Tại đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV sáng 17/4, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sẽ hoàn tất vào 25/5. "Đây sẽ là vụ sáp nhập nhanh nhất và đúng chuẩn", ông tuyên bố.
Lãnh đạo BIDV nhấn mạnh, cuộc sáp nhập này hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu thực tế của hai ngân hàng. MHB đang có nhu cầu nâng cao năng lực tài chính, còn BIDV cần phát triển mạng lưới (MHB có mạng lưới không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn khắp cả nước).
"Nếu để phát triển tự nhiên, BIDV phải mất 7 năm mới có thể phát triển được mạng lưới như của MHB ngày hôm nay. Ngoài ra, tiếp nhận MHB, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng phát triển khách hàng nông nghiệp", ông nói.
Ban lãnh đạo BIDV cũng thấy rằng, hoạt động của MHB đang rất ổn định, mặc dù không bằng BIDV nhưng giá trị sổ sách về giá cổ phiếu của hai ngân hàng là tương đương nhau. Đây là lý do hai bên quyết định đưa ra tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1. Với nguyên tắc "giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”, việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập, theo lãnh đạo ngân hàng.
BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cổ phiếu (khoảng 3.369 tỷ đồng) để hoán đổi với MHB tỷ lệ 1:1. Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm 269,2 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ (tính theo mệnh giá sẽ tương đương 2.692 tỷ đồng), chiếm 9,577% vốn điều lệ của năm 2014 (28.112 tỷ đồng).
Tại đại hội sáng nay, BIDV cũng đã trình cổ đông bầu bổ sung bảy người vào Hội đồng quản trị, trong đó có bốn người đến từ MHB gồm ông Huỳnh Nam Dũng, ông Nguyễn Phước Hòa, ông Nguyễn Văn Lộc, ông Đặng Xuân Sinh ngay sau khi chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị MHB. Trong đó, ông Dũng là Chủ tịch MHB kể từ tháng 8/2014 đến nay, ông Hòa là Tổng giám đốc MHB.
Trong năm qua, tổng tài sản của BIDV đạt 650.340 tỷ đồng (tăng 18,6%) so với năm trước. Huy động vốn đạt 602.301 tỷ đồng, trong đó 501.909 tỷ đồng là nguồn vốn huy động từ khu vực tổ chức và dân cư.
Dư nợ tín dụng tăng 18,9% so với năm trước; tỷ lệ nợ xấu là 2,03% tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.297 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014; tỷ lệ chi trả cổ tức đạt khoảng 9,4%.
Năm 2015, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng 16,5% về huy động vốn; dư nợ tín dụng tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5% và chi trả cổ tức 9%. Năm nay, BIDV cũng đã xin cổ đông thành lập công ty tài chính tiêu dùng.
Theo Vnexpress