“Ảo” mất 1,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận?
Ngân hàng “mở bát” cho mùa công bố lợi nhuận 2015 là BIDV.
Theo thông tin được ngân hàng này chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động 2015 thì trong năm vừa rồi, riêng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đã lên tới 7.036 tỷ đồng, tăng mạnh 16% so với 2014. ROE đạt gần 15% và ROA là 0,76%.
“Tính đến 31/12/215, tổng tài sản BIDV đạt trên 857 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2014. Vốn điều lệ đạt trên 34 ngàn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 799 ngàn tỷ đồng, tăng trên 22% so với năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,71% trên tổng dư nợ. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 793 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 26%”, BIDV truyền thông.
Bên cạnh đó, do BIDV chưa công bố chi tiết báo cáo tài chính 2015, nên chưa rõ trước khi ra được kết quả kinh doanh ấn tượng hơn 7 nghìn tỷ đồng, ngân hàng này đã tiến hành trích lập dự phòng bao nhiêu.
Được biết, tính đến 30/09/2015, tổng nợ xấu của riêng BIDV mẹ đã là 11.459 tỷ đồng, tương đương với 2,1% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 5.178 tỷ đồng.
Đáng ngại hơn là bên cạnh 11,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu “chính danh”, BIDV cũng còn không ít nợ xấu “tráo danh” khác. Cụ thể là khoảng 7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (theo số liệu cập nhật vào đầu tháng 9/2015), mà thực chất là các khoản nợ xấu đã được “chuyển khẩu” qua VAMC nhưng rủi ro mất vốn thì vẫn nằm nguyên vẹn ở vế ngân hàng.
Tiết lộ của lãnh đạo BIDV tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư vào đầu tháng 9/2015 cho biết, ngân hàng này sẽ chỉ tiến hành trích lập dự phòng (20%) cho trái phiếu đặc biệt VAMC từ năm 2016. “Vì vậy khoản này sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của BID trong năm nay”, vị này nhấn mạnh.
Căn cứ vào đó có thể thấy rằng, nếu BIDV thực hiện trích lập đầy đủ 20% giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC, thì lợi nhuận của ngân hàng này trong 2015, đáng ra đã bị “sụt” khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng.
Và khi đó, mức lợi nhuận trước thuế hợp lý của BIDV năm 2015 sẽ chỉ là trên dưới 5,6 nghìn tỷ đồng, chứ không đến mức vĩ đại như con số mà ngân hàng này vừa công bố.
Lợi nhuận nào?
Nhà băng sốt sắng công bố lợi nhuận thứ hai, sau BIDV, là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Theo đó, NCB vừa công bố, ngân hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc, lên tới 188% trong năm 2015, với giá trị lợi nhuận tuyệt đối là 111 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải làm rõ 111 tỷ đồng lợi nhuận mà NCB đã nêu là lợi nhuận nào?
Thông thường, con số lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại công bố sẽ là lợi nhuận trước thuế hay lợi nhuận ròng (sau thuế).
Nhưng theo tìm hiểu của VietTimes, lợi nhuận mà NCB công bố lại là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Bởi nó gấp con số tương tự ở BCTC 2014 đúng 1,88 lần (Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của NCB trong năm 2014 là 59 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại chỉ có vỏn vẹn… 8 tỷ đồng).
Còn theo báo cáo tài chính được soát xét gần nhất của NCB, tính đến hết Quý III/2015, tổng lợi nhuận sau thuế ở ngân hàng này mới chỉ là... 1,7 tỷ đồng.
Và như vậy, cần phải nhận thức rõ con số lợi nhuận 111 tỷ đồng mà NCB đưa ra là chưa tính đến các chi phí dự phòng rủi ro.
Có nghĩa, với tỷ lệ trích lập 20% thì tính ra mỗi năm, NCB sẽ phải ngắt tối thiểu 400 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động cho mục đích dự phòng trái phiếu VMAC.
Đối chiều với kết quả kinh doanh của Ngân hàng Quốc dân trong thời gian vừa qua - tức là chỉ ở mức trên dưới 100 tỷ đồng - thì rõ ràng là rất khó để NCB có thể báo lãi trong nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, là ngân hàng kế thừa và tự lực tái cơ cấu hậu di sản Navibank, nên những kết quả kinh doanh mà NCB vừa "show" ít nhiều cho thấy những nỗ lực.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này, trong thời gian 2 năm vừa qua, NCB tập trung tái cấu trúc, phần lớn lợi nhuận được sử dụng để trích lập dự phòng và xử lý các tồn đọng cũ. Tuy nhiên hoạt động ngân hàng cốt lõi của NCB đã và đang phát triển mạnh mẽ, khả năng sinh lời rất khả quan, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho ngân hàng.
“Với nền tảng hiện nay, NCB hoàn toàn có thể tăng trưởng lợi nhuận từ 50-70% trong 1-2 năm tới. NCB đang bước vào giai đoạn mới – đột phá, bứt phá để khác biệt, để xây dựng thế mạnh riêng trên thị trường tài chính ngân hàng”, Tổng Giám đốc NCB, Đào Trọng Khanh chia sẻ.
Ninh Giang – Quốc Dũng