Bên trong cỗ máy 2 tỉ USD đủ sức biến IS thành một nhà nước

Đằng sau tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) là cả một hệ thống làm ăn đem về 2 tỉ USD/năm. IS tổ chức bộ máy như một nhà nước và “trả lương” cho các phiến quân không thua gì một doanh nghiệp.
Phiến quân IS - Ảnh: Reuters
Phiến quân IS - Ảnh: Reuters

Nhà nước Hồi giáo cực đoan mua bom và máy bay chiến đấu với số tiền có được từ tiền thuế, các mỏ dầu, mỏ khoáng sản và hệ thống ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát của chúng. Năm 2014, IS kiếm được 2 tỉ USD.

Hãng thông tấn CNN vừa phỏng vấn nhiều học giả quân sự và các nhà điều tra tài chính về nguồn gốc của hàng tỉ USD mà tổ chức cực đoan này thu được. Lời giải của họ cho vấn đề này xuất phát từ hàng chục báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ, Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Anh, một số viện nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và từ chính IS công bố.

Theo tài liệu từ Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, phiến quân IS nhận được 400 USD đến 1.200 USD mỗi tháng, cộng thêm một khoản trợ cấp 50 USD cho các bà vợ và 25 USD cho mỗi đứa con của họ. Các kỹ sư, kỹ thuật viên với tay nghề cao có thể được trả tới 1.500 USD/tháng, đội ngũ nhà nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết.

“Nhà nước Hồi giáo cực đoan chắc chắn là tổ chức khủng bố có ưu đãi tài chính lớn nhất trong lịch sử. Có được điều này là nhờ khả năng quản lý phi chính phủ đặc biệt”, chuyên gia về quân sự Andreas Krieg thuộc Đại học King London ở Qatar nói.

Loại bỏ mô hình phụ thuộc vào các nhà tài trợ giàu có ở vùng Vịnh Ả Rập của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, IS chạy một cỗ máy tự tài trợ. Dưới đây là chi tiết về cách IS kiếm tiền để “trả lương” cho bộ máy chiến tranh của chúng.

Thuế: Hơn 360 triệu USD/năm

Một lượng tiền khổng lồ được IS thu lại từ 8 triệu người dân thường, những người sống và làm việc tại những vùng đất bị nhóm cực đoan kiểm soát. Mọi thứ dưới chế độ của IS đều bị đánh thuế, ví dụ 10% là thuế thu nhập, 10-15% là thuế doanh nghiệp và 10-35% với thuế dược phẩm.

IS nhũng nhiễu người dân bằng mọi cách. Kể cả học sinh tiểu học, trung học và đại học cũng phải trả lệ phí hằng tháng lần lượt là 22 USD, 43 USD và 65 USD.  Để hối lộ phiến quân IS khi đi từ những con đường ở Iraq vào lãnh thổ của IS, một người dân thường tốn khoảng 200 USD đến 1.000 USD.

IS cũng đã tìm ra cách để hút tiền khỏi chính phủ Iraq một cách hợp pháp, bằng cách cho phép các nhân viên chính phủ tại miền bắc Iraq - nơi đã bị IS kiểm soát - đến làm việc và nhận lương tại thành phố Tikrit gần đó, rồi trở về và nộp 50% thuế thu nhập cho IS. Nếu một người muốn rời khỏi đất do IS kiểm soát để về thăm gia đình, họ phải trả 1.000 USD và chấp nhận việc IS tịch thu tạm thời tất cả tài sản.

Năm 2015, số tiền thu từ thuế của tổ chức cực đoan này được dự báo vào khoảng 800 USD.

Dầu: 500 triệu USD/năm

IS đã cướp giếng dầu và các nhà máy lọc dầu, dù không có chuyên môn hay thiết bị để vận hành chúng hết công suất. Năm 2014, IS đã sản xuất gần 50.000 thùng dầu/ngày trong khi khả năng sản xuất của các giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở đây lên đến 1,6 triệu thùng/ngày. Nếu không có các nhà máy lọc dầu lớn, IS vẫn sử dụng các nhà máy nhỏ, cơ động để bơm 500 thùng dầu/ngày.

