BIDV siết nợ Hưng Ngân Group, tìm tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 500 tỷ đồng

VietTimes -- Trong nửa cuối năm 2019, BIDV tỏ ra khá mạnh tay trong việc siết nợ các doanh nghiệp bất động sản, mới đây là trường hợp của Hưng Ngân Group.
Phối cảnh dự án Hưng Ngân Garden 2 (Nguồn: hungngangroup.vn)
Phối cảnh dự án Hưng Ngân Garden 2 (Nguồn: hungngangroup.vn)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID), ngày 23/12, phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của CTCP Nhà Hưng Ngân (Hưng Ngân) - một công ty thành viên của tập đoàn bất động sản Hưng Ngân Group.

Theo đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 31/10/2019 của Hưng Ngân tại BIDV là hơn 502,2 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm 2 dự án bất động sản cùng với 3 quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.

Cụ thể, tài sản bảo đảm là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp phức hợp thương mại tại Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM (tên thương mại là Hưng Ngân Garden). Diện tích đất toàn khu dự án là 27.559,6 m2, bao gồm: 4 Block Chung cư 22 tầng, trường học, khu thương mại dịch vụ…

Bên cạnh đó, một dự án khác cũng được Hưng Ngân sử dụng làm tài sản bảo đảm là Dự án Dự án Khu du lịch Bãi Cửa Cạn tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Khu du lịch sinh thái Cửa Cạn), với diện tích 204.204 m2 thuộc Khu du lịch Bãi Cửa Cạn. Phần đất được cơ cấu sử dụng là khu thương mại dịch vụ phức hợp, khu dịch vụ du lịch, khu khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng.

BIDV cho biết, dự án Khu du lịch sinh thái Cửa Cạn đang trong giai đoạn triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện được phần diện tích là 53.179,73 m2/204.204 m2 (tương ứng 26%).

Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái Cửa Cạn tại "đảo ngọc" Phú Quốc
Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái Cửa Cạn tại "đảo ngọc" Phú Quốc

Ngoài ra, tài sản bảo đảm khác là 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các địa chỉ: 51 Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP.HCM; 130 Phố Tôn Đức Thắng, Phường Văn Chương, Quận Đống Đa, Hà Nội và số 11 ngách 34/2 đường Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Trong đó, khu đất số 51 Hoàng Diệu (Phường 10, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM) là địa chỉ trụ sở chính của Hưng Ngân. Lô đất tại số 130 Phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) là nơi ông Nguyễn Đắc Điềm (sinh năm 1958, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật Hưng Ngân) đăng ký thường trú.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hưng Ngân được thành lập từ năm 2009, hiện có quy mô vốn hơn 315 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập là: CTCP Đầu tư Nhà và Thương Mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Houses, tỷ lệ sở hữu 55%); Nguyễn Đắc Điềm (tỷ lệ sở hữu 25%); Nguyễn Thị Lương (tỷ lệ sở hữu 5%) và Nguyễn Thị Đắc Ngân (tỷ lệ sở hữu 15%).

Hưng Ngân Houses được thành lập từ năm 2007, với 96,82% vốn điều lệ do ông Nguyễn Đắc Điềm sở hữu. Doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Thị trấn Chờ phân khu A, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo giới thiệu của tập đoàn này, “hệ sinh thái” của Hưng Ngân Group còn bao gồm một số công ty thành viên là CTCP Dịch vụ Quản lý Bất động sản Thiên Ngân (Hưng Ngân Services), CTCP Đầu tư Tây Á (Hưng Ngân Trading), CTCP Đầu tư Xây dựng Yên Minh (Hưng Ngân Construction) và Sàn bất động sản Hưng Ngân (Hưng Ngân Land).

Trước đó, trong nửa cuối năm 2019, BIDV đã tổ chức bán đấu giá tài sản, siết nợ nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như: Tập đoàn Đức Khải, Tập đoàn Khải Vy, Doanh nghiệp Tư nhân Như Ý./.