Giới quan sát quốc tế từng cho rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng thời cơ nước Mỹ bị «tê liệt" vì cuộc bầu cử tổng thống để khuấy động tình hình Biển Đông trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu đầu tháng 9, cho đến tháng 11, là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tại Mỹ. Thế nhưng cho đến nay không thấy có sự cố đột biến nào xảy ra, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.
Chuyên gia Graeme Dobell phân tích trên trang mạng viện nghiên cứu Úc ASPI nhận định. đó có thể là nhờ vào việc tân tổng thống Philippines đã cho thấy xu hướng «bỏ Mỹ theo Trung Quốc», khiến Bắc Kinh phải tự kềm chế để xem diễn biến ra sao.
Theo ông Graeme Dobell, nếu thực sự là tân tổng thống Philippines xoay trục qua Trung Quốc thay vì Mỹ, Bắc Kinh sẽ có thể "bất chiến tự nhiên thành" tại Biển Đông, vừa có khả năng có được một thỏa thuận song phương với Philippines về Biển Đông, vừa phá được phần nào chính sách tái cân bằng của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyên gia Úc đã nhắc lại những dự báo bi quan gần đây, theo đó rất có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ nhau trên vấn đề bãi cạn Scarborough. Trung Quốc muốn chứng tỏ bằng hành động thực tế rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài The Hague không có giá trị với họ, trong khi Mỹ lại phải chứng minh rằng ông Obama không nói suông khi quả quyết với ông Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scarborough.
Như chuyên gia Mỹ Bonnie Glaser đã quan sát tại thời điểm phán quyết của Tòa Trọng tài: “Ông Tập Cận Bình đã mất thể diện ở đây, và Trung Quốc sẽ rất khó thực hiện bất kỳ điều gì. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ có một phản ứng rất mạnh vì nước này đã mất mọi thứ trên Biển Đông theo phán quyết này”. Tờ South China Morning Post từng cho rằng công việc cải tạo bãi cạn Scarborough có thể bắt đầu sau Hội nghị thượng đỉnh G20 nhưng sẽ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Vào tháng 3/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra “lằn ranh đỏ” quanh bãi cạn Scarborough, cảnh báo chủ tịch Tập Cận Bình về những hệ quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc khởi công xây dựng một căn cứ khác. Có lẽ lằn ranh đỏ của ông Obama đã thực sự có tác dụng. Hoặc có lẽ Trung Quốc quyết định không thử thách vị tổng thống Mỹ trong suốt cuộc bầu cử ở Mỹ. Hoặc cũng có thể Trung Quốc chọn cách làm ngơ trước việc mất thể diện sau phán quyết. Hay cũng có khả năng cách tiếp cận của Duterte là một nhân tố làm thay đổi ván bài của Trung Quốc. Vậy tại sao không cho vị tổng thống mới của Philippines một cơ hội?
Xu hướng đối đầu Mỹ-Trung rất nguy hiểm và có nhiều khả năng xảy ra, nhưng sự kiện tân lãnh đạo Philippines, tác nhân chính trong vụ kiện Biển Đông lại thay đổi thái độ, vừa có phát biểu chống Mỹ, vừa sẵn sàng hòa giải với Trung Quốc, đàm phán song phương về Biển Đông với Bắc Kinh mà không cần nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, sẵn sàng nhận trợ giúp của Trung Quốc...
Ông Dobell nhận định rằng có lẽ chính điều đó đã giúp «hạ nhiệt» tại Biển Đông vì cho phép cả Mỹ lẫn Trung Quốc tạm dừng đối đầu để xem xét tình hình mới mà phía Philippines đặt ra.
Đối với Trung Quốc, triển vọng mới trong quan hệ với Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh gỡ thể diện vì bị thua trong vụ kiện Biển Đông, đồng thời gây thêm khó khăn cho Mỹ trong chiến lược xoay trục, mà mục tiêu được cho là nhằm đối phó Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi ông Duterte làm rõ hơn chính sách đối ngoại mới của Philippines, Bắc Kinh có dấu hiệu tiếp tục thực thi sách lược hòa hoãn, từng thể hiện với Philippines từ ngày ông Duterte đắc cử tổng thống.
Về những yếu tố có thể khiến cho ông Duterte hòa hoãn với Bắc Kinh, chuyên gia Dobell nêu bật giải thích của ông Mark Williams, cựu đại sứ Úc ở Manila từ 1989 - 1994. Cựu đại sứ Williams đã liệt kê một loạt các nhân tố sẽ ảnh hưởng tới cái cách mà ông Duterte giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là với Trung Quốc bao gồm:
1. Philippines nhận thức được rằng bất kỳ đối đầu quân sự nào cũng sẽ là thảm hoạ đối với Manila, đặc biệt là nếu Mỹ sử dụng căn cứ hải quân của nước này tại Philippines.
2. Không phải tổng thống Duterte là người phát động vụ kiện ra Tòa Trọng tài và ông phải giải quyết vấn đề này hết sức cẩn trọng.
3. Philippines quan tâm hơn về vấn đề quyền đánh bắt và tiềm năng dầu khí trong vùng biển tranh chấp hơn là tự do hàng hải.
4. Quan hệ Philippines- Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ lâu đời và rất phức tạp, trong đó Trung Quốc chiếm ưu thế trong kinh doanh dù nhiều công ty được nguỵ trang bằng những cái tên không phải tiếng Trung.
Duterte đã nhìn thấy nhiều thứ ông muốn đạt được từ Trung Quốc. Cảm giác này đến từ cả hai phía. Trung Quốc cũng rất thất vọng vì nước này không thể chuyển sức mạnh kinh tế sang những thành quả chiến lược rõ ràng ở Đông Nam Á. Việc phô trương xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông có thể được coi như hành vi thể hiện sự giận dữ và thất vọng cũng như là khẳng định sức mạnh: Trung Quốc lớn và mạnh và là người đứng đầu ở mọi nơi, vì thế Trung Quốc không thể không được tôn trọng.
Trung Quốccho đến nay rất bực bội trước việc không biến được sức mạnh kinh tế thành lợi ích chiến lược rõ ràng trong khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.
Theo chuyên gia Dobell, ông Duterte có thể biếu cho Trung Quốc điều mà Bắc Kinh luôn mong muốn: Một thỏa thuận song phương về Biển Đông với một nước tranh chấp quan trọng. Bên cạnh đó là làm suy yếu được liên minh tại châu Á của đối thủ số một là Mỹ. Đó có thể là lý do tại sao vào thời điểm này, Trung Quốc tránh những hành vi quá thô bạo có thể khiến Philippines đổi ý.