Biển Đông: Trung Quốc bất ngờ đề xuất cơ chế hợp tác

Lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất một cơ chế hợp tác giữa các nước tranh chấp ở Biển Đông, khiến giới quan sát nghi ngờ liệu Trung Quốc có tính toán gì mới ở vùng biển đang căng thẳng này hay không.
Trung Quốc lại đề xuất cơ chế hợp tác ở Biển Đông - Ảnh minh họa: AFP
Trung Quốc lại đề xuất cơ chế hợp tác ở Biển Đông - Ảnh minh họa: AFP

Bên cạnh răn đe các nước không liên quan và phản bác chủ quyền của nước khác đối với Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một đề nghị hợp tác giữa các nước có tranh chấp ở Biển Đông, một động thái được cho là khá bất ngờ vì lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập đến “cơ chế hợp tác”.

“Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng thành lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia ở Biển Đông mà các nước liên quan sẽ làm việc với nhau để duy trì và xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta là Biển Đông”, ông Vương được hãng AP trích phát biểu ngày 9.3.

Ngoại trưởng Trung Quốc không nói chi tiết về cơ chế hợp tác mà Bắc Kinh đang nghiên cứu và ông cũng không nói gì thêm về ý tưởng này. Báo South China Morning Post cho biết có thể Bắc Kinh sẽ đề cập “cơ chế hợp tác” trong cuộc họp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2016 này.

Sự "úp mở" về cơ chế hợp tác khiến giới quan sát thắc mắc về đề xuất của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bởi lâu nay Bắc Kinh không bao giờ nhắc đền điều này hay ủng hộ cho ý tưởng tương tự.

Một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được triển khai nghiên cứu, soạn thảo hơn chục năm nay giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, bộ qui tắc ứng xử được xem là cơ sở hợp tác giữa các nước thành viên có tranh chấp với Trung Quốc vẫn chưa đi đến được giai đoạn cuối cùng là đồng thuận giữa các bên liên quan.

Bắc Kinh luôn tìm cách thoái thác việc hoàn tất COC vì nó có thể ngăn cản các hoạt động cải tạo, xây dựng căn cứ và quân sự hóa của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp.

“Trung Quốc đang muốn tìm cách làm dịu căng thẳng với các nước có tranh chấp mà phần lớn nằm trong khu vực ASEAN”, chuyên gia về Đông Nam Á ở Bắc Kinh, ông Xu Liping nhận định về cơ chế hợp tác của Trung Quốc.

Những nước thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei; trong khi Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia và Singapore không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Xu cho rằng cơ chế này có thể tương tự những thỏa thuận về nghiên cứu, phát triển và an ninh hàng hải mà Bắc Kinh đã ký với từng nước thành viên ASEAN. Theo nhận định của ông Xu, cơ chế mới sẽ không phủ nhận hay thay thế những thỏa thuận đã được ký kết.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh Li Mingjiang của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nghi ngờ về cơ chế hợp tác mà Trung Quốc đang tính toán sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề “nhẹ nhàng” như bảo vệ môi trường thay vì những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm như chủ quyền lãnh hải.

"Còn những vấn đề về an ninh, Trung Quốc vẫn thích làm việc với cả khối ASEAN, vì khi có tất cả các quốc gia tham gia sẽ giúp làm mềm hóa các quan điểm cực đoan có thể chỉ có lợi cho những nước có tranh chấp", chuyên gia Li nhận định.

Theo Thanh niên