Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

70 năm về trước, cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại đã kết thúc. Chiến tranh diễn ra tại ba châu lục trên Trái đất này, đã gây tổn hại lớn cho nhiều nước và cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người.
Người dân thành phố Poltava, Ukraine đứng trước thi thể của những người bị quân phát xít thiêu sống ngày 23/9/1943.
Người dân thành phố Poltava, Ukraine đứng trước thi thể của những người bị quân phát xít thiêu sống ngày 23/9/1943.

Ý NGHĨA CỦA "NGÀY CHIẾN THẮNG"

Nhân dân Liên Xô đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất. Hàng triệu người dân đã ngã xuống trên chiến trường, chết vì lạnh và đói, bị thiêu sống trong các lò thiêu người ở Osvensim, Maidanek, Bukhenvald và bị hành hạ tại các nhà tù của Gectapo. Nhân loại không thể quên được điều đó và ngọn lửa tưởng nhớ luôn được thắp sáng trong trái tim các thế hệ mai sau. Sự vinh quang, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những ai đã trải qua chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít xâm lược mãi mãi bất diệt.

Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Liên Xô đã phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, trước đó đã xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Âu một cách dễ dàng. Nhân dân Liên Xô đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng, tài trí thông minh và sự dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi. Quân và dân Liên Xô đã chiến đấu chống lại sự áp bức nô lệ, vì nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Chiến thắng của nhân dân Liên Xô chống phát xít là một trong những sự kiện quốc tế trọng đại, mở ra cho nhân loại những triển vọng mới để xây dựng xã hội tiến bộ, tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân các nước trên thế giới có quyền lựa chọn cho mình con đường phát triển chính trị, xã hội. Điều đó được thể hiện qua việc khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân trên khắp các châu lục vào những năm 40, 50 và 60 của thế kỷ XX.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít đã làm dấy lên phong trào dân chủ ở châu Âu, làm thay đổi cơ bản chế độ chính trị của hầu hết các nước Đông Âu và Đông Nam Á. Chiến thắng phát xít đã làm tan rã hệ thống thuộc địa và cổ vũ hoạt động của các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đảng ta đã chớp thời cơ Nhật đầu hàng đồng minh, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do dân chủ và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.

Một bà mẹ che chắn cho con trước bom đạn ở làng Krasnaya Sloboda, khu vực Bryansk, Nga.

Hàng năm, vào ngày 9/5, nước Nga đều tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Ðức, kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Lễ kỷ niệm này không chỉ là sự ghi nhận, tưởng nhớ thiêng liêng tới các liệt sĩ trong cuộc chiến khốc liệt chống chủ nghĩa phát xít xâm lược, mà còn là sự đoàn kết liên minh các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ toàn cầu, mà trước hết là chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền và chủ nghĩa phát xít kiểu mới. Nãm 2015 đánh dấu 70 năm sự kiện này, lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 sẽ được tổ chức tại nhiều thành phố trên khắp nước Nga, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới.

Trong thời gian gần đây, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kỳ thị sắc tộc đang quay trở lại châu Âu và có nguy cơ trở thành hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn định của thế giới. Ðiều đáng lo ngại hơn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng kỳ thị chủng tộc chính là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa phát xít hiếu chiến, tàn bạo mà Liên Xô và quân đồng minh đã tiêu diệt từ nãm 1945.

Ðặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng kỳ thị, bài ngoại, ngày càng trở nên rõ nét ở Ðức với sự trỗi dậy của phong trào cực hữu mang tên "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (Pegida). Pegida đã tổ chức hàng loạt cuộc tuần hành tại nhiều thành phố, nhằm thể hiện thái độ kỳ thị đối với những người tị nạn Hồi giáo và người nhập cư, đã làm gia tãng sự lo ngại đối với tình trạng kỳ thị, bài ngoại, ngày càng trở nên rõ nét ở nước này. Ðầu tháng 1/2015, khoảng 18.000 thành viên ủng hộ phong trào Pegida đã tham gia tuần hành tại thành phố Dresden, thủ phủ bang Sachsen, nơi được coi là "cứ điểm" của phong trào này. Ðây là cuộc tuần hành đầu tiên do Pegida tổ chức trong năm 2015 và là cuộc tuần hành thứ 11 ở Dresden với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Không chỉ tại Ðức mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, xã hội rối ren, số người nhập cư ngày càng tăng thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan được một bộ phận không nhỏ dân chúng ủng hộ. Ngay cả tình hình bất ổn tại Ukraine trong năm 2014 cũng được các nhà phân tích cho là có sự tiếp tay không nhỏ của các phần tử dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít mới.

Giới quan sát thừa nhận sự xuất hiện của Pegida có thể so sánh với các phong trào bài xích người nước ngoài tại Pháp, Hà Lan, Hy Lạp... Nhiều nhà phân tích cảnh báo, phong trào Pegida có thể trở lên vô cùng nguy hiểm nếu nó kích động được bản năng hung hãn và coi thường pháp luật của đám đông những đối tượng cực đoan có tư tưởng hẹp hòi.

Ngày nay, mọi người đều hiểu rất rõ rằng, chủ nghĩa phát xít là hiểm họa không chỉ đối với mỗi nước mà còn đối với toàn thể nhân loại. Vì thế, hơn bao giờ hết, châu Âu và thế giới cần cảnh giác trước mầm mống phát xít kiểu mới nguy hiểm này và sớm có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Theo: TTXVN/Tin Tức