Quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, diễn ra hôm 7/1/2022.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, giải pháp tài khoá và tiền tệ thực hiện chương trình tác động đến bội chi ngân sách là 240.000 tỉ đồng. Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỉ đồng, có nghĩa giảm thuế năm 2022 gấp 3 lần năm 2021. Chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, các quy định của pháp luật về thuế hiện hành đã bao quát được các giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số.
Tuy nhiên, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản...cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.
Cụ thể, đối với lĩnh vực chứng khoán, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập; đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán. Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch chứng khoán cần nghiên cứu thận trọng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới với mục tiêu tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước”, ông Phớc nói.
Đối với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), ông Phớc cho biết, nếu giảm cả cho nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 5% thì số giảm thu sẽ lên đến trên 60.000 tỉ đồng, gây áp lực lớn hơn đến cân đối NSNN.
Đối với lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số có hưởng lợi, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo hình thức truyền thống và hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hoạt động thương mại điện tử. Như vậy, các chính sách thu đã bao quát các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hoạt động thương mại điện tử.
Riêng đối với việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB thuộc nhóm các nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu rà soát, thời hạn hoàn thành báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ngày 30/6/2022.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, hoàn thành báo cáo rà soát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ đề xuất thời điểm sửa đổi Luật thuế TTĐB cho phù hợp.
Liên quan đến đề xuất cho phép khấu trừ lợi nhuận vào năm trước đối với cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì nhiều doanh nghiệp năm 2020, 2021 không có lãi nên không được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm thuế, theo ông Hồ Đức Phớc, doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì được chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế (đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo với thời gian áp dụng không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ; chưa có quy chuyển lỗ về trước.
Thực tế hiện nay, để hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép doanh nghiệp được “chuyển lỗ để bù trừ lợi nhuận của năm trước”, song mức độ, phạm vi, điều kiện áp dụng chính sách có khác nhau, tùy theo thực tiễn tình hình tại mỗi quốc gia.
Tại nước ta, trường hợp áp dụng giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí thuế hoặc được hoàn số thuế đã nộp, bổ sung nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, chính sách này cũng có nhiều khó khăn khi triển khai, làm giảm thu NSNN năm thực hiện, phải điều chỉnh lại quyết toán NSNN của năm trước đã được Quốc hội phê duyệt, ngân sách các cấp phải bố trí nguồn để hoàn trả (do thuế TNDN là khoản thu phân chia)./.