Tấn công chiến lược A2/AD
Trước hết để tấn công chiến lược này cần tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Chính sự rộng lớn của Biển Đông đã tạo nên lợi thế của Trung Quốc, làm lu mờ các hoạt động cũng như hành vi bồi lấp đảo trái phép của nước này. Cho dù Trung Quốc đã hăm dọa được một vài nước ASEAN, ngăn chặn khối này lên án các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc thì phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài quốc tế vẫn là động lực khuyến khích một số nước đứng lên đấu tranh vì chủ quyền quốc gia.
Một vấn đề mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt là thực trạng nhận thức về các hoạt động trên biển. Vì hạn chế nguồn quỹ, và không có chung nhận thức về những gì đang diễn ra trên biển do thiếu thông tin tình báo, các nước có tranh chấp khó có thể cùng thống nhất trong hành động. Làm sao để một nước có thể chỉ ra hành vi phi pháp của Trung Quốc trên biển nếu như không thể nhìn quá bờ biển của nước mình?
Cho dù có giám sát các hành vi cưỡng chế hung hăng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc và hành vi thực thi luật hàng hải phi pháp của nước này, hay việc chiếm giữ và xây dựng trái phép trên các thực thể địa lý đang tranh chấp, ASEAN vẫn cần một bức tranh chung toàn cảnh về những gì đang diễn ra trên biển. Các hệ thống giám sát trên bờ biển, các cuộc tuần tra thực thi luật biển và các máy bay tuần tra có thể giúp các nước biết được Trung Quốc đang làm gì trên Biển Đông.
Hình ảnh từ vệ tinh cũng giúp các nước trong khu vực nhận ra các hoạt động bồi lấp đảo phi pháp của Trung Quốc. Trung tâm liên hợp thông tin (IFC) của Singapore có thể là hình mẫu để ASEAN hợp tác trong việc nâng cao nhận thức về các hoạt động trên biển. Và sự tham gia của hải quân Mỹ cũng có thể giúp một phần bằng cách giúp thực hành duy trì hoạt động hình ảnh chung (COP) trên biển.
Mặc dù ngân sách quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á đã tăng trong những năm gần đây, tổng chi tiêu cho quân đội của tất cả các nước ASEAN mới đạt 38,2 tỷ USD vào năm 2014, trong khi đó Trung Quốc chi tới 165 tỷ USD cùng năm. Sự chênh lệch chi tiêu này là do công nghệ. Chi phí cho tàu bè và máy bay cần thiết để duy trì sự hiện diện chủ động và tích cực trên Biển Đông có thể được bù lại bằng cách đầu tư vào máy bay không người lái (UAV).
Triển khai các máy bay không người lái ở các phi trường trên bờ biển hoặc các vị trí trên Biển Đông có thể cho phép các nước trong khu vực giám sát các hoạt động của hải quân và hoạt động dân sự của Trung Quốc trên biển, đồng thời giúp chia sẻ thông tin tình báo để hỗ trợ COP. Việc hợp tác với Mỹ giúp các nước ASEAN có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành và khai thác các hoạt động của UAV và duy trì nhận thức về các hoạt động trên biển.
Thứ hai là nâng cao khả năng A2/AD trong khu vực.
Giống như cách Trung Quốc triển khai các chiến lược để chống lại lợi thế trong khả năng tác chiến và tấn công chính xác của Mỹ, các nước ASEAN tốt nhất nên khai thác các lợi thế nhằm đối phó Trung Quốc. Chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chi tiêu quân sự nhiều hơn các nước ASEAN, và thật phi thực tế nếu nghĩ rằng các nước trong khu vực có thể ganh đua với Trung Quốc trong một cuộc xung đột thông thường. Đầu tư vào khả năng A2/AD là cách hiệu quả nhất để ngăn Trung Quốc không tiếp tục xâm phạm chủ quyền của các nước trên Biển Đông.
Đầu tư vào các hệ thống tên lửa ASCM và IADS ven biển sẽ làm suy giảm khả năng của Trung Quốc trong việc hoạt động mà không bị cản trở, đặc biệt là trong các vùng biển thuộc chủ quyền. Nếu tham gia vào một cuộc xung đột trong khu vực, Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập ưu thế vượt trội trên không và trên biển ở Biển Đông. Theo đó quân đội các nước trong khu vực sẽ gặp thách thức trong việc rời bỏ các hải cảng hay phi trường.
