Tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) ngày 26/5 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho rằng một năm trước, thực sự có quan điểm lo ngại chủ trương của các nước ở Biển Đông có thể sẽ gây ra một cuộc chiến tranh có liên quan đến Trung Quốc, 10 nước ASEAN và Mỹ tại Đông Nam Á.
Tháng 7/2016, sau khi Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết nhấn mạnh yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, rủi ro đã tăng mạnh. Sự việc sau đó đã chứng minh thái độ thiết thực của các nước trong khu vực này. Vai trò ảnh hưởng "hạn chế" của Mỹ ở châu Á đã phần lớn cho thấy Trung Quốc đã có những tính toán gây ảnh hưởng như thế nào.
Trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết đã xuất hiện một số chính sách "bên miệng hố chiến tranh" nguy hiểm. Thông qua những tuyên bố mạnh mẽ, Mỹ và Trung Quốc có tư thế đối đầu gay gắt.
Trung Quốc không có dấu hiệu nhượng bộ, nhanh chóng triển khai các hành động bất hợp pháp như xây dựng đường băng sân bay và lắp đặt các hệ thống vũ khí trên một bộ phận đảo, đá tranh chấp ở Biển Đông.
Khi đó, tàu chiến và máy bay của quân đội Mỹ tiếp cận một số đảo, đá, tuyên bố Mỹ có quyền thực hiện các hành động tự do đi lại trên Biển Đông.
Trong bối cảnh bất định đó, khi tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ quyết định gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague, tranh thủ cải thiện quan hệ với Trung Quốc thì "quả bóng đã xì hơi", có nhiều người thở phào.
Những sự việc xảy ra tiếp sau đó có thể làm cho dư luận hiểu được hành vi của Trung Quốc đối với khu vực này. Trước hết, thái độ của Trung Quốc đã dịu đi. Thứ hai, quan chức Trung Quốc đề xuất triển khai hợp tác song phương về an ninh biển.
Tiếp theo, điều bất ngờ là, Bắc Kinh cam kết thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - hành động này luôn thiếu động lực trong hơn 10 năm qua.
Ở mức độ nhất định, Trung Quốc là người may mắn. Xu thế phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc theo phán quyết của Tòa Trọng tài đã nhanh chóng giảm đi sau khi bắt đầu mùa bầu cử ở Mỹ.
Tất cả những điều này đều làm cho Trung Quốc có thể áp dụng tư thế hợp tác hơn ở Biển Đông. Đến cuối năm 2016, Cảnh sát biển Trung Quốc đề nghị tiến hành hợp tác song phương với Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines.
Đầu năm 2017, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những phát biểu "đáng vui mừng" về xây dựng khung COC. Đến cuối tháng 4/2017, dự thảo khung COC cuối cùng được xác định.
Điều 1 của quy tắc chung (COC) chỉ ra, mục đích của COC là cung cấp "khuôn khổ dựa trên quy tắc, bao gồm một loạt tiêu chuẩn, dùng để chỉ đạo hành vi của các bên và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông".
Cuối tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN. Điều này cho thấy Washington đang tái khẳng định mối quan tâm của họ đối với Đông Nam Á. Nhưng, hiện nay, thách thức an ninh chủ yếu của Mỹ là bán đảo Triều Tiên ở phía bắc.
Sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không còn nỗ lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh rõ ràng đã "thở phào", cảm thấy hợp tác mang tính xây dựng có thể thay thế cho những tuyên bố không thỏa hiệp gay gắt.
Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai tiếp xúc an ninh song phương và đưa ra triển vọng kinh tế của sáng kiến "Vành đai, con đường" với khu vực. Sau khi hải quân Indonesia và cảnh sát biển Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng ở quần đảo Natuna vài giờ, cảnh sát biển Trung Quốc đã chủ động tỏ thiện chí với Indonesia.
Philippines được thông báo ngư dân của họ có thể quay trở lại bãi cạn Scarborough, cho dù không có dấu hiệu tàu Trung Quốc rút đi. Quan chức chấp pháp trên biển của Malaysia thấy lạ là chỉ sau một hội nghị thì quan chức Trung Quốc đã đưa ra dự thảo thỏa thuận.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rất có thể đã tiến hành suy nghĩ kỹ lưỡng đối với một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài và cho rằng kết quả này là "cùng thắng".
Thái độ hợp tác hơn của Bắc Kinh rất có thể đem lại một số tiến triển cho xây dựng lòng tin, có lợi cho làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông.