Báo Nhật: Việt Nam cần hiện đại hóa quân đội, tác chiến bất đối xứng

VietTimes -- Việt Nam đã cho thấy mình không hề mong muốn một cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải hiện đại hóa quân sự hoàn toàn, phát triển chiến lược tác chiến bất đối xứng đề phòng trường hợp phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn.
Tên lửa chống hạm KCT15 do Việt Nam tự chế tạo theo giấy phép của Nga
Tên lửa chống hạm KCT15 do Việt Nam tự chế tạo theo giấy phép của Nga

(tiếp theo kỳ trước)

Báo Nhật: Việt Nam hiện đại hóa quân đội, ngày càng tự tin

Đầu tư công nghiệp quốc phòng

Nikkei đánh giá, trụ cột thứ hai trong tiến trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam là việc thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị năm 2011 về việc “Xây dựng và phát triển Công nghiệp Quốc phòng tới năm 2020 và xa hơn nữa”, mục đích của chương trình này là dần xây dựng “một ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ và hiện đại”. Theo dữ liệu chính phủ, 80% vũ khí và thiết bị sẽ được cung cấp bởi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, là những sản phẩm nghiên cứu nội địa, ngụ ý rằng phần còn lại có thể là các sản phẩm hợp tác sản xuất theo giấy phép hoặc có hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài.

Nền công nghiệp quốc phòng còn non trẻ của Việt Nam đã trải qua một số sự kiện quan trọng trong những năm gần đây. Năm ngoái, Việt Nam đã giới thiệu chiếc máy bay không người lái lớn nhất trong nước tự sản xuất, và phương tiện này sẽ sớm được bay thử nghiệm trên Biển Đông. Nghiên cứu và phát triển UAV vẫn là một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu và Việt Nam đang khẩn trương bổ sung kiến thức trong lĩnh vực trinh sát hàng hải.

Đóng tàu là một lĩnh vực khác mà Việt Nam cũng đang chú trọng đầu tư. Trong 7 năm qua, các nhà máy đóng tàu trong nước đã sản xuất các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya và tàu pháo TT-400TP cho hải quân dựa trên thiết kế của Nga, cùng với tàu kéo và tàu tuần tra đa nhiệm vụ dành cho lực lượng cảnh sát biển được cấp phép và giám sát từ Tập đoàn Damen của Hà Lan.

Việt Nam đã và đang tự đóng các tàu tên lửa tấn công nhanh Molnyia
Việt Nam đã và đang tự đóng các tàu tên lửa tấn công nhanh Molnyia

Theo Nikkei, với việc Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam và Nga dường như đôi lúc có vẻ nghiêng về Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông, quân đội Việt Nam ngày càng muốn phát triển khả năng bảo trì, duy tu các thiết bị hàng hải. Lực lượng không quân Việt Nam với tên gọi chính thức là Quân chủng Phòng không - Không quân vào năm 2013 đã khai trương dây chuyền bảo dưỡng trong nước với các loại máy bay chiến đấu Su-30 và Su-27 của Nga, thể hiện mong muốn dựa vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước để bảo trì và sửa chữa trang bị, vũ khí.

Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn thu mua từ bên ngoài đặc biệt là sau khi hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay trong năm 2016. Chẳng hạn vào tháng 10, trong một buổi lễ có sự tham dự của Tổng chỉ huy Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, cảnh sát biển Việt Nam đã khánh thành cơ sở bảo trì tàu cảnh sát biển ở miền Trung Việt Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của đối tác Mỹ.

Quan hệ với các đối tác

Cuối cùng, quân đội Việt Nam được phép sử dụng kênh ngoại giao quốc phòng để phục vụ cho lợi ích quốc gia và củng cố hai trụ cột còn lại. Ấn Độ là một đối tác đặc biệt tin cậy trong nỗ lực này. Bộ Quốc phòng hai nước năm 2015 đã khởi động trung tâm đào tạo công nghệ thông tin cho QĐNDVN và sẽ sớm bắt đầu hoạt động một trung tâm phát triển phần mềm cho QĐNDVN. New Dheli đã đồng ý giúp Việt Nam xây dựng trung tâm theo dõi vệ tinh và tiếp nhận dữ liệu vệ tinh ở miền Nam Việt Nam. Trung tâm này sẽ được cấp quyền truy cập các hình ảnh vệ tinh của Ấn Độ bao gồm các vùng nước ven biển Trung Quốc và Biển Đông.

Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược khác như Mỹ và Nhật Bản nhằm đối phó với các thách thức an ninh trên Biển Đông. Chẳng hạn như Mỹ đang hợp tác cung cấp 6 tàu tuần tra tốc độ cao cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam như một phần của gói hỗ trợ an ninh hàng hải trị giá 18 triệu USD.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015

Theo Nikkei, từ năm 2016, Mỹ bắt đầu giúp đỡ Việt Nam phát triển năng lực hàng hải không người lái, chủ yếu thông qua đào tạo trong khi các cuộc diễn tập chung (phi tác chiến) giữa lực lượng hải quân và không quân hai nước đã phát triển về cả phạm vi lẫn mức độ trong năm vừa qua. Việt Nam và Mỹ năm 2015 đã ký một tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ quốc phòng, trong đó cả hai nước cam kết cùng hợp tác sản xuất các thiết bị quân sự, sự phát triển này bao gồm chuyển giao công nghệ về lâu dài.

Việt Nam đã cho thấy mình không hề mong muốn một cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải hiện đại hóa quân sự hoàn toàn, phát triển chiến lược tác chiến bất đối xứng đề phòng trường hợp phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn. Các quan chức quân sự Việt Nam đã nhấn mạnh vào sự cần thiết phải duy trì khả năng “sẵn sàng chiến đấu” trên tất cả các đơn vị, các quân khu và các quân binh chủng. Bất kỳ ai nếu như đã hiểu biết về lịch sử chiến đấu chống xâm lược và tinh thần dân tộc của Việt Nam đều biết rằng đây không phải là lời nói suông.

Nikkei ước tính rằng Việt Nam tiếp tục đầu tư vào quốc phòng, ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ đạt mức 5 tỉ USD trong năm nay, hoặc chiếm 2,6% GDP và sẽ vượt ngưỡng 6 tỉ USD vào năm 2020. Diện mạo QĐNDVN trong những thập kỷ tới sẽ khác xa hiện nay.