Cho vay tín chấp: Doanh nghiệp giấu sổ sách thật, ngân hàng không thể làm liều

Lãi suất cho vay đã dễ thở hơn, song nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn khó vay vốn vì thiếu tài sản thế chấp. Phía ngân hàng thì cho rằng, không thể cho vay dựa vào niềm tin khi doanh nghiệp vẫn giấu sổ sách thật.
Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn ngân hàng là thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính.
Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn ngân hàng là thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính.

Ông Lê Đức Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ hóa chất và môi trường Vũ Hoàng cho hay, hiện nhu cầu vay vốn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Công ty rất lớn, song việc tiếp cận vốn rất khó khăn, bởi ngân hàng nào cũng đòi phải có tài sản thế chấp. “Rất mong ngân hàng đánh giá hiệu quả kinh doanh củadoanh nghiệp và có niềm tin với doanh nghiệp để cho vay tín chấp”, ông Ngân nói.

Thừa nhận khó khăn của các doanh nghiệp hội viên trong tiếp cận vốn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, dù chủ trương cho vay tín chấp của Ngân hàng Nhà nước đã có, song đến nay, nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai.

“Ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện đa dạng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả vốn ngân hàng”, ông Lộc nói. 

Trước thông tin khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ông Fung Kai Jin, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Ngân hàng VPBank phân tích, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn ngân hàng là thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính. Ngoài ra, giao dịch của các doanh nghiệp này thường bằng tiền mặt, ngân hàng không nắm bắt, không hiểu được hiệu quả hoạt động và cách thức quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp, nên không thể cho vay tín chấp.

“VPBank đã lập bộ phận riêng để tập trung hỗ trợ khối doanh nghiệp SME, chuyển dần sang cho vay không sử dụng tài sản đảm bảo. Thủ tục cho vay nhanh gọn, nhưng doanh nghiệp cũng phải chứng minh được lịch sử tín dụng, phải để ngân hàng quản lý được dòng tiền”, ông Fung Kai Jin nói.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, tình trạng phổ biến của doanh nghiệp SME ở nước ta là thiếu minh bạch về sổ sách tài chính. Một doanh nghiệp thường có đến 3 báo cáo tài chính khác nhau. Cho nên, ngân hàng cũng không dám dựa vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp để cho vay.

Theo chuyên gia này, muốn vay tín chấp, ngân hàng phải tích cực, thiện chí hơn trong việc đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn nữa cho khối doanh nghiệp SME. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần minh bạch và quản trị bài bản hơn để tạo niềm tin cho ngân hàng.

Liên quan đến kiến nghị đẩy mạnh cho vay tín chấp của doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, muốn vay tín chấp, trước hết doanh nghiệp phải tạo được niềm tin với ngân hàng, mà trước hết là phải minh bạch tài chính, chứng minh được khả năng trả nợ, tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm soát được dòng tiền… Bên cạnh đó, cần mở rộng các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. 

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn rất vất vả trong tiếp cận vốn. Nguyên nhân là thị trường tài chính nước ta phát triển không cân bằng và hầu hết nhu cầu vốn đều “nhắm” cả vào ngân hàng, trong khi các trụ cột khác như thị trường vốn, bảo hiểm… còn quá yếu, khiến ngân hàng chịu nhiều áp lực vốn.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay, khối doanh nghiệp dựa tới 75-80% vốn vào ngân hàng. Trong khi đó, ở các nước phát triển, doanh nghiệp chỉ dựa vào vốn ngân hàng khoảng 60% (chủ yếu là vốn lưu động), còn lại dựa vào vốn chủ sở hữu, vốn từ các quỹ đầu tư, vào thị trường vốn…

Trước mắt, để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài nỗ lực minh bạch tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng phải thiện chí và tích cực hơn trong việc đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ phụ hợp hơn với doanh nghiệp.  Ở cấp vĩ mô, Chính phủ cần có nhiều chính sách hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp SME.

Theo Đầu tư