Trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal (Mỹ) bên lề Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 31.5, ông Andrews cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông và Ấn Độ Dương trong nhiều thập niên qua… và chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra trong tương lai”.
“Chúng tôi nhận thấy không có bất kỳ sự thay đổi nào đối với hoạt động tuần tra. Đây là hoạt động lâu dài và tất cả quốc gia trong khu vực đều biết đến”, ông Andrews nói.
Kể từ năm 2014, các chỉ huy của Hải quân Mỹ và lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương hối thúc Úc, đồng minh thân cận của nước này, cân nhắc tham gia tuần tra hải quân đa phương ở Biển Đông cùng Nhật Bản nhằm giúp đảm bảo chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á.
Áp lực tiến hành tuần tra Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm bành trướng quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt gần trọn Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc khiến Mỹ và các nước láng giềng lo ngại, theo nhận định của The Wall Street Journal.
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức hoạt động xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Ông Andrews cũng đã có cuộc hội đàm ba bên với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và ông Carter bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 30.5. Sau cuộc hội đàm này, ba vị bộ trưởng quốc phòng đã đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi không dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
“Ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật Bản đề nghị các bên tự kiềm chế, dừng những hoạt động xây dựng, có những biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh những hành động gây hấn có thể làm leo thang căng thẳng”, theo tuyên bố của ba bộ trưởng. Tuyên bố này cũng kêu gọi chính phủ các nước tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ông Andrews cho biết Mỹ và Úc vẫn chưa bàn thảo cụ thể về vấn đề tuần tra hải quân đa phương trên Biển Đông. Các nguồn tin quân đội Úc và Mỹ tiết lộ những cuộc đàm phán giữa Washington và Canberra về sứ mạng tuần tra hải quân đa phương ở Biển Đông chỉ dừng lại ở cấp thấp.
Ông Peter Dean, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc, nhận định Canberra đang phải cân nhắc việc tuần tra đa quốc gia trên Biển Đông với Mỹ vì không muốn đánh đổi quan hệ ngoại giao và thương mại với Bắc Kinh. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, theo The Wall Street Journal.
Ông Andrews cho hay hiện còn quá sớm để nói về vấn đề tuần tra hải quân đa phương, bởi vì ông Carter chỉ mới nêu ra quan điểm này vào ngày 30.5.
Tuy nhiên, ông Andrews nói thêm: “Chúng tôi tin rằng tất cả quốc gia có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra mà chúng tôi đã thực trong gần 35 năm qua”.
Chính phủ Úc cũng đang lên kế hoạch chiến lược mới, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2015, trong đó sẽ định ra những đường lối mới của Canberra đối với các đồng minh và những vấn đề căng thẳng trong khu vực.
Úc cũng đang tiến hành hiện đại hóa hải quân và không quân bằng việc trang bị tàu ngầm, khu trục hạm, tàu đổ bộ và chiến đấu cơ mới.