Theo báo Mỹ, nhưng nếu các hệ thống ASCM và IADS được triển khai gần các khu vực tranh chấp sẽ làm giảm lợi ích của hành vi quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, và Trung Quốc có thể sẽ phải rất nỗ lực nếu muốn chế áp các hệ thống phòng không vào bảo vệ bờ biển này (đặc biệt là nếu đồng thời đối đầu với Mỹ.)
Thay vì biến Biển Đông thành “vùng biển không người” đối với quân Mỹ và các nước đồng minh, Trung Quốc sẽ không thể manh động dùng vũ lực chiếm giữ hoàn toàn quần đảo Trường Sa hay Bãi cạn Scarborough như ý muốn.
Sự đầu tư của các quốc gia trong khu vực trong việc tăng cường nhận thức về các hoạt động trên biển sẽ cung cấp thông tin kịp thời cho các tên lửa hành trình phòng thủ chống tàu và các hệ thống phòng không. Một hệ thống A2 / AD hoạt động có hiệu quả phụ thuộc vào các thiết bị ISR trong việc tìm kiếm, theo dõi và kết thúc các mục tiêu. Nhưng sự đầu tư tương tự vào hoạt động tình báo trên biển trong thời bình có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong chiến tranh. Các nước trong khu vực có thể thúc đẩy quan hệ với Mỹ để giúp nâng cao trình độ triển khai các hệ thống A2/AD.
Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ việc chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác chính trong khu vực gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc... Các liên minh song phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhưng tiến đến đa phương cũng là trọng tâm trong việc khẳng định các hiệp ước quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). An ninh của cả khu vực đang bị đe dọa bởi một nước cậy lớn hung hăng, bỏ qua các quy tắc quốc tế. Nếu các nước chia sẻ thông tin tình báo, lòng tin và nhận thức chung về hoạt động trên biển trong khu vực sẽ tăng lên.
Nếu các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương không cùng nhìn thấy mối đe dọa đến an ninh quốc gia, sự mơ hồ trong chính sách của các nước này sẽ có lợi cho Trung Quốc.
Báo Mỹ đánh giá Ấn Độ là một nhân tố quan trọng để đối trọng với các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thăm Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, và trong bài phát biểu, ông Modi đã nhấn mạnh vai trò của sợi dây an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ. Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ nhấn mạnh sự hợp tác với các nước Đông Nam Á ở xung quanh Biển Đông và tham vọng Trung Quốc trong khu vực đe dọa quan hệ của Ấn Độ với phương Đông.
Ngoài các hiệp định và sự phát triển công nghệ quốc phòng, các cuộc đàm phán đều nhằm tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ và Ấn Độ. Mối quan hệ này càng phát triển thì vị thế của Ấn Độ trong khu vực càng được củng cố, góp vào tiếng nói chung yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mặc dù mối quan hệ giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc có thể gây khó khăn trong việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, nhưng một số nước vẫn sẵn sàng hợp tác. Các hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với các nước Đông Nam Á, cùng việc phát triển quan hệ hàng hải song phương có thể tạo cơ hội thu thập thông tin tình báo trên Biển Đông và giúp các nước bên trong khu vực hiểu hơn các thách thức chủ quyền do Trung Quốc gây ra.
Duy trì ưu thế vượt trội trên biển
Những thay đổi trong công nghệ dẫn đến những thay đổi về chiến thuật và việc hiểu được các hệ quả của những thay đổi này là mối quan tâm hàng đầu của các chiến lược gia quân sự.
Về quy mô và công nghệ, Mỹ có thể vượt qua các thách thức do chiến lược A2/AD của Trung Quốc gây ra trên Biển Đông bằng cách đối phó Trung Quốc thông qua sự can thiệp vào khu vực.
Các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đã cô lập nước này trên trường quốc tế. Vị trí địa lý các vùng biển gần của Trung Quốc có thể cho phép nước này triển khai học thuyết chống can thiệp, nhưng học thuyết này cũng có thể được sử dụng để chống lại chính Trung Quốc.
Các biện pháp nâng cao nhận thức chung về các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á, nâng cao khả năng phòng thủ của A2/AD của các nước có liên quan và thiết lập các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước trong khu vực sẽ tạo ra cơ sở để Mỹ duy trì ưu thế hàng hải trên Biển Đông.
Như vậy theo chuyên trang về địa chính trị RCD, thông tin tình báo hải quân đóng vai trò quan trọng nhất trong số các nỗ lực này. Chia sẻ thông tin trên Biển Đông sẽ là biện pháp cần thiết để đối phó với hành vi bá quyền trong khu vực.