Bí quyết làm giàu của 'sói già phố Wall' Carl Icahn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với phong cách đầu tư “xé lẻ doanh nghiệp” để thu lại lợi nhuận bất chấp công ty đó có thể phá sản, Carl Icahn là một trong những 'sói già' thành công nhất phố Wall trong nhiều thập kỷ.
"Sói già phố Wall" Carl Icahn
"Sói già phố Wall" Carl Icahn

Carl Icahn là một doanh nhân và nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ.

Carl lần đầu tiên được biết đến trên toàn thế giới trong thời kỳ bùng nổ của các thương vụ mua lại bằng đòn bẩy (LBO) những năm 1980. Ông hiện xếp thứ 92 trong danh sách người giàu của Forbes với số tài sản theo thời gian thực là 17,5 tỉ USD.

Ở tuổi 86, Carl nổi danh với các hoạt động từ thiện và dùng khối tài sản ròng trị giá hàng tỉ USD để đầu tư vào các công ty công nghệ như eBay và Apple.

Bỏ học trường Y làm môi giới chứng khoán

Carl sinh năm 1936 và lớn lên ở Far Rockaway, Queens – khu phố được coi là “ổ chuột” của New York, Mỹ.

Dù được các giáo viên của mình khuyên rằng đừng lãng phí thời gian nộp đơn vào bất kỳ trường đại học Ivy League nào, Icahn vẫn không từ bỏ.

Cuối cùng, ông đăng ký học chuyên ngành Triết học tại Princeton, trước khi có được một suất tại NYU Medical. Mặc dù vậy, ông đã từ bỏ trường học chỉ sau hai năm và tuyên bố, mình “ghét nó”.

Sau khi rời trường Y năm 1960, Icahn gia nhập quân đội. Tuy nhiên, ông chỉ bắt đầu nhận ra tiềm năng thực sự của mình khi trở thành nhà môi giới chứng khoán tại Dreyfus vào năm 1961.

Mặc dù Icahn gia nhập Dreyfus vào thời điểm thị trường tăng giá đang bùng nổ, nhưng nước Mỹ đã sớm trải qua “Cú trượt dốc của Kennedy” vào cuối năm 1961 cũng như sự sụp đổ sau đó.

Với những trải nghiệm như vậy, ông đã trở thành nhà quản lý quyền chọn tại Tessel, Patrick & Co. vào năm 1963 và sau đó là Gruntal & Co. năm 1964.

Nhờ công việc này, ông đã bước vào một thị trường ngách không có sự cạnh tranh phổ biến trong lĩnh vực môi giới truyền thống - quyền chọn cho phép khả năng sáng tạo của Icahn phát huy khi ông bắt đầu tìm hiểu về những chi tiết tinh tế hơn của thị trường.

Sau đó, ông nhận ra mình cần phải “theo đuổi một điều gì đó lớn hơn” cho bản thân.

Carl đã vay mượn 400.000 USD từ bạn bè và người thân để thành lập Icahn & Co. – một công ty chứng khoán dành cho các chiến lược quyền chọn và chênh lệch giá.

Nói về bước ngoặt này, ông từng chia sẻ: “Tôi bắt đầu kinh doanh chênh lệch giá vì tôi khá giỏi toán và sau này, nó đã trở thành bản năng của tôi", tỷ phú Icahn nói. “Cuối cùng mọi thứ tự nhiên chuyển thành việc mua những công ty bị định giá thấp và theo một cách nào đó, đó cũng là một loại kinh doanh chênh lệch giá".

Mặc dù không có hồ sơ công khai nào về việc công ty của Carl đã hoạt động tốt như thế nào trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng các báo cáo từ những năm 80 đã ước tính giá trị tài sản ròng của Icahn&Co. là 100 triệu USD. So với những gì Icahn làm sau này, đây có lẽ chỉ là số tiền lẻ.

Khái niệm “Icahn Lift”

Đến năm 1978, Icahn không còn quan tâm đến việc chỉ đầu tư vào các vụ mua lại nữa; ông muốn tự mình thực hiện. Ông đã mua một lượng lớn cổ phiếu của Tappan (một công ty gia đình có trụ sở tại Ohio chuyên sản xuất bếp và các thiết bị khác).

Khi Carl trở thành cổ đông lớn, và sau một cuộc chiến ủy quyền dẫn đến việc công ty được bán cho nhà sản xuất thiết bị Thụy Điển AB Electrolux, ông trùm kinh doanh đã tăng gấp đôi giá cổ phiếu của mình và kiếm được khoảng 2,7 triệu USD.

Do những hoạt động như vậy, Icahn đã nổi tiếng là một trong những “kẻ cướp công ty” lớn của thập niên 80 và kiếm được lợi nhuận đáng kể cho bản thân và khách hàng của mình trong suốt thập kỷ; năm 1979, ông tiếp quản Bayswater Realty & Capital Corporation cũng như AFC Industries bốn năm sau đó, và vào năm 1985, ông đã kiếm được 50 triệu USD từ việc bán lại cổ phần của mình cho Phillips Oil. Ông chính là nguồn cảm hứng để xây dựng nhân vật Gordon Gekko trong bộ phim năm 1987 Phố Wall.

Câu nói ưa thích của Icahn về hoạt động đầu tư đó là, "Triết lý đầu tư của tôi, nói chung, trừ những trường hợp ngoại lệ, là mua thứ gì đó khi không ai muốn nó." Cụ thể hơn, với tư cách là một nhà đầu tư trái ngược, ông xác định các cổ phiếu có tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) thấp hoặc có giá trị sổ sách vượt quá mức định giá thị trường hiện tại.

Sau đó, Icahn tích cực mua một vị trí quan trọng trong tập đoàn và kêu gọi bầu một ban giám đốc hoàn toàn mới hoặc thoái vốn tài sản để mang lại nhiều giá trị hơn cho các cổ đông.

Icahn tập trung công khai vào tiền lương của CEO, lập luận rằng nhiều giám đốc điều hành hàng đầu được trả lương quá cao và tiền lương của họ không tương xứng với lợi nhuận của cổ đông.

Chính từ phong cách kinh doanh - là “kẻ thù” của các công ty Mỹ, Carl đã làm nên khái niệm “Icahn Lift” – là hiện tượng giá cổ phiếu tăng lên sau khi Carl Icahn mua cổ phiếu của công ty.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều suôn sẻ với ông. Trong nỗ lực điều hành Trans World Airlines (TWA) - một công ty đang bị thua lỗ hàng năm ở mức 9 con số - ông quyết định chia nhỏ công ty. Kết quả là TWA tiếp tục sa sút và tuyên bố phá sản vào năm 1992.

Năm 2004, Icahn đã huy động được 3 tỉ USD để mở một quỹ phòng hộ, Icahn Partners, và thực hiện những nỗ lực vô ích để giành quyền kiểm soát Blockbuster Video, Time Warner và Mylan Laboratories.

Bốn năm sau, khi cuộc khủng hoảng tài chính gây ra những làn sóng tàn phá khắp nền kinh tế Mỹ, các quỹ của Icahn bị lỗ hơn 35% và vào năm 2010, ông đã bán hầu hết cổ phiếu Blockbuster của mình với mức lỗ 180 triệu USD. Một năm sau, ông đóng cửa quỹ phòng hộ của mình đối với các nhà đầu tư bên ngoài.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa tài chính mới nhất, Icahn vẫn tiếp tục là một người chơi lớn trong giai đoạn 2011 – 2014 và bắt đầu chuyển sự chú ý của mình sang lĩnh vực công nghệ. Năm 2012, ông mua cổ phần lớn trong công ty giải trí Netflix của Mỹ và cũng từng tham gia vào Clorox, Apple, eBay và Family Dollar.

Với Netflix, đúng với triết lý trái ngược của mình, ông đã tích lũy được hơn 10% cổ phần của công ty khi cổ phiếu Netflix ở gần mức thấp nhất trong 52 tuần. "Icahn Lift" đã khiến giá cổ phiếu tăng vọt 14% sau khi ông tiết lộ trong một hồ sơ pháp lý về cổ phần của mình trong công ty.

Hội đồng quản trị Netflix đã phản ứng bằng cách sử dụng chiến lược phòng thủ và kế hoạch về quyền cổ đông. Vào thời điểm bán cổ phần Netflix năm 2015, Icahn đã kiếm được hơn 1,9 tỉ USD từ khoản đầu tư ban đầu trị giá 321 triệu USD của mình.

Trong những năm này, ông cũng đã thúc đẩy eBay tách PayPal thành một công ty riêng biệt và cũng khuyến khích Apple tăng chương trình mua lại cổ phiếu vào năm 2015, yêu cầu gã khổng lồ xứ Cupertino mua lại cổ phiếu để tăng giá trị cho các nhà đầu tư.

Nguồn tham khảo: Forbes, Investopedia, Thegentlemansjournal