“Bắt mạch” nhóm Ngân hàng nửa đầu năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong những tuần đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành “trụ cột” quan trọng giữ cho chỉ số VN-Index không giảm điểm. Liệu trong giai đoạn sắp tới, nhóm ngân hàng còn tiếp tục “gồng gánh” được VN-Index nữa hay không?

“Gồng gánh” VN-Index

Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VPS (VPS) nhìn nhận, ngân hàng trong năm 2023 đã có một năm được đánh giá thành công khi phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa phải là nhóm thu hút dòng tiền do những khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, năm vừa qua, phần lớn giá cổ phiếu ngân hàng đều chưa đạt đến đỉnh của vào thời điểm tháng 04/2022, nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức định giá thấp, quanh 1 lần P/B.

Cho đến giai đoạn những tuần đầu của năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thể hiện là “trụ cột” quan trọng khi giữ cho chỉ số VN-Index không giảm điểm. VN-Index những tuần đầu năm đã xuất hiện tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi có đa số các nhóm ngành có diễn biến điều chỉnh nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Điều này giúp cho không ít cổ phiếu ngân hàng tăng trong những tuần đầu năm.

Đi cùng tín hiệu tích cực từ dòng ngân hàng, đó là việc thanh khoản thị trường chung và của nhóm này đã tăng lên khi giá trị giao dịch duy trì ở mức bình quân 17.000 tỷ đồng/phiên.

“Bắt mạch” nhóm ngân hàng

Chuyên gia VPS đánh giá, trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng có nhiều động lực tăng trưởng khi mà mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Agribank, BIDV và VietinBank tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng từ 17/1. Trước đó, Vietcombank cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn. Lãi suất huy động liên tục giảm thời gian qua, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Khi mà lượng tiền gửi tăng mạnh, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ còn dao động trong khoảng 6,5%/năm.

Cùng với đó, các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi dần. Trong tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Những động thái của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được các doanh nghiệp đánh giá cao, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án như về pháp lý, hạ lãi suất cho vay…

Hiện cổ phiếu nhóm ngân hàng được chuyên gia VPS nhận định đang ở mức định giá hợp lý, P/B trung bình ngành điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm. Trải qua một năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ lệch chuẩn và đang được giao dịch ở vùng 1.4x – gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng lạc quan, chuyên gia VPS lưu ý còn đó những rủi ro mà nhà đầu tư không nên bỏ qua. Áp lực trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản lớn, gây ra tình trạng rủi ro với một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng trái phiếu cao.

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, chuyên gia VPS có một số khuyến nghị cho nhà đầu tư: Việc tăng giá liên tục của nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn vừa qua cũng đã khiến nhà đầu tư hăng hái tham gia nhưng sự thận trọng cũng gia tăng khi việc mua đuổi trở nên rủi ro hơn. Tuy nhiên các nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội rung lắc tham gia, ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, trích lập dự phòng cao, tăng trưởng CASA tích cực như: VCB, ACB, MBB, CTG./.