Trung Quốc hiện là đối tác mua dầu lớn nhất còn lại của Iran từ sau khi Tổng thống Donald Trump tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các hoạt động xuất khẩu chính của Tehran. Tháng 5 vừa qua, ông Trump đã thắt chặt các lệnh trừng phạt của Mỹ với quyết tâm đẩy doanh số bán dầu của Iran về con số 0.
Dữ liệu thống kê hàng hải toàn cầu cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 12 -14 triệu thùng dầu cập bến Trung Quốc có nguồn gốc từ Iran và con số này vẫn tiếp tục gia tăng cho đến thời điểm hiện tại. Trước tình trạng trên, Nhà Trắng đã đưa ra lời cảnh báo với các công ty vận tải Trung Quốc, gọi đây là hành động “cực kỳ nguy hiểm và vô trách nghiệm”.
Được biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm mục đích dập tắt tham vọng hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như ảnh hưởng của quốc gia này tới Syria, Iraq và một số nước khác. Hiện tại, xuất khẩu dầu thô của Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề sau lệnh cấm vận của Mỹ khi sản lượng giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống còn 400 nghìn thùng/ngày.
Ngày 25 /9, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với năm cá nhân và hai công ty con của Tập đoàn Vận tải COSCO (Trung Quốc) vì cho rằng họ đã vi phạm lệnh trừng phạt khi cố tình vận chuyển dầu thô từ Iran.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, 14 tàu dầu của công ty vận tải COSCO Shipping Tanker (Dalian) đã ngừng gửi dữ liệu hoạt động lên hệ thống nhận diện tự động (AIS) trong vòng 1 tuần từ ngày 30/9 đến 7/10 khiến cho việc xác định vị trí của các tàu này trở nên rất khó khăn.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế sau đó đã gửi yêu cầu các tàu sử dụng bộ tiếp sóng để đảm bảo an toàn và minh bạch. Thủy thủ đoàn có thể tắt các thiết bị trên trong một số trường hợp gặp nguy hiểm hoặc bị tấn công. Tuy nhiên, các bộ tiếp sóng thường bị tắt để che giấu vị trí tàu trong các hoạt động bất hợp pháp để thoát khỏi sự theo dõi từ các radar tuần tra.
Dù vậy, công ty COSCO Shipping Tanker vẫn khẳng định không có bất kỳ tàu nào của họ đã tắt bộ điều khiển định vị AIS và cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp cũng như quy định hiện hành trong hoạt động kinh doanh của mình.
Hiện chưa rõ Nhà Trắng có thể làm gì để ngăn chặn tàu chở dầu tắt bộ tiếp sóng và tiếp tục hoạt động vận chuyển trái phép dầu thô. Tuy nhiên, Chính quyền tổng thống Trump cho biết vẫn đang theo dõi các lô hàng bất hợp pháp, ngay cả khi không thể ngăn chặn chúng.
Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề đang kìm hãm nền kinh tế Iran và khiến cho cuộc sống của 80 triệu người dân nước này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, một số nhà phân tích tin rằng Tehran vẫn có thể trụ vững và phát triển kinh tế cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, với hy vọng ông Trump sẽ thất bại và tổng thống mới sẽ có một đường lối nhẹ nhàng hơn về Tehran.
Hiện tại, chính quyền của ông Trump đang muốn tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhằm tìm cơ hội cho một thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng giữa hai nước cũng như về chương trình hạt nhân của Tehran. Hai nhà lãnh đạo này đã không gặp nhau tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tháng 9.
Mỹ cuối tuần qua đã gửi khoảng 3.000 nhân viên quân sự bổ sung tới Ả Rập Saudi để tăng cường phòng thủ sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ vào tháng trước, với nghi phạm tấn công được cho là đến từ Iran.
Theo Reuters