Đó là chia sẻ mà ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (2014-2018), đưa ra tại buổi sinh hoạt chuyên đề do Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức với chủ đề "Bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung" tổ chức tại Hà Nội sáng 10/9.
Trong bối cảnh khủng hoảng
Theo ông Phạm Quang Vinh, bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2020 là một kỳ bầu cử đặc biệt diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng kép, xen lẫn giữa đại dịch COVID-19, nền kinh tế trì trệ và bất ổn xã hội.
Đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn thế giới mà trong đó Mỹ là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khi có hơn 6 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong. Đại dịch cũng tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi nhiều người Mỹ mất đi công ăn việc làm, mất đi địa vị xã hội; họ mất đi rất nhiều thứ do các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, từ đó gây nên sự bất bình.
Tính từ tháng 5/2020 đến nay, các cuộc thăm dò do giới truyền thông và các hãng phân tích Mỹ đưa ra đều cho thấy đại dịch COVID-19 đã gây tác động tới tâm lý người dân Mỹ, làm đảo lộn lợi thế và bất lợi của 2 ứng viên tổng thống – cựu Phó tổng thống Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump.
Trước nay, các cuộc thăm dò cho thấy, về tuổi tác, những người trẻ ở độ tuổi 45 trở xuống vẫn có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi những người trong độ tuổi trên 45, đặc biệt là trên 60, có xu hướng thiên về đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, khủng hoảng kép hiện nay đã mang tới xu hướng phân hóa chính trị rõ rệt trong cộng đồng cử tri Mỹ; thậm chí ngay trong cộng đồng người da trắng cũng có sự phân hóa.
Theo cựu Đại sứ, các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ thời gian qua đã chỉ ra một xu hướng rõ ràng là, đại dịch COVID-19 cùng với những hệ quả liên quan tới kinh tế - xã hội của nó đã làm lu mờ những thành tựu mà ông Trump đạt được và có thể tác động mạnh tới kỳ bầu cử tháng 11 tới. Nó cũng làm đảo chiều mong muốn của cộng đồng cử tri Mỹ đối với các ứng cử viên, bởi vậy dẫn tới kết quả là ông Biden đang tạm dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, các cuộc thăm dò này chỉ đưa ra cho chúng ta thấy một xu hướng chứ không thể dự báo được người thắng trong kỳ bầu cử, bởi còn rất nhiều yếu tố khác tác động tới kỳ bầu cử này.
Ông Biden đang “trên cơ”
Cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang tạm dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò (Ảnh: NBC News)
|
Theo ông Phạm Quang Vinh, nếu quan sát diễn biến từ cuối tháng 5/2020 đến nay, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều chỉ ra hai dữ liệu đáng chú ý: Một là ông Biden đang dẫn trước ông Trump, và hai là đang dẫn trước khá xa với 7 – 10%.
Điều này cho thấy ông Biden đang nhận được sự ủng hộ từ phần đông cử tri nước Mỹ, nhờ vào lập trường phòng dịch COVID-19 của ông – nghe theo khuyến nghị của giới chuyên gia y tế trong phòng, chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây nên. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh lưu ý rằng, vẫn còn một bộ phận cử tri ủng hộ ông Trump nhưng lại không lên tiếng trong các cuộc thăm dò dư luận. Bởi vậy bộ phận cử tri này có thể là yếu tố quan trọng trong kỳ bầu cử tới.
Ngoài ra, theo ông Vinh, kỳ bầu cử tổng thống sắp tới cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như ai sẽ giành được nhiều lá phiếu đại cử tri hơn, giành được sự ủng hộ của người dân ở các bang được coi là “chiến trường” hay các bang dao động hơn…
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đã tổ chức đại hội của mình lần lượt vào trung tuần và cuối tháng 8 vừa qua, nhưng theo ông Vinh, dường như các đại hội này không thể tạo được cú hích lớn cho cả hai ứng viên. Mặc dù đại hội có tạo ra sự hưng phấn nhất định cho cộng đồng cử tri ủng hộ, nhưng lại không gây tác động lâu dài trong lòng cử tri, và bởi vậy mà kết quả của các đại hội cũng không rõ ràng.
Qua đại hội của hai đảng, có thể thấy rằng hai ứng viên đã phần nào hé lộ chiến lược tranh cử của mình. Trong khi ông Joe Biden tập trung vào câu chuyện đại dịch và thế khó của ông Trump trong việc quản lý, từ đó làm mất đi lợi thế của ông…thì với ông Trump, ông nhấn mạnh vào viễn cảnh đại dịch sẽ sớm qua đi, những thành tựu kinh tế mà ông đã đạt được trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên đây mới chỉ là một phần trong chiến lược tranh cử của họ.
Bởi vậy các cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và Biden được tổ chức trong các ngày 29/9, 15/10 và 22/10 tới đây; cùng với cách thức vận động chiến dịch của họ sẽ đóng vai trò quan trọng, là những sự kiện mà cử tri rất mong đợi trước khi đưa ra quyết định nghiêng về phía nào.
Cựu Đại sứ Phạm Quanh Vinh nói rằng, mặc dù ông Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò, nhưng cũng có một số dấu hiệu cho thấy khoảng cách mà ông tạo được với ông Trump đang được rút ngắn. Điều này không có nghĩa là tỷ lệ ủng hộ ông Trump đang lên, mà có lẽ chỉ phản ánh về một kỳ bầu cử sẽ diễn ra sự cạnh tranh gắt gao, quyết liệt hơn.
Những yếu tố quyết định thắng, thua
Một diễn biến bất ngờ có thể giúp ông Trump lội ngược dòng (Ảnh: Reuters)
|
Theo ông Phạm Quang Vinh, nếu như trong năm 2016 người dân Mỹ dường như đã quá chán nản với chính trị dòng chính thống và muốn có sự thay đổi và mới lạ; thì đến năm 2020, cử tri Mỹ dường như đang tập trung vào một vấn đề hóc búa hơn: Công ăn việc làm dần biến mất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và việc mở cửa trở lại, phục hồi nền kinh tế.
Đây là những câu hỏi hết sức hóc búa mà hiện cả hai ứng viên không ai dám mạo hiểm để đưa ra quyết sách, bởi cả hai đều không muốn làm mất lòng các cử tri trung dung.
Nếu trong kỳ bầu cử trước đây, ông Trump chính là một nhân tố bất ngờ. Nhưng trong năm 2020, cả hai ứng viên của hai đảng đều không còn là gương mặt lạ lẫm. Ông Joe Biden từng làm Phó tổng thống dưới thời Barack Obama, trong khi ông Trump đã trải qua một nhiệm kỳ. Vấn đề ở đây chỉ còn là sự lựa chọn của cử tri Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Quang Vinh, nếu không xuất hiện đại dịch COVID-19 dẫn tới việc áp dụng các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội như hiện nay thì có lẽ “cơ thắng” của ông Trump rất cao.
Và đây cũng là điểm tập trung của ông Joe Biden trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử của mình. Lợi thế của ông Biden rất rõ ràng: Nếu tình trạng khủng hoảng kép hiện nay kéo dài đến ngày bầu cử 3/11, điều này sẽ có lợi cho chiến dịch của ông. Bởi vậy mà trong bài phát biểu trước đại hội đảng Dân chủ, ông Biden nhấn mạnh khẩu hiệu đoàn kết, đạo đức và một tương lai tươi sáng của nước Mỹ. Nói cách khác, ông lựa chọn an dân trong bối cảnh u ám.
Trong khi đó, ông Trump đang mong chờ một diễn biến đột phá để ông có thể nhấn mạnh về những thành tựu mà mình đạt được trong 3 năm rưỡi vừa qua, hoặc trông chờ vào việc mở cửa khôi phục nền kinh tế… bởi điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự hứng khởi trong lòng cử tri.
Đưa ra luận điểm trên, ông Vinh cho rằng từ nay cho đến ngày 3/11 sẽ còn rất nhiều yếu tố bất ngờ - điều mà giới nghiên cứu hay gọi là “sự bất ngờ của tháng 10”, hay “đêm trước bầu cử” – có thể xảy ra, có thể liên quan tới các vấn đề như kiểm soát dịch COVID-19, xuất hiện chủng vaccine hữu hiệu ngừa COVID-19, mở cửa và phục hồi nền kinh tế… bởi vậy chưa thể nói trước được ai thắng ai thua.
Ông Phạm Quang Vinh đưa ra kết luận rằng, nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay, “cơ thắng” của ông Biden rất lớn, nhưng nếu trước ngày bầu cử 3/11 xuất hiện một diễn biến đột phá, ông Trump có thể lật ngược thế cờ.
Ngoài ra, cộng đồng cử tri hiện đã nắm bắt được cách thức làm việc, xử lý vấn đề của ông Trump, nhưng đối với ông Biden thì lại chưa rõ ràng. Mặc dù ông Biden đang tạm dẫn trước trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở các bang, nhưng thế dẫn trước này lại phụ thuốc rất nhiều vào cuộc khủng hoảng kép. Trong khi ông Trump đã ở vị trí thấp hơn, nhưng nhóm người ủng hộ ông đã được thử thách và họ cũng trung thành với ông Trump hơn.