Chính sách Biển Đông của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, thể hiện qua những tuyên bố cứng rắn của các quan chức cao cấp chính quyền mới, tiