Chiến trường Việt Nam: Lừa pháo đài bay B-52 và “máy đánh hơi” Mỹ

VietTimes -- Quân Giải phóng Việt Nam đã rất khôn khéo trong cuộc chiến “đánh hơi” và đưa ra nhiều biện pháp để đối phó, ví dụ như nước xà phòng giặt, tỏi, ớt bột rắc quanh khu vực ẩn nấp để đánh lừa chó nghiệp vụ Mỹ trong các cuộc truy tìm hầm bí mật...
Lính Mỹ với thiết bị dò tìm "đánh hơi",ống thu không khí gắn trên nòng súng
Lính Mỹ với thiết bị dò tìm "đánh hơi",ống thu không khí gắn trên nòng súng

Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ liên tục bị Quân Giải phóng Miền Nam tấn công bất ngờ và biến đi không dấu vết. Các nhóm do thám, tình báo phải vật lộn với một vấn đề cơ bản của một cuộc chiến tranh du kích, đó là tìm kiếm và phát hiện đối phương.

Núi rừng nhiệt đới với địa hình đồi núi hiểm trở và thảm thực vật rậm rạp đã khiến hầu hết các loại cảm biến thông thường trở lên bất lực. Khó khăn hơn nữa đối với lính Mỹ, vốn quen với một không gian chiến trường rộng lớn là lực lượng du kích và quân giải phóng Miền Nam Việt Nam đào những tuyến đường hầm, những hầm bí mật ngầm sâu trong lòng đất và có thể sau một trận phục kích, tập kích thành công lại biến mất trong vòng vây hỏa lực dày đặc của quân đội Mỹ.

Tuyệt vọng trong việc tìm kiếm kẻ thù, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm một số công nghệ kỳ lạ, thậm chí kỳ quái để phát hiện đối phương. Các đơn vị quân đội Mỹ nhận được các ống kính thế hệ mới starlight nhìn đêm.

Các nhà nghiên cứu quân sự Mỹ phát triển bộ thiết bị cảm biến đo địa chấn tự động (Acoustic Seismic Intrusion Detector), các thiết bị này được lực lượng không quân hải quân Mỹ triển khai trên các khu vực nghi có đối phương hoạt động bằng cách ném phóng từ máy bay trinh sát săn ngầm.

Nhưng còn có một thiết bị kỳ dị hơn nữa, thiết bị đánh hơi cá nhân – một thiết bị (mũi) điện tử dùng để đánh hơi đối phương theo đúng nghĩa đen của nó.

Mặc dù các máy dò "đánh hơi" cá nhân trở thành bộ thiết bị nổi bật trong số những loại trang thiết bị cũ kỹ mà quân đội Mỹ ở Việt Nam sử dụng để tìm kiếm và theo dõi các mục tiêu – con người. Nhưng máy dò “đánh hơi” không phải là một khái niệm hoàn toàn mới.

Nhiều năm trước, Máy bay trinh sát tuần biển chống ngầm P-3 Orion đã được trang bị thiết bị ASR-3 của General Electric, có khả năng xác định mùi khói từ ống xả của tàu ngầm.

Phát triển trên cơ sở thiết bị ASR-3, năm 1965 General Electric phát triển thiết bị “đánh hơi” kiểu ba lô cá nhân, trang bị cho lực lượng Hóa học của Lính thủy đánh bộ Mỹ, thiết bị này được đặt tên là XM-2.

Thiết bị dò tìm "đánh hơi" cá nhân XM-2

Thay vì tìm kiếm mùi khói của động cơ diesel, máy dò “đánh hơi” cá nhân có thể ngửi thấy trong không khí mùi phân tử amoniac (nước tiểu) và sự ngưng tụ các hạt phân tử từ mồ hôi và bốc lên từ các đốm lửa, những chỉ số cho thấy sự hiện diện của con người (có thể dưới hầm bí mật) thông qua các lỗ thoát khí.

Thiết bị này trông giống như một bộ thiết bị proton từ bộ phim Ghostbusters. Binh sĩ Mỹ đeo bộ khí tài XM-2 trên lưng , thiết bị nhận biết mẫu không khí thông qua một đường ống gắn vào nòng của súng trường M-16.

