Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng quý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ sẽ đo lường và định kỳ hàng quý công bố tỷ trọng kinh tế số trong GDP và đặc biệt, trong quý IV/2023, sẽ ra mắt bộ công cụ đo lường kinh tế số, cho phép các địa phương sử dụng để đo lường kinh tế ICT của tỉnh theo từng quý

vt_nguyen huy dung.JPG
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng công bố Chương trình hành động của Diễn đàn kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất

Ngày 14/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Chương trình hành động của Diễn đàn kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất với 10 điểm cụ thể:

Thứ nhất, thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng hướng tới phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) tại các địa phương trên cả nước theo hướng trước mắt mỗi hộ gia đình có 1 smartphone, hoàn thành hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và đi đôi với đó là phổ cập cáp quang đến từng hộ gia đình. Thời gian hoàn thành là tháng 12/2024.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, mục tiêu phát triển của xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo phải được sử dụng đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người.

Thứ hai, phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như sản xuất chế biến, nông nghiệp, du lịch, logistics và dệt may.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan chủ quản trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp nòng cốt phát triển các nền tảng và các địa phương thúc đẩy sử dụng. Lộ trình thực hiện trong quý IV/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành sẽ công bố nền tảng số quốc gia xuất sắc trong từng ngành, lĩnh vực và năm 2024 các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng.

Thứ ba, xây dựng và triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số với những khóa học kỹ năng cơ bản cho người dân, đặc biệt là phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) để sáng tạo nội dung.

Thứ tư, triển khai 3 dự án điểm quốc gia về ứng dụng AI, cụ thể là xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ công chức, viên chức khối hành pháp; trợ lý ảo tránh chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ lập pháp; và đặc biệt là trợ lý ảo về pháp lý phục vụ người dân.

Thứ năm, tiếp tục hướng dẫn, phổ biến triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng bộ trong cả nước để tổ này hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số.

Thứ sáu, chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin. Mục tiêu là bảo đảm an toàn thông tin mạng cho tối thiểu 70% thuê bao kết nối internet được truy cập an toàn.

Thứ bảy, phát triển và phổ cập chữ ký số cho người dân, phấn đấu hoàn thành phổ cập chữ ký số cho người dân vào năm 2025.

Thứ tám, đo lường và định kỳ hàng quý công bố tỷ trọng kinh tế số trong GDP và đặc biệt là quý IV/2023, ra mắt bộ công cụ đo lường kinh tế số, cho phép các địa phương sử dụng để đo lường kinh tế ICT của tỉnh mình theo từng quý.

Thứ chín, nhanh chóng xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử trước quý II/2024 để có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của Luật.

Thứ mười, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương; đồng thời trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia đến năm 2025./.