch trong suốt 10 năm sau đó. Tháng 6/2017, ông Hưởng được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, ông rời khỏi vị trí này vì lý do sức khỏe.
Trước khi tham gia vào HĐQT CMS, ông Nguyễn Đức Hưởng giữ vai trò cố vấn cho Tập đoàn Đèo Cả (HHV)./.