Lính Mỹ với thiết bị dò tìm "đánh hơi" cá nhân trong chiến tranh Việt Nam

Năm 1967, hãng tin AP đăng tải bài viết về bộ thiết bị trinh sát “đánh hơi” nặng 20 pound này, được nhiều đơn vị quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam.

Nhưng bộ thiết bị được cho là khá thông minh này không hoàn hảo. Theo AP, các binh sĩ thiết bị phiên bản ba lô rất nhanh chóng đã phát hiện ra lỗi khi thiết bị báo động sự hiện diện của con người từ chính mùi amoniac của chính đơn vị mình. Sĩ quan chỉ huy phải phân công nhiệm vụ “đánh hơi” dò tìm cho người nào đó trong đơn vị khi hành quân dựa theo vị trí trong đội hình và hướng gió. Ví dụ như gió ngược thì là người đi đầu, đây thực sự là một sứ mệnh bất khả thi.

Quân đội Mỹ nhận thêm được một phiên bản nâng cấp XM-2 bằng một bộ thiết bị lớn hơn được sử dụng cho máy bay trực thăng “Thiết bị dò tìm người đường không” XM-3 (Airborne Personnel Detector). Trực thăng lấy mẫu không khí khi bay thấp trên ngọn cây.

Thiết bị dò tìm "đánh hơi" trang bị cho máy bay trực thăng

Để phát hiện được mục tiêu, máy bay mang thiết bị dò tìm phải bay hầu hết ở cao độ 50 feet trên thảm cây cối, các máy bay dò tìm phương pháp “đánh hơi” nhằm mục đích tìm kiếm lực lượng du kích hoặc Quân Giải phóng đang ẩn nấp bên dưới (có thể là hầm bí mật, công sự che chắn ngụy trang kín đáo). Quân đội Mỹ quy định thực hiện nhiệm vụ trinh sát “đánh hơi” cần tối thiểu ba máy bay trực thăng.

Một chiếc trực thăng sẽ mang bộ thiết bị dò tìm (đánh hơi). Một chiếc trực thăng khác, loại chiến đấu tấn công, bay ở phía trước như một hoa tiêu ở độ cao ít nhất 500 feet. Một máy bay chiến đấu bay phía sau cũng ở độ cao 50 feet để bảo vệ.

May mắn cho những đơn vị quân đội Mỹ sử dụng loại thiết bị này, độ ẩm - một hằng số trong khí hậu Việt Nam, gây khó khăn cho nhiều khí tài trinh sát khác lại làm cho thiết bị “đánh hơi” có khả năng phát hiện chính xác hơn sự hiện diện của con người, đặc biệt là sau những cơn mưa rừng, nước mưa rửa sạch mùi đã lưu lại trên mặt đất hoặc trong không khí trước đó ở khu vực tìm kiếm.

Nhưng gió lớn, khu dân cư hoặc các ngôi làng gần đó, dư lượng khói lửa của trận giao chiến cách đó không lâu hoặc các cuộc đánh phá lại khiến quá trình dò tìm sự hiện diện của con người trở nên khó khăn hơn.

Khi một thiết bị “đánh hơi” ghi nhận được nồng độ lớn amoniac hoặc sự ngưng tụ của các hạt đặc trưng đạt mức độ "tối đa" cho thấy sự hiện diện của con người, các đơn vị quân đội Mỹ sẽ gọi một cuộc không kích, tiến hành đổ quân càn quét, pháo kích hoặc thả khí độc CS buộc đối phương tháo lui khỏi chỗ ẩn nấp.

Trong tất cả các tài liệu lưu trữ không có một tài liệu nào ghi nhận cụ thể một trường hợp máy do thám “đánh hơi” phát hiện được một mục tiêu cụ thể. Cho dù các máy dò tìm “đánh hơi” con người là có giá trị thực sự thì đây cũng là một câu hỏi gây tranh cãi.

Lực lượng không quân, sử dụng bộ thiết bị trinh sát “đánh hơi” cho rằng các thiết bị có thể có sai lầm từ những hoạt động của động vật trong rừng hoặc khu vực trống trải. Câu chuyện kể của một cựu binh lực lượng không quân của trung đoàn Úc,  tham chiến ở Việt Nam, cho thấy cựu quân nhân này hoài nghi về khả năng cảm nhận của thiết bị.

