Bộ Tài chính chuyển dần trách nhiệm trả nợ về địa phương

Nhằm giảm dần cơ chế cấp phát các nguồn vốn vay ODA từ trung ương xuống cho ngân sách địa phương, Bộ Tài chính sẽ tăng cường cơ chế cho vay lại, chuyển dần trách nhiệm trả nợ từ trung ương sang địa phương, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
Các địa phương rất trông chờ nguồn vốn cấp phát từ ngân sách trung ương để đầu tư vào các dự án hạ tầng. 38% nguồn vốn trung ương rót xuống được đầu tư vào đây. Ảnh:TL
Các địa phương rất trông chờ nguồn vốn cấp phát từ ngân sách trung ương để đầu tư vào các dự án hạ tầng. 38% nguồn vốn trung ương rót xuống được đầu tư vào đây. Ảnh:TL

Trao đổi với báo chí cuối tuần trước, ông Long cho biết, năm 2017, khi Việt Nam bị hạn chế tối đa các nguồn vốn ODA có lãi suất thấp (do Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình), và chuyển sang các nguồn vay với lãi suất thương mại, cơ chế cho vay lại các khoản ODA không thể tiếp tục như hiện nay được nữa.

Hiện nay, nguồn vốn vay ODA và các khoản vay ưu đãi, viện trợ khác dành cho các địa phương (ước tính khoảng 35% tổng nguồn vay ODA của Chính phủ) chủ yếu là cấp phát. Chưa đầy 10% vốn rót xuống địa phương là vốn cho vay lại và địa phương phải bố trí ngân sách hàng năm để trả nợ. Vốn ODA hiện không tính trong hạn mức trợ cấp cho địa phương và phân bổ không đồng đều.

Nhưng tình hình nợ công tăng cao và nguồn vốn vay lãi suất thấp đã đến giới hạn khiến Bộ Tài chính phải phải nghiên cứu các cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại, để cơ quan nhận vay lại chịu rủi ro, thay vì rủi ro đẩy hết về ngân sách trung ương.

Theo ông Long, thực tế hiện nay là có tình trạng địa phương có nguồn thu, thu hút được nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đồng thời lại được ngân sách cấp phát; ngược lại cũng có những địa phương nghèo ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên, khả năng tiếp cận vốn hạn chế, tập trung vào thực hiện một số ít dự án cho vay lại hiện cũng khó khăn.

Hiện trong 63 tỉnh thành có 13 địa phương cân đối được thu – chi, 50 địa phương nhận cấp phát ngân sách từ trung ương.

Kể từ năm 2016, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các địa phương đăng ký các khoản vay mới với Bộ Tài chính để cơ quan quản lý nợ của bộ có thể giám sát được nợ công và tính toán nghĩa vụ trả nợ.

“Không thực hiện chuyển ngay từ cơ chế cấp phát sang 100% cho vay lại vì sợ nhiều địa phương sốc nhưng trách nhiệm trả nợ phải chuyển dần từ trung ương sang địa phương”, ông Long nói.

Cơ chế được đề xuất là những địa phương có dự án có khả năng hoàn vốn 100% trực tiếp từ dự án thì sẽ thực hiện theo phương thức cho vay lại qua các định chế tài chính, nhằm giảm áp lực của các địa phương vì tự dự án có hiệu quả thì vay vốn được.

Chính quyền địa phương có thể vay lại vốn viện trợ từ trung ương theo bậc thang: Những địa phương có tiềm lực, cân đối thu chi, nguồn thu tốt có khả năng hoàn được vốn thì gánh trách nhiệm chung với trung ương, địa phương chịu một phần vốn đối ứng. Các địa phương này được vay ODA với tỷ lệ vay cao hơn đồng thời được vay các nguồn khác với lãi suất hấp dẫn.

Riêng các địa phương nghèo, khó khăn vẫn sẽ được nhận ngân sách trung ương cấp phát, nhất là các dự án vay vốn ODA. Tuy nhiên, các địa phương này cũng chỉ được cấp phát trong điều kiện đã tính toán đầy đủ cho dự án, có mặt bằng thi công, vốn đối ứng và tính toán các hiệu quả khác của dự án.

Cơ chế mới này sẽ tránh tình trạng địa phương coi vốn vay ODA, vốn từ trung ương rót xuống là nguồn cho không, khởi công vô tội vạ các dự án khi chưa xác định được nguồn vốn, dẫn đến mất hiệu quả. Nhiều địa phương trước đây như Hà Giang, Hà Nam…đã trở thành đại công trường do đầu tư nhiều dự án khi chưa bố trí được nguồn vốn, dẫn đến ngân sách địa phương nhiều năm bị “vỡ nợ”.

Theo TBKTSG