Biểu tình ​lớn phản đối Thổ Nhĩ Kỳ điều quân vào lãnh thổ Iraq

Theo Reuters ngày 12-12, hàng ngàn người biểu tình là các thành viên phong trào Hashad al-Shaabi - lực lượng bán quân sự Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Nhiều người giơ cao các biểu ngữ phản đối, yêu cầu Ankara rút quân ra khỏi Iraq.
Người biểu tình Iraq đốt cờ Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối việc nước này triển khai quân đội đến Iraq mà không xin phép - Ảnh: Reuters
Người biểu tình Iraq đốt cờ Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối việc nước này triển khai quân đội đến Iraq mà không xin phép - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, một số người quá khích đã giẫm đạp, đốt cờ Thổ Nhĩ Kỳ và đe doạ sẽ sử dụng vũ lực đối với các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq.

Lực lượng an ninh ở Baghdad đã phải phong tỏa Quảng trường Tahrir - nơi tập trung đông những người biểu tình, đồng thời cấm các tuyến đường xung quanh khu vực biểu tình.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 12-12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iraq Ibrahim al-Jaafari để thảo luận về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq.

Mátxcơva gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến miền Bắc Iraq là hành động “xâm phạm trái phép” chủ quyền và lãnh thổ của Iraq. Bộ Ngoại giao Nga đồng thời tuyên bố: “Phía Nga bày tỏ lập trường vững chắc trong việc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq”.

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hoà Czech, ông Milos Zeman gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ giống như thể họ là đồng minh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuyên bố được ông Zeman đưa ra sau khi EU quyết định chi 3,2 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara hỗ trợ và giữ chân người tị nạn Syria ở lại trên đất Thổ, ngăn chặn việc họ tràn vào châu Âu. 

Ông Zeman giải thích lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp nhận người tị nạn Syria chạy trốn IS, bởi đa số các cộng đồng dân cư ở hai quốc gia đều có cùng một đức tin là Hồi giáo.

Theo Tuổi trẻ