Chuyển biến tại Tập đoàn Khải Vy trước ngày bị BIDV siết nợ

VietTimes -- Việc nhiều tài sản được BIDV mang bán đấu giá mới đây là biểu hiện cho thấy sức khỏe tài chính của Tập đoàn Khải Vy đang gặp nhiều khó khăn. 
Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy đang được rao bán tại một số trang bất động sản với tên thương mại là Grand Nest Khải Vy (Ảnh: Internet)
Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy đang được rao bán tại một số trang bất động sản với tên thương mại là Grand Nest Khải Vy (Ảnh: Internet)

Theo tìm hiểu của VietTimes, người sáng lập của tập đoàn này - ông Đoàn Văn Trang (sinh năm 1963) - bắt đầu sự nghiệp tại bộ phận kế toán của một công ty quốc doanh chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Tp. HCM.

Sau 10 năm gắn bó trong môi trường Nhà nước, năm 1993, ông Trang chuyển hướng kinh doanh riêng với xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ tại thành phố Quy Nhơn. Sự nghiệp kinh doanh của ông Đoàn Văn Trang sau đó dường như rất phát triển với việc liên tiếp mở thêm các nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu mới, trong đó phải kể tới nhà máy có quy mô 7,6 ha tại Quận 7, Tp. HCM.

Tới năm 2007, tập đoàn của ông còn đầu tư 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha. Quy mô nhân sự của tập đoàn này được giới thiệu là đạt tới 6.000 người tại thời điểm cuối năm 2017.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, tham vọng mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh, phát triển thành mô hình tập đoàn đa ngành đã sớm được ông Đoàn Văn Trang cụ thể hóa với việc thành lập nên CTCP Tập đoàn Khải Vy (Khải Vy) vào tháng 5/2000.

Chuyển biến tại Tập đoàn Khải Vy trước ngày bị BIDV siết nợ ảnh 1

Ông Đoàn Văn Trang - Chủ tịch Tập đoàn Khải Vy (Ảnh: khaivy.com)

Tới cuối năm 2006, tập đoàn này tham gia góp vốn thành lập nên CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang nhằm mục đích đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa.

Sau đó, Khải Vy đã đầu tư hơn 580 tỷ đồng để xây dựng Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới và Khách sạn MerPerle Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM), quy mô bao gồm 4 phòng tiệc cưới sức chứa hơn 1.500 khách, cùng 80 phòng khách sạn chuẩn 4 sao. Trung tâm này đã được khai trương vào tháng 10/2015.

Với những thành công ban đầu, tới năm 2017, Khải Vy ghi nhận bước tiến lớn trong lĩnh vực bất động sản khi được UBND Tp. HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, Quận 7, Tp. HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, do những vướng mắc về mặt pháp lý mà việc cấp sổ đỏ cho dự án này gặp nhiều khó khăn.

Hồi cuối tháng 6/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị UBND Tp. HCM sớm chỉ đạo cơ chế giải quyết vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công chiếm tỷ lệ nhỏ trong dự án nhà ở. Theo đó, trường hợp của dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy cũng được đề cập.

Cụ thể, phần diện tích đất phát triển dự án có 1.758,5 m2 đất công, chiếm tỷ lệ 2,2%, nhưng lại nằm rải rác trong 5 thửa đất của dự án (gồm 284,5m2 đất có nguồn gốc đất rạch, 1.279m2 đất thu hồi để mở đường giao thông khu vực và 194,5m2 đất lưu không). Chính vì vẫn còn đất công trong ranh dự án mà chủ đầu tư (lúc này là CTCP Bất động sản Khải Thịnh - thành viên trong "hệ sinh thái" của Khải Vy) chưa được cấp sổ đỏ.

Vị trí dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy. (Ảnh: Internet)
Vị trí dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy. (Ảnh: Internet)

Trong khi Khải Vy đang gặp khó tại dự án bất động sản “khủng”, đối tác tín dụng thân quen là ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài mới đây (ngày 24/10) đã bất ngờ ra thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá nhiều tài sản có liên quan đến tập đoàn.

Cụ thể, BIDV sẽ tiến hành rao bán quyền sử dụng đất và tài sản, máy móc thiết bị gắn liền với Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace ở mức giá khởi điểm là 466,44 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 8,75 triệu cổ phần tại CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang cũng được đem rao bán với mức giá khởi điểm là 163,78 tỷ đồng.  

Ngoài ra, BIDV cũng đem bán đấu giá nhiều tài sản khác như: rừng cây trồng tại tiểu khu 1694, 1695, 1696 - Lâm Trường Đăk Hà thuộc địa giới của tỉnh Đắk Nông (giá khởi điểm hơn 45 tỷ đồng); các quyền sử dụng đất với tổng diện tích 100.223,8 m2 và 76.294,6 m2 tại nhà máy khu công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (giá khởi điểm lần lượt là 71,24 tỷ đồng và 61,96 tỷ đồng).

Sự thoái lui của người sáng lập

Mặt khác, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Đoàn Văn Trang đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp “lõi” của tập đoàn Khải Vy.

Tại CTCP Bất động sản Khải Thịnh, ông Trần Tựu (sinh năm 1978) đã thay thế ông Đoàn Văn Trang làm người đại diện theo pháp luật từ tháng 3/2018. Được biết, ông Trần Tựu có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Hưng Thịnh - nhà phát triển bất động sản có tiếng trong khu vực phía Nam. 

Tương tự, vị trí người đại diện theo pháp luật của CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang cũng được đổi sang cho ông Phạm Minh Nhựt (sinh năm 1961) đảm nhiệm từ tháng 7/2019. Đồng thời, công ty này cũng tăng quy mô vốn điều lệ lên mức 642,9 tỷ đồng.

Riêng công ty Khải Vy cũng liên tục đăng ký thay đổi quy mô vốn điều lệ từ đầu năm 2018 cho tới nay, từ mức hơn 713,1 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 358,76 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được thay đổi từ ông Đoàn Văn Trang sang cho ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960).

Được biết, ông Bảo cũng đảm nhiệm vai trò đại diện cho nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" của Khải Vy như: CTCP Đầu tư và Phát triển Khải Vy, CTCP Merperle Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất duyên hải.

Ngoài các dự án bất động sản vừa nêu, Khải Vy còn dự kiến ra mắt khách sạn 4 sao MerPerle Beach tại 88A Trần Phú, Nha Trang và một khách sạn tại Đà Lạt trong năm 2019./.