Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tuyên bố hải quân Mỹ vẫn tuần tra biển Đông được nêu trong một lá thư gửi thượng nghị sĩ John McCain - Chủ tịch tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ, để giải trình về hoạt động này.
Ông Carter nói cuộc tuần tra được tiến hành “theo đúng luật quốc tế và là một hoạt động bình thường và định kỳ.
Ngày 27.10.2015, hải quân Mỹ tung khu trục hạm Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc (TQ) xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hành động này khiến TQ gọi là “nguy hiểm và khiêu khích”. Sau đó, Mỹ đưa máy bay B-52 bay vào nhóm đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tuần tra 2 lần/quý.
Tiếp tục thực hiện tự do hàng hải
Ông McCain đã yêu cầu ông Carter giải thích ý đồ của hải quân Mỹ sau thông tin chiếc Lassen tiến hành cuộc "đi qua vô hại” - một thuật ngữ chỉ việc một tàu chiến dùng các biện pháp để truyền thông tin, tức qua vùng biển của một nước khác mà không có hành động khiêu khích nào.
Trong lá thư, ông Carter giải thích hải quân Mỹ tiến hành tuần tra theo hướng “đi qua vô hại” vì chưa rõ nước nào có tuyên bố chủ quyền hợp lệ.
Ông viết: “Hoạt động tuần tra liên quan một cuộc quá cảnh tiếp diễn, phù hợp với quyền đi qua vô hại vốn chỉ áp dụng tại một vùng lãnh hải có chủ quyền và với quyền tự do hàng hải ở hải phận quốc tế”.
“Các nước không thể hạn chế quyền tự do hàng hải quanh các đảo và việc đòi chủ quyền các quần thể là đi ngược với luật quốc tế, vốn được phản ánh trong Công ước LHQ về luật biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện quyền tự do hàng hải theo đúng luật quốc tế trên toàn thế giới và biển Đông sẽ không là ngoại lệ”, ông Carter viết.
Ông Carter cũng cho biết: chiếc Lassen đã đi qua 5 quần thể đảo mà TQ, Việt Nam, Đài Loan, Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Ông viết 4 nước này đều không được báo trước cuộc tuần tra của chiếc Lassen.
Được hỏi về chuyện TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền với bãi đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông giải thích trước khi TQ xây bãi này thành đảo nhân tạo, nó là bãi nửa chìm khi thủy triều lên, có nghĩa TQ tuyên bố chủ quyền vùng nước quanh bãi này là phi pháp.
Hôm 4.11, ông McCain chỉ trích chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama trì hoãn việc tiến hành thêm các cuộc tuần tra “thực hiện quyền tự do hàng hải” ở vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên Biển Đông.
Ông McCain nói TQ vẫn tiếp tục “theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ” trong khu vực, trong đó có việc hạ cánh thử nghiệm một máy bay xuống bãi đá Chữ Thập ngày 2.1 khiến Việt Nam lên án, theo Reuters..
Theo ông, chính quyền Obama “hoặc không thể kiểm soát được những phức tạp trong việc ra quyết định an ninh quốc gia liên quan giữa các bên, hoặc đơn giản là quá e ngại rủi ro nên không thể làm những việc cần thiết để bảo vệ trật tự dựa trên các nguyên tắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Ý đồ thâm độc của Bắc Kinh
TQ đã có chuyến bay thử nghiệm lần thứ hai hạ cánh xuống bãi đá Chữ Thập sáng 6.1. TQ đã xây một đường băng 3.000 mét trên bãi đá Chữ Thập, một trong 3 đường băng mà TQ xây trên 7 đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Trường Sa, làm biểu tượng thách đố Mỹ.
Mỹ đã chỉ trích hoạt động xây dựng trái phép này, lo ngại TQ có thể dùng các đảo nhân tạo vào các ý đồ quân sự.
Giới quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng một loạt cảng, kho chứa và các khu đồn trú quân sự trên các đảo mới.
Dự kiến trên Bãi Đá Chữ Thập, TQ sẽ lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm và các phương tiện liên lạc quân sự. Các đường băng đủ dài để chiến đấu cơ, vận tải cơ, máy bay ném bom tầm xa hạ và cất cánh, tạo sự hiện diện quân sự của TQ ở Biển Đông.
Các nhà phân tích nói sự tăng cường hiện diện quân sự này có thể dẫn đến việc TQ lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, gây gia tăng căng thẳng với các nước trong khu vực và với Mý.
Theo Reuters, việc TQ tiến hành bay thử nghiệm cho thấy các cơ sở hạ tầng xây trái phép đã hoàn thành theo đúng kế hoạch của Bắc Kinh và không sớm thì muộn, chắc chắn TQ sẽ điều máy bay quân sự đến đây.
Leszek Buszynski, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc đại học Quốc gia Úc, nói việc TQ đưa các máy bay quân sự tới những đảo này là “không thể tránh khỏi”.
Một vùng ADIZ dù có thể chưa sớm tuyên bố, nhưng là điều có thể xảy ra, sau khi TQ hoàn thành việc tăng cường sức mạnh không quân.
“Sau các chuyến bay thử nghiệm, bước tiếp theo sẽ là đưa Su-27, Su-23 đến hoạt động cố định. Đó là những gì TQ sẽ làm”, ông Buszynski nói.
Chuyên gia biển Đông Ian Storey tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) cho rằng, những căng thẳng trong khu vực sẽ tồi tệ hơn nhiều, khi TQ sử dụng các hạ tầng mới để tăng ảnh hưởng sâu hơn trên biển Đông.
Ngay cả khi TQ chưa chính thức tuyên bố thành lập ADIZ, chắc chắn Bắc Kinh sẽ vẫn có những hành động, nhằm bảo vệ các đường băng mới cùng nhiều công trình hạ tầng khác.
"Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc TQ đưa ra những cảnh báo với cả máy bay quân sự và dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn. Đây là những tiền đề để TQ tuyên bố ADIZ, hoặc một ADIZ mặc định mà chưa tuyên bố của họ”, Storey nói.
Bích Ngọc - Theo TheHill.com, Reuters, Một thế giới