Chiều 17-5, trao đổi về nguyên nhân cá chết, ông Trần Văn Sơn, phó chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết từ 16-5, khi có hiện tượng cá chết, Chi cục đã lấy mẫu nước phân tích.
Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy một số hàm lượng vượt ngưỡng môi trường cho phép thủy sinh sinh sống như hàm lượng NH3, NH4 (nitrat, nitrit), tình trạng ô nhiễm hữu cơ cũng phát hiện dưới dòng kênh làm thiếu dưỡng khí. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Ông Sơn cũng đánh giá nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ô nhiễm trên do sau cơn mưa đầu mùa, cuốn trôi tất cả các chất bùn lắng, bụi ô nhiễm thải thẳng ra kênh. Hiện nay đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là lưu vực thoát nước của nhiều tuyến đường trên địa bàn thuộc quận Tân Bình.
Cũng theo ông Sơn hiện tại Chi cục này đang dùng chế phẩm sinh học zeolite (900kg) rải xuống dòng kênh để lắng và phân hủy các chất gây ô nhiễm, tăng cường dưỡng khí nhằm cải thiện môi trường nước tốt hơn.
“Khả năng ngày mai 18-5, chúng tôi tiếp tục sử dụng sản phẩm này để cải tạo môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên đây là giải pháp trước mắt, lâu dài phải đợi những dự án lớn xử lý nước trước khi thải ra kênh”, ông Sơn cho hay.
Chiều 17-5, ông Nguyễn Toàn Thắng, GĐ Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho biết đến 17g chiều 17-5, đã vớt được 14 tấn cá chết đưa đi xử lý, tiêu hủy.
Hiện tượng này thật ra không mới. Sau những cơn mưa đầu mùa tháng 5-2014, tháng 5 - 2015, cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã chết hàng loạt như vậy do ô nhiễm sau những cơn mưa đầu mùa.
Hiện tượng này có thể sẽ còn trong một thời gian ngắn, cho đến khi mưa đều và nhiều hơn, làm loãng các dư chất ô nhiễm của lưu vực thoát nước sau những con mưa đầu mùa.
Theo Tuổi Trẻ