Báo Trung Quốc nói gì về sự cố tai nạn máy bay CASA-212 của Việt Nam?

VietTimes -- Ngay từ đêm 16/6, hàng loạt tờ báo của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Tin tức Tham khảo, Sina, hãng tin CNA và tờ ETtoday Đài Loan v.v. đã đồng loạt đưa tin, phản ánh về sự cố tai nạn máy bay CASA-212 của Việt Nam. Trong các bài báo này, có thông tin lồng ghép, phỏng đoán cho rằng "Việt Nam có thể sẽ mua máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ".
Máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngày 16/6, trong quá trình tìm kiếm phi công Trần Quang Khải mất tích trên chiếc máy bay chiến đấu Su-30, máy bay tuần thám CASA 8983 lại bị mất liên lạc ở khu vực cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 44 hải lý về phía tây nam. 

Sự việc một máy bay chiến đấu Su-30MK2 và một máy bay tuần thám CASA-212 của Việt Nam mất liên lạc tiếp tục được nhiều tờ báo của Trung Quốc và Đài Loan quan tâm, phản ánh, trong đó có Tân Hoa xã, Tin tức Tham khảo, Sina, hãng tin CNA và tờ ETtoday Đài Loan, tờ Đại kỷ nguyên của người Hoa hải ngoại... 

Tờ ETtoday Đài Loan ngày 16/6 cho biết, trên máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 của Việt Nam có 9 người. Sau khi nhận được thông báo, lực lượng trên đảo lập tức điều tàu đi tìm kiếm. Nhà chức trách cũng kêu gọi tàu cá hỗ trợ tìm kiếm. Công tác tìm kiếm hiện chưa có kết quả, vẫn đang tiếp tục tiến hành. 

Việt Nam có 3 máy bay tuần thám CASA-212, do hãng Airbus thiết kế và sản xuất tại nhà máy Airbus ở Tây Ban Nha. Dưới thân máy bay có trang bị ống kính chụp ảnh chính xác cao, có thể bay ở độ cao thấp, thích hợp với tuần tra và tìm kiếm, hiện biên chế cho Lực lượng Cảnh sát biển. 

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam tiến hành huấn luyện. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam tiến hành huấn luyện. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Trong khi đó, công tác tìm kiếm một phi công còn lại của máy bay chiến đấu Su-30MK2 số hiệu 8585 vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Việt Nam đã huy động nhiều lực lượng tìm kiếm, trong đó có 4 máy bay chiến đấu. 

Tân Hoa xã ngày 16/6 cũng dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã huy động tổng cộng trên 1.500 người để tiến hành tìm kiếm máy bay chiến đấu Su-30MK2 mất tích, hiện đã có 1 phi công được cứu. 

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc cho rằng do trang bị quân sự bị lão hóa, những năm gần đây, Việt Nam đã gặp phải vài sự cố quân sự. Hai năm qua, có 2 máy bay trực thăng rơi vỡ, có 24 người gặp nạn. 

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc còn nhấn mạnh, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, vì vậy, Việt Nam luôn tìm cách thúc đẩy hiện đại hóa quân sự. Hành vi bồi lấp, xây đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Việt Nam và các nước khác mạnh mẽ phản đối.

Phi công Trần Quang Khải của chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 số hiệu 8585 mất tích. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Phi công Trần Quang Khải của chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 số hiệu 8585 mất tích. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Nhưng, Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc đánh lừa cộng đồng quốc tế về chủ quyền của họ ở Biển Đông, từ đó đánh tráo khái niệm, tuyên truyền các hoạt động bành trướng của họ ở Biển Đông là “hợp pháp”. 

Thậm chí còn thường rao giảng đạo đức rằng Bắc Kinh tuyên truyền họ xây dựng các công trình ở Biển Đông để "thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế".

Tháng 5/2016, Tổng thổng Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo đó, Mỹ sẽ “nhanh chóng” cung cấp trang bị quân sự cho Việt Nam. 

Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam. Nguồn ảnh: Mil.qianlong.com.
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam. Nguồn ảnh: Mil.qianlong.com.

Ông Ralph Winnie, Phó Chủ tịch Liên hiệp kinh doanh Á-Âu (EBC) Mỹ nói: "Việt Nam hy vọng đặt trọng điểm vào phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ, bảo đảm đạt được tiến bộ công nghệ trong 10 - 20 năm tới. Quan điểm của Việt Nam là, trên nền tảng ổn định, lâu dài, giành được công nghệ của Mỹ và phương Tây". 

Với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí, Việt Nam rất có khả năng mua máy bay chiến đấu F-18 và tàu chiến hải quân. 

Máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.
Máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

Đối với hợp tác Việt-Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định: "Chúng tôi và Việt Nam tăng cường hợp tác hoàn toàn không liên quan đến Trung Quốc. Tôi cho rằng, nếu Trung Quốc cảm thấy (hợp tác với Việt Nam) thuộc hành vi khiêu khích ở mức độ nào đó, điều này chỉ có thể phản ánh thái độ của Trung Quốc, chứ không phải thái độ của chúng tôi (Mỹ)". 

Về khả năng mua sắm vũ khí trang bị của Mỹ, tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 15/6 cũng nhận định, sự cố máy bay chiến đấu Su-30MK2 có khả năng thúc đẩy Việt Nam mua vũ khí Mỹ nhanh hơn.