Nước Mỹ của Donald Trump lên giọng với Trung Quốc, ngăn cản người khổng lồ châu Á khống chế, độc chiếm Biển Đông. Theo giới chuyên gia phương Tây, Trung Quốc tuy yếu hơn Mỹ nhưng cũng có phương tiện đối phó. Vấn đề là nếu xảy ra xung đột trực diện với Mỹ, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Theo giới phân tích, Biển Đông là khu vực nhạy cảm từ bốn thập kỷ qua. 80% diện tích vùng biển chiến lược với con đường hàng hải huyết mạch của kinh tế thế giới bị Trung Quốc xem là ao nhà. Trung quốc đã xây dựng trái phép, gia cố các đảo lớn nhỏ thành căn cứ quân sự, khu du lịch để khẳng định chủ quyền.
Nếu tổng thống Barack Obama trước đây lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thì dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ tiến thêm một bước. Không kể thái độ công khai thân thiện với Đài Loan, chính quyền mới tại Washington qua phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 23/1 cảnh báo Trung Quốc Mỹ sẽ làm mọi cách không cho Trung Quốc xâm hại quyền lợi quốc tế tại Biển Đông. Hai tuần trước, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson đe trước «không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo lấn chiếm».
Phản ứng của Bắc Kinh không gây ngạc nhiên: Lớn tiếng tuyên bố kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng ý thức sức mạnh quân sự của mình có giới hạn. Theo nhà phân tích chiến lược Pháp Valérie Niquet được AFP trích dẫn, chính quyền Bắc Kinh biết là nếu xung đột trực diện với Mỹ thì sẽ thua . Do vậy, Trung Quốc dùng mưu mẹo khác, triển khai một lực lượng hải thuyền có khả năng phản ứng nhanh và làm cho Mỹ phải do dự trước viễn ảnh một cuộc chiến tranh tốn kém lớn tại châu Á.
Quân đội Trung Quốc hiện nay đã có trong tay 61 tàu ngầm trong đó có bốn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 19 chiếc khu trục hạm và 54 tàu tuần dương.
Bị Mỹ hù dọa, Trung Quốc cũng cố gắng phô trương cơ bắp. Hải quân nước này thông báo vừa đưa vào hoạt động khu trục hạm Xining, được xem là tối tân nhất với khả năng tiêu diệt «hàng không mẫu hạm». Ngoài ra, Trung Quốc còn có những tên lửa đạn đạo chống hạm (DF-21 và DF-22) có thể buộc tàu chiến Mỹ không dám tiến gần.
Với một tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất và lỗi thời mua lại của Ukraina, Trung Quốc dư sức hù dọa các quốc gia Đông Nam Á nhưng chắc chắn không thể đọ sức với hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nếu biết cách tổ chức, với những phương tiện này, Trung Quốc vẫn có thể làm cho Mỹ e dè, theo nhận định của chuyên gia Nhật Bản Noburu Yamaguchi, đại học Tokyo.
Với nhịp độ chạy đua vũ trang để trỗi dậy siêu cường, Trung Quốc đã tiến những bước rất dài trong hai thập niên qua nhưng vẫn không thấm vào đâu với tiến bộ quân sự vượt trội của Mỹ. Phải mất thêm từ 20 đến 30 năm, Trung Quốc mới có hy vọng thu ngắn khoảng cách nhưng vấn đề là Mỹ không đứng yên, theo thẩm định của giáo sư James Char, đại học Nanyang ở Singapore.
Cho dù Trung Quốc phô trương tên lửa liên lục địa DF-41 có tầm phóng 14.000 km, trang bị 12 đầu đạn nguyên tử, đủ sức làm cho nước ngoài «kính nể» như Hoàn cầu nhận định, Bắc Kinh vẫn phải cân nhắc lợi hại trước siêu cường Mỹ.
Một nhược điểm mà Trung Quốc không thể che giấu là quân đội không có kinh nghiệm chiến trường và thiếu tinh tường kỹ thuật mới.
Biết đánh thì không thắng mà đe dọa suông thì càng bị chính quyền Donald Trump xem thường. Theo chuyên gia Valérie Niquet, Trung Quốc đứng trước một ván cờ tế nhị. Nếu lỡ bước khiêu khích khiến Mỹ phải can thiệp thì hậu quả sẽ khó lường.