Năm nay, bằng những hình thức và quy mô khác nhau, nước Nga và nhiều nước trên thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng này (7/11/1917-7/11/2017). Trong điều kiện phải đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch và phải tiến hành Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945), Liên Xô đã đạt được những thành tựu kỳ vĩ chưa từng có trong tất cả các lĩnh vực. Từ đó có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình phát triển của nền văn minh thế giới trong thế kỷ XX.
Cách mạng Tháng Mười Nga trường tồn cùng lịch sử
Sau khi Liên Xô-sản phẩm ra đời từ của Cách mạng Tháng Mười bị tan rã vào ngày 26/12/1991, trên thế giới hình thành một luồng ý kiến cho rằng cùng với sự sụp đổ Liên Xô, lý tưởng về chủ nghĩa xã hội do Cách mạng Tháng Mười khởi xướng là “sai lầm của lịch sử”. Một luồng ý kiến khác cho rằng sự sụp đổ Liên Xô không phải là do lý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã hết và vì thế những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn cùng với tiến trình lịch sử đi lên của nhân loại. Xuất phát từ quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Marx-Lenin để nhìn nhận khách quan về lịch sử, có thể rút ra mấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.
Nguyên nhân thứ nhất: những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chậm hoặc không được khắc phục, đã trở thành yếu tố cản trở với sự phát triển. Cũng như bất kỳ mô hình phát triển nào của nhân loại đều tiềm ẩn trong đó những khiếm khuyết và hạn chế, cần được điều chỉnh và khắc phục trong quá trình phát triển. Đó là quy luật tất yếu. Ngay cả mô hình chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ XVII tới nay cũng đã từng được chính phủ nhiều nước tư bản điều chỉnh. V.Lenin đã từng khẳng định, chủ nghĩa xã hội ở Nga không phải là một khuôn mẫu cứng nhắc, cũng không hình thành từ con số không mà là được kế thừa những gì tiến bộ nhất của chủ nghĩa tư bản, trong đó có cơ chế kinh tế thị trường nhiều thành phần. Tuy nhiên, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã chậm được đổi mới theo di huấn của V.Lenin, rút cuộc đã dẫn tới trì trệ và khủng hoảng. .
Nguyên nhân thứ hai: sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. V.Lenin đã từng cảnh báo và phê phán tệ sùng bái cá nhân, tệ quan liêu độc đoán, bệnh hành chính, tệ tham ô, tha hóa biến chất trong hàng ngũ cán bộ nhà nước Xô-Viết. Tuy nhiên, những cảnh báo của V.Lenin về các căn bệnh đó đã không được quan tâm và do đó một bộ phận không nhỏ đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô-Viết xa rời quần chúng, trở nên tha hóa và đánh mất niềm tin của người dân, từ đó đánh mất vai trò lãnh đạo.
Nguyên nhân thứ ba: sự phản bội của lãnh đạo Liên Xô M.Gorbachev. Sai lầm của tập đoàn lãnh đạo M.Gorbachev thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau như thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô; cho phép hình thành các tổ chức chính trị và đảng đối lập và chấp nhận chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng trong xã hội Xô-Viết; xuyên tạc, thậm chí xóa bỏ các giá trị lịch sử Liên Xô; dùng thủ đoạn tổ chức để loại bỏ các đảng viên còn trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin; đưa các nhân vật theo ảnh hưởng của phương Tây vào cơ cấu quyền lực ở các cấp của Đảng và Nhà nước Liên Xô; sử dụng khẩu hiệu “tư duy chính trị mới” để xoá bỏ ý thức hệ tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, tạo ra quá trình “tự diễn biến” ngay trong lòng Đảng Cộng sản Liên Xô và xã hội Xô Viết; chủ động tạo ra sự khan hiếm hàng hóa tiêu dùng và các thực phẩm chủ yếu, từ đó đổ lỗi cho những sai lầm và khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô.
Nguyên nhân thứ tư: chiến lược chống phá toàn diện của Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm tan rã Liên Xô. Chiến lược này diễn ra dưới hình thức cuộc chiến tranh thông tin-tư tưởng-tâm lý kéo dài gần 40 năm với chi phí lên tới gần 1.000 tỷ USD, trải dài trong ba giai đoạn. Trong đó giai đoan ba bắt đầu từ đầu những năm 1980 với sai lầm và sự phản bội của M.Gorbachev khởi xướng cái gọi là “cải tổ” với kết cục là làm tan rã Liên Xô. Sự sụp đổ Liên Xô không chỉ gây thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều gần 2,5 lần thiệt hại mà nước Nga phải chịu đựng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II mà còn dẫn tới một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng là làm băng hoại nhận thức của một bộ phận rất lớn người dân ở Nga và cả trên thế giới về các giá trị lịch sử Liên Xô và về Cách mạng Tháng Mười.
Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười với nước Nga ngày nay
Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, Tổng thống Nga V.Putin ký Chỉ lệnh về việc chuẩn bị các biện pháp kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng ở Nga. Chỉ lệnh của Tổng thống Nga V.Putin cũng như các hoạt động kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng ở Nga được tổ chức ở Nga vào dịp này chứng tỏ, lý tưởng và những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn đang được Liên bang Nga-quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô, tiếp tục duy trì và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện mới trên bốn hướng chủ yếu.
Một là, phát triển nền kinh tế Nga theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước. Kế thừa tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa từ Cách mạng Tháng Mười được thể hiện trong Chính sách kinh tế mới của V.Lenin, hiện nay Liên bang Nga lựa chọn mô hình tiên tiến nhất và hiện đại nhất là kinh tế thị trường định hướng xã hội. Chính sách xã hội của Nga được thực hiện thông qua các dự án quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các lĩnh vực này nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế ổn định và tạo cơ sở để tiếp tục tái cơ cấu và hoàn thiện các thể chế trên phạm vi quốc gia.
Hai là, phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Mười, Liên bang Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, đều được tôn trọng và có tiếng nói được lắng nghe khi giải quyết các vấn đề nghị sự toàn cầu. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra tiền đề và khả năng giải quyết các vấn đề dân tộc, tạo điều kiện giải phóng các dân tộc bị áp bức, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Do đó đã mở ra kỷ nguyên giải phóng các dân tộc ở phương Đông và phương Tây. Phát huy giá trị đó của Cách mạng Tháng Mười, ngày nay nước Nga đang đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng đối với tất cả các quốc gia, không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất áp đặt ý chí chính trị cho tất cả các quốc gia khác.
Ba là, Liên bang Nga đang đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố-hiểm họa chung đối với toàn thế giới. Phát huy truyền thống của Liên Xô-nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên hình thành từ Cách mạng Tháng Mười đã từng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt trong thế kỷ XX, ngày nay nước Nga cũng đang đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố trên cơ sở tuân thủ Hiến cương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố.
Bốn là, Liên bang Nga đang đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại các âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc giá trị của Cách mạng Tháng Mười. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây tiến hành cuộc chiến tranh thông tin-tư tưởng-tâm lý nhằm xuyên tạc ý nghĩa và giá trị của Cách mạng Tháng Mười cũng như bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, thậm chí tuyên bố rằng Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”. Bằng cách phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười và xuyên tạc vai trò của Liên Xô, các thế lực thù địch đang thực hiện chủ trương làm tan rã nước Nga-cản trở lớn nhất đối với tham vọng bá chủ thế giới của các tập đoàn tài phiệt Mỹ.
Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam
Có thể khẳng định mà không cần cường điệu rằng, Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như Mặt Trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc về sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam từ những tư tưởng trong bản Luận cương của V.Lenin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa”. Trên cơ sở bản Luận cương này, năm 1927 trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười-con đường duy nhất đúng đắn, Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự".
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” là tài liệu cơ bản đầu tiên được sử dụng để huấn luyện và đào tạo các chiến sỹ cách mạng Việt Nam, làm cơ sở để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (17/6/1929), tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chế độ phát xít, thực dân, phong kiến và tay sai trong gần 100 năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp (năm 1954) và đế quốc Mỹ (năm 1975). Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 tới nay được xây dựng trên cơ sở kế thừa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của V.Lenin là xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mỗi khi nói tới ảnh hưởng và tác động của Cách mạng Tháng Mười tới thực tiễn cách mạng Việt Nam, không thể không kể đến Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại đội quân Quan Đông, buộc chính phủ quân phiệt Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/08/1945, tạo tiền đề rất quan trọng cho nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đứng lên giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), Liên Xô vừa giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình công nghiệp quân sự và dân dụng, vừa nhận đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Liên Xô đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn sỹ quan và chuyên gia kỹ thuật, đưa cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Đồng thời, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam các loại vũ khí hiện đại như máy bay, pháo và tên lửa phòng không, xe tăng, tàu chiến mà ngành công nghiệp của Việt Nam chưa thể sản xuất được. Nguồn lực này của Liên Xô giúp Việt Nam là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đối đầu thắng lợi với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đã chuyển thành hợp tác cùng có lợi. Nhưng với tinh thần hữu nghị, Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ kinh tế lớn cho đến giữa những năm 1980. Đặc biệt, trong điều kiện còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã, năm 2000 Tổng thống Nga V.Putin đã quyết định xóa nợ 9,53 tỷ USD từ thời Liên Xô cho Việt Nam.
Trong chuyến thăm Nga trong tháng 10/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với nước Nga, coi Nga là người bạn thủy chung, đối tác tin cậy của Việt Nam. Việt Nam coi quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam mong muốn Nga phát triển vững mạnh, giữ vai trò là một trong những cường quốc hàng đầu, đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”.
Trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang là tâm điểm chú ý đặc biệt của nhiều nước trong và ngoài khu vực, nước Nga với vai trò là một nước lớn và có các mối quan hệ truyền thống với các nước trong khu vực, đang có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn có tầm quan trọng chiến lược.