Năm 2002, Peter Rogers kể lại trong phỏng vấn về kinh nghiệm chiến tranh, ông ta đã kể máy bay của mình bay qua một cây to có tới 30 hoặc 40 tổ chim .

"Chúng tôi bay trực tiếp trên cây đó, thiết bị nhận biết ở mức tối đa “Mark 10” thông tin được chuyển về Sở chỉ huy, tôi lập tức thông báo qua radio và nói, 'Không, hủy bỏ đi, chúng tôi chỉ bay qua một cái cây đầy tổ chim. Sở chỉ huy trả lời: "Quá muộn! thông tin đã được ghi vào danh sách không kích. Ngày hôm sau, một tốp B-52 ném bom dữ dội khu vực có cái cây này".

Một số quân nhân Mỹ báo cáo: Quân Giải phóng Việt Nam đã rất khôn khéo trong cuộc chiến “đánh hơi” và đưa ra nhiều biện pháp để đối phó, ví dụ như nước xà phòng giặt, tỏi, ớt bột rắc quanh khu vực ẩn nấp để đánh lừa chó nghiệp vụ Mỹ trong các cuộc truy tìm hầm bí mật. Những biện pháp tương tự, ví dụ như đốt thuốc nổ Mỹ hoặc sử dụng chất thải vật nuôi, đổ hàng xô nước tiểu động vật cũng có thể khiến các bộ khí tài dò tìm “đánh hơi” điện tử nhầm lẫn và hoạt động không hiệu quả.  

Nhưng một số binh sĩ lại khen ngợi bộ thiết bị “đánh hơi”. Trong một cuốn sách gây tranh cãi nhìn lại cuộc chiến tranh, Trung tướng Julian Ewell, chỉ huy Sư đoàn bộ binh số 9, và Tham mưu trưởng sư đoàn, thiếu tướng Ira Hunt rất khen ngợi thiết bị dò tìm “đánh hơi” trang bị cho trực thăng.

Các tướng Mỹ tuyên bố "hơn 33% của tất cả các tín hiệu báo động thu được khẳng định tại khu vực mục tiêu có sự hiện diện của đối phương."

Hai sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ bác bỏ thông tin, bộ thiết bị “đánh hơi” có thể sai lầm do các chất thải và mồ hôi từ động vật, trong cuốn sách các sĩ quan đã viết "sự kiểm tra kỹ lưỡng nhiều lần đã chứng mình rằng, hầu hết các loài động vật đều không có mùi tương tự như mùi mồ hôi người hoặc chất thải mà máy dò “đánh hơi” có thể nhật biết được có sự hiện diện của con người".

Việc sử dụng cả xô nước tiểu vật nuôi "là những trường hợp không thường xuyên gặp phải," các sĩ quan nhận xét.

Một số đơn vị quân đội Mỹ tại Việt Nam cũng ca ngợi các máy dò tìm “đánh hơi”. Năm 1967, môt báo cáo của Sư đoàn trực thăng vận số 101 tuyên bố các thiết bị "trinh sát có hiệu quả trong những khu vực có thảm thực vật dày đặc mà trinh sát đường không bằng không ảnh không hiệu quả."

Bản báo cáo của sư đoàn 101 nhấn mạch việc sử dụng các máy dò tìm “đánh hơi” rất có ích cho việc rà soát lại các thông tin tình báo cho biết về khu vực có các hoạt động của lực lượng du kích Việt Nam.

Chiếc máy dò tìm “đánh hơi” gây lên nhiều nhận xét khác nhau trong những tài liệu viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng hầu như không có tài liệu nào chỉ rõ ra hiệu quả của nó. Cuối cùng, các nhà bình luận quân sự về chiến tranh Việt Nam chỉ có thể kết luận: đại đa số những kết quả thu được từ máy dò “đánh hơi” này đã bị hủy diệt bởi hỏa lực kinh hoàng của không quân, pháo binh Mỹ.

Các máy dò có thể cho được hiệu quả nhất khi kết hợp với các trang thiết bị trinh sát tình báo khác như kính hồng ngoại, thiết bị đo địa chấn, các hoạt động tuần tiễu trong khu vực có sử dụng chó nghiệp vụ hoặc các hoạt động trinh sát đường không.

Nhưng bộ trang bị “kỳ dị” này cũng là một dấu ấn nói lên sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

TTB