Bộ GTVT lại trình phương án mở rộng, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất
Nguyên Hồng
VietTimes -- Theo Phương án tháng 5 mới đây của Bộ GTVT, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng, nâng cấp đồng bộ để tiếp tục là đầu mối giao thông hàng không ở khu vực phía Nam trong 10 năm tới, với công suất 43 - 45 triệu hành khách/năm.
Phương án này được hoàn thiện trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của thường trực Chính phủ vào cuối tháng 3/2017 cùng ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định dự án, nên rất có thể đây là phương án cuối cùng của dự án này.
16.000 tỷ đồng và 19.350 tỷ đồng
So với phương án trước đó (Phương án tháng 3 - PV) phương án lần này có nhiều điều chỉnh quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là nâng diện tích sân bay từ 574,4ha lên 617,05ha và tách Sân bay Tân Sơn Nhất làm 2 phần: các công trình dân dụng, công trình dùng chung dân sự - quân sự do hàng không dân dụng quản lý, có diện tích 566,66ha; và các công trình liên quan tới hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng có diện tích 50,39 ha.
Ngoài ra, nhà ga hành khách phục vụ hàng không dân dụng (Nhà ga hành khách T4) sẽ được thiết kế với công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm. Để đảm bảo hoạt động khai thác, trên phần đất do dân dụng quản lý, Bộ GTVT quy hoạch 80 - 85 vị trí đậu khai thác phục vụ hành khách, bao gồm cả khu đất 19,97 ha đã được Bộ Quốc phòng tạm bàn giao Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp và khai thác, sử dụng
Đối với phần đất quốc phòng, Bộ GTVT vẫn muốn đưa vào quy hoạch Nhà ga lưỡng dụng T3 và một số công trình dịch vụ hàng không, trước mắt phục vụ mục đích quân sự và có thể dự phòng phục vụ cho hàng không dân dụng trên khu vực đất khoảng 12,65 ha (nằm ở phía Tây Nam khu vực sân đỗ 19,79 ha).
Như vậy, với phương án này, Bộ GTVT muốn đưa nhà ga T4 sẽ là nhà ga chủ lực trong quy hoạch phát triển sân bay, việc này sẽ giúp giảm chi phí của dự án: Bộ GTVT dự chi 16.000 tỷ đồng cho phương án tháng 5 thay vì 19.350 tỷ đồng như phương án tháng 3.
Về nguồn vốn huy động, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt - ACV (đơn vị khai thác Cảng) là chủ đầu tư, chủ trì trong việc nghiên cứu, huy động vốn đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T4 và các dự án đầu tư xây dựng trong khu bay.
Việc để Tổng công ty Cảng hàng không Việt toàn quyền quyết định huy động vốn, theo Bộ GTVT, là để đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý khai thác, đặc biệt đối với khu vực đất tạm giao của Bộ Quốc phòng.
Về hệ thống giao thông tiếp cận, bên cạnh việc cải tạo, mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga hành khách T4; cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga T3 được đề cập trong Phương án tháng 3, Bộ GTVT đề xuất thêm tuyến đường trên cao kết nối từ ga hành khách ra khu vực đường Phan Thúc Duyệt, Trần Quốc Hoàn. Với việc bổ dung một loạt hệ thống đường tiếp cận vào quy hoạch, các cửa ra, vào sân bay sẽ thuận lợi hơn cho hành khách.
Thành lập công ty liên doanh huy động vốn
Hiện nút thắt trong huy động vốn mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất là kinh phí thực hiện đầu tư mở rộng khu bay.
Cụ thể, theo phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết cấu hạ tầng khu bay bao gồm đường lăn, đường cất hạ cánh do Nhà nước quản lý và đầu tư, thuộc trách nhiệm ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp như hiện nay, ACV muốn được thành lập một công ty cổ phần với vốn nhà nước tham gia không quá 30% để huy động vốn xã hội hóa. Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến dự án này.
Bộ GTVT cũng ủng hộ quan điểm này của ACV. Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư góp vốn cùng ACV sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả.
Về phương án hoàn vốn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2017 - 2019 và giữ lại nguồn thu từ phương án cho thuê kết cấu hạ tầng khu bay và giữ lại tiền cổ tức hàng năm của Nhà nước tại ACV.