Các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn chặn IS bán dầu hợp pháp, nhưng chúng đã kịp tiếp cận với tuyến đường buôn lậu đã được thành lập từ những năm 1990. Đây là những tuyến đường mà Saddam Hussein đã dùng để tránh lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Khi dầu đang ở mức 80 USD/thùng vào năm ngoái, IS bán mỗi thùng với giá 20 USD. Chúng không bận tâm đến việc cung cấp năng lượng cho kẻ thù của chúng, vì mục tiêu chính của chúng là mở rộng Nhà nước Hồi giáo theo bất cứ hướng nào, chuyên gia Christina Schori Liang thuộc Trung tâm Geneva cho biết.

“IS phải tiếp tục giữ nền kinh tế chiến tranh, bởi chúng chẳng có nền kinh tế hợp pháp nào. Chúng chiến đấu ban ngày, và giao thương ban đêm”, cô Schori nói. Hiện tại, giá dầu lao dốc sẽ còn tiếp tục ăn mòn lợi nhuận từ “vàng đen” của tổ chức này.

Bên trong cỗ máy 2 tỉ USD đủ sức biến IS thành một nhà nước ảnh 1

Chi nhánh ngân hàng trung ương Iraq ở thành phố Mosul - Ảnh từ một dự án cộng đồng tổ chức ở Mosul

Cướp ngân hàng: 500 triệu USD đến 1 tỉ USD

Khi IS chiếm đóng lãnh thổ mới, chúng tuyên bố kiểm soát nhiều ngân hàng. Trong năm 2014, Nhà nước Hồi giáo cực đoan đánh cắp đến 1 tỉ USD từ các ngân hàng theo cách này.

IS có cách xử lý khác nhau với ngân hàng tư nhân và ngân hàng nhà nước. Nhóm cực đoan cố gắng xây dựng một nhà nước vận hành hiệu quả, vì thế, chúng cần tạo ra một cảm giác bình thường cho những người dân đang mắc kẹt ở đó. Đơn cử, IS không đụng đến tiền của các ngân hàng tư nhân mà đánh thuế vào tiền mặt mà người dân rút ra từ đó, nhưng lại cướp 450 triệu USD tiền mặt từ chi nhánh ngân hàng trung ương ở thành phố Mosul (Iraq).

Tiền chuộc bắt cóc: 20 triệu USD đến 45 triệu USD/năm

Nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc vào năm 2012 và IS đòi 132 triệu USD tiền chuộc ông. Chúng cũng đòi 200 triệu USD cho hai con tin Nhật Bản, Kenji Goto Jogo và Haruna Yukawa. Không nước nào đáp ứng yêu cầu trên, và tất cả con tin đều bị giết.

Giữa quyết định khó khăn: trả tiền chuộc, cung cấp cho nhóm khủng bố tiền để mua vũ khí, giết thêm hàng ngàn người khác và không trả tiền chuộc, nhìn người thân mình ra đi, nhiều nước đã chọn phương án đầu tiên. Những người bị bắt cóc cùng nhà báo Foley ở Raqqa (Syria), trong đó có con tin người Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã được thả vì đất nước trả tiền chuộc họ.

Năm 2014, IS kiếm được từ 20 triệu USD đến 45 triệu USD theo cách này. Bắt cóc và đòi tiền chuộc là một phần sinh lợi nhỏ của “doanh nghiệp khủng bố” IS.

“Chúng ta luôn nói về IS như một tổ chức khủng bố, nhưng chúng ta phải đề cập đến chúng như là một nhà nước. Chúng đã trở thành một nhà nước rồi, với nền kinh tế riêng, việc kiểm soát biên giới, hải quan, áp thuế. Đây là những điều khiến chúng khó bị loại bỏ tận gốc trong thời gian gần”, nhân viên tình báo về hưu Ola Johan Kaldager của E-14, cơ quan ở Na Uy tương đương với nhóm đặc vụ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận định.

Theo Thanh Niên