Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 13/6, vào ngày 12/6, Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố cho biết, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo đối tác Nhóm G7 đã đồng ý khởi động một sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu mới táo bạo mang tên “Build Back Better World, B3W” (Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn). Đây là một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch với tiêu chuẩn cao, có định hướng quan niệm giá trị do các quốc gia dân chủ dẫn đầu nhằm viện trợ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 40 nghìn tỉ USD cho các nước đang phát triển trong bối cánh đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Thông qua B3W, Nhóm G7 và các đối tác cùng chí hướng khác sẽ thực hiện các hoạt động điều phối đầu tư vốn trong bốn lĩnh vực chính là khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ số, công bằng và bình đẳng giới.
Phạm vi của B3W sẽ trải rộng trên toàn thế giới, từ Châu Mỹ Latinh và Caribe qua Châu Phi đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các quốc gia khác nhau trong Nhóm G7 sẽ có "định vị địa lý" riêng cho các khu vực này; nhưng nhìn chung, các quốc gia được hưởng lợi từ sáng kiến này sẽ bao gồm các nước có "mức thu nhập trung bình và thấp trên toàn cầu".
Các nhà lãnh đạo Nhóm G7 và EU gặp gỡ lần đầu tiên sau đại dịch ở Cornwall (Ảnh: AP). |
Bằng cách công bố mối quan hệ đối tác này, Mỹ và các đối tác G7 sẽ cung cấp cho các nước tiếp nhận nguồn tài chính bền vững và minh bạch để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của họ.
Đông Phương cho biết thêm, hôm thứ Bảy (12/6), tại Hội nghị thượng đỉnh G7 đang được tổ chức tại Cornwall, Anh, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và đưa ra kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng toàn cầu B3W nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình các nền kinh tế có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn đại dịch mới để chống lại sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Kế hoạch này trị giá hơn 40 nghìn tỉ USD, nhưng nội dung cụ thể vẫn chưa được công bố.
Các quốc gia Nhóm G7 và các đối tác cùng chí hướng khác sẽ làm việc với nguồn vốn tư nhân để đầu tư vào các lĩnh vực khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới thông qua các tổ chức tài chính phát triển tương ứng của họ. Lấy nước Mỹ làm ví dụ, mục tiêu của chính phủ Joe Biden là bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước, tạo cơ hội mới để chứng minh khả năng cạnh tranh của Mỹ ở nước ngoài và tạo thêm việc làm ở trong nước. Nhà Trắng không công bố chính xác số tiền đầu tư, chỉ cho biết nó sẽ đóng góp "hàng trăm tỉ USD" vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Dưới thời Joe Biden, Mỹ đã quay trở lại đoàn kết với các đồng minh (Ảnh: Reuters). |
Theo Đông Phương, nguyên tắc chỉ đạo của kế hoạch này là nhằm vào các tranh chấp của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng phải minh bạch và có tính bền vững về tài chính, môi trường và xã hội; đồng thời phải được quản trị tốt và kiên định tiêu chuẩn, phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng kế hoạch này tập trung vào các tiêu chuẩn lao động và môi trường, tính minh bạch và sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Nó có chất lượng cao hơn so với sáng kiến "Vành đai và Con đường", nhưng nó không buộc các nước được thụ hưởng phải lựa chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo Đông Phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép với các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị, yêu cầu họ công khai chỉ trích các hoạt động cưỡng bức lao động của Trung Quốc và có những hành động thiết thực, đồng thời bày tỏ việc Trung Quốc đối xử với những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là không thể dung thứ về mặt đạo đức và cạnh tranh kinh tế không công bằng. Ông Biden hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung vào tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, nhưng có ý kiến phân tích chỉ ra rằng các nước châu Âu không muốn phản kháng Bắc Kinh quá mạnh mẽ như Washington muốn; vì vậy liệu các nội dung này có được đưa vào tuyên bố hay không vẫn là điều có thể thay đổi.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết tại cuộc họp hôm 12/6, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã thảo luận về sự bất đồng của họ với Trung Quốc. Mỹ, Anh, Canada và Pháp hy vọng sẽ tập trung vào “hành động mạnh và phối hợp nhiều hơn” trong chính sách Trung Quốc của họ, nhưng Liên minh châu Âu, Đức và Italy hy vọng sẽ tập trung vào "bản chất hợp tác" của quan hệ với Trung Quốc. Ông Biden đã gây sức ép hy vọng Nhóm G7 phải có nhiều hành động chống lại Trung Quốc, nhưng quan chức này thừa nhận rằng các nước sẵn sàng đi xa trong vấn đề này và có quan điểm khác nhau.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đã trở thành thách thức đối với Mỹ và các nước phương Tây. (Ảnh: Nikkei Asia). |
Đại dịch COVID-19 là một trọng điểm khác của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 lần này. Tuyên bố chung sẽ liệt kê các biện pháp mà các quốc gia thành viên thực hiện để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, bao gồm giảm mạnh thời gian nghiên cứu và phát triển vaccine, liệu pháp và phương pháp chẩn đoán cũng như cấp giấy phép xuống dưới 100 ngày; tăng cường mạng lưới giám sát sức khỏe toàn cầu và khả năng giải trình tự gene, hỗ trợ cải cách và củng cố Tổ chức Y tế Thế giới. Vương quốc Anh sẽ thành lập một trung tâm sản xuất vaccine tương ứng tại nước này đối phó các bệnh truyền nhiễm do động vật.
Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 12/6 cho rằng chương trình “Vành đai và Con đường” là ý đồ của Trung Quốc nhằm cải thiện các hành lang thương mại và giao thông hiện có, đồng thời tạo ra sáng kiến quốc tế mới kết nối hơn 60 quốc gia ở Trung Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời dốc sức thúc đẩy phát triển quan hệ mậu dịch của họ với Trung Quốc. Sputnik cho rằng, Nhóm G7 đồng ý khởi động một sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ các nước đang phát triển, ý định của họ chính là nhằm chống lại Trung Quốc.