Kết quả nghiên cứu của Đại học Bergen ở Na Uy được công bố gần đây cho thấy mối liên hệ giữa chứng nghiện công việc (Workaholism) và những rối loạn tâm thần.
Các chuyên gia đi đến kết luận rằng, trong số những người mắc phải chứng nghiện công việc, tỷ lệ người bị tâm thần là cao hơn, họ thường trải qua cảm xúc lo lắng, dễ bị trầm cảm, có thể có hành vi hung hãn, gây hấn, và thậm chí có ý định tự tử.
Ở khắp mọi nơi người ta thường hoan nghênh tinh thần lao động cần cù, do đó chứng nghiện công việc đôi khi bị nhầm lẫn với cách làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với cảm giác hứng thú với công việc. Kết quả là, những người bị bắt buộc hoặc tự nguyện đảm nhận những công việc bổ sung mắc phải chứng bệnh "nghiện công việc" hay "hội chứng cháy sạch", mà các bác sĩ gọi là bệnh đặc thù của thế kỷ XXI.
Ví dụ, tại Nhật Bản bệnh này là khá phổ biến. Theo tiêu chuẩn Nhật Bản, làm cẩu thả, làm quấy quá là một tội lỗi nặng nề nhất. Những nhân viên như vậy ngay lập tức trở thành đối tượng bị lên án.
Nhưng, con người vẫn có những giới hạn thể chất nhất định, và cúng cùng sẽ đến lúc sức chịu đựng vượt quá giới hạn, mà một trong những biểu hiện phổ biến nhất là cái chết vì bị kiệt sức.
Trong số các quốc gia phát triển cao, Nhật Bản là nước đầu tiên đã phải đối mặt với vấn đề này: từ "karoshi" — một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là tử vong do làm việc quá sức đã được quốc tế hóa thành một danh từ chung trên thế giới.
Nhưng ngay cả ở Nhật Bản có những người lười biếng,... hay những người không muốn lao động cần cù. Song, những người này chắc chắn biết rõ nguyên tắc vàng của Nhật Bản: phô trương hình thức sự siêng năng không kém quan trọng so với lao động cần cù thực sự.
Dù muộn hơn nhiều so với Nhật Bản, Nga cũng đã bước vào con đường phát triển nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh gay gắt và sự cần thiết phải rèn luyện khả năng phản ứng nhanh chóng trong việc nắm bắt cơ hội hoặc giải quyết vấn đề.
Hiện nay các công ty Nga cũng đòi hỏi để các nhân viên không chỉ có thái độ tận tâm mà còn có khả năng phản ứng nhanh chóng và làm nhiều việc cùng lúc.
Kết quả là, theo dữ liệu thống kê, 25% người dân Nga đang mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính vì thường xuyên chịu áp lực và căng thẳng tại nơi làm việc. Nhà tâm lý học Nga Ekaterina Levin cho biết:
"Hội chứng cháy sạch là một vấn đề nghiêm trọng của thời đại chúng ta. Chúng ta phải trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế, vì thế chúng ta sợ mất vị trí của mình trong đời sống xã hội, sợ bị mất việc làm. Sự cạnh tranh gay gắt để giữ chức vụ cao hơn hoặc được hưởng mức lương cao hơn làm gia tăng khối lượng công việc… Tất cả điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Khoảng 10 năm trước đây, tâm trạng này xuất hiện ở độ tuổi 40, bây giờ - ở độ tuổi 30 khi con người bắt đầu đánh giá cuộc đời mình. Tuy nhiên, bây giờ xã hội đang phát triển rất nhanh chóng, và hội chứng cháy sạch có thể xuất hiện ở đội tuổi 25.
Điều này chủ yếu là do thực tế rằng, con người không đi theo những giá trị của chính bản thân mình mà chỉ lưu tâm đến những giá trị của môi trường xung quanh.
Ví dụ, một nhân viên nhất định phải cố gắng làm nên danh phận, phải phấn đấu để trở thành một nhà lãnh đạo. Nếu không, hình ảnh của bạn trong mắt người khác có vẻ thụ động, vô dụng đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những người "nhỏ" ngay từ đầu không đặt ra mục tiêu làm nên danh phận, cũng có nguy cơ bị kiệt sức. Đặc biệt, nếu nhân viên phải làm công việc mà mình không ưa thích, trong thời gian dài giữ vị trí thấp do một số điều kiện nhất định".
Theo truyền thống, chúng ta phê phán, lên án thối lười biếng. Tuy nhiên, các chuyên gia y học đều nhận định rằng, những giải pháp khéo léo nhất và cái nhìn sâu sắc nhất thường đến với chúng ta khi não bộ chuyển sang chế độ thư giãn.