Báo Pháp: Việt Nam đang tìm mua thêm tên lửa, chiến đấu cơ tối tân hơn

Ngày 15/2, chủ tịch Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng DRDO, ông S. Christopher, cho biết Ấn Độ đang đàm phán với Việt Nam, về hợp đồng bán các hệ thống tên lửa Akash. RFI dẫn lời các chuyên gia cho răng Việt Nam hiện đang tìm mua các chiến đấu cơ phản lực và các hệ thống tên lửa tối tân hơn, ngoài các tàu ngầm Kilo.
Tên lửa hành trình chống hạm Việt Nam sản xuất theo giấy phép của Nga
Tên lửa hành trình chống hạm Việt Nam sản xuất theo giấy phép của Nga

Ông Christopher thông báo như trên bên lề cuộc triển lãm Aero India 2017, nơi mà tổ chức DRDO giới thiệu các chương trình phát triển tên lửa và các dự án khác, như chiến đấu cơ hạng nhẹ sản xuất nội địa.

Việc đám phán bán tên lửa Akash cho Việt Nam là theo đúng chiều hướng mà thủ tướng Narendra Modi mong muốn, đó là đưa Ấn Độ thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu vũ khí.

Hiện giờ chưa biết là New Delhi sẽ bán cho hải quân Việt Nam bao nhiêu hệ thống tên lửa Akash, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ bán loại tên lửa này cho một nước khác. New Delhi cũng đã xem xét khả năng bán tên lửa siêu thanh Brahmos, có tầm bắn 290 km, cho Việt Nam và cũng đang nỗ lực giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ.

Tên lửa Akash của Ấn Độ
Tên lửa Akash của Ấn Độ
Nhiều nước muốn mua loại tên lửa Brahmos của Ấn Độ
Nhiều nước muốn mua loại tên lửa Brahmos của Ấn Độ

Hồi đầu tháng 2/2017, một quan chức quốc phòng Ấn Độ, khi được hỏi về việc cung cấp các tên lửa Akash và Brahmos cho Hà Nội, đã cho Quốc hội nước này biết rằng: ”Ấn Độ và Việt Nam là đối tác chiến lược. Hợp tác quốc phòng, trong đó có việc cung cấp thiết bị quốc phòng, là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác này".

Năm 2016, thủ tướng Narendra Modi đã thông báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu USD để mua các thiết bị quốc phòng, trong đó 100 triệu USD để mua các tàu tuần tra. Hai bên cũng đã đồng ý về kế hoạch huấn luyện cho phi công Việt Nam lái các chiến đấu cơ Su-30 của Nga.

Phi đội chiến đấu cơ Su-30MK2 Việt Nam bay tuần tra quần đảo Trường Sa
Phi đội chiến đấu cơ Su-30MK2 Việt Nam bay tuần tra quần đảo Trường Sa

Hiện nay, RFI nhận xét Việt Nam đang trong quá trình xây dựng một lực lượng đủ mạnh để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và diễn biến khó lường. Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đang tìm mua các chiến đấu cơ phản lực và các hệ thống tên lửa tối tân hơn, ngoài các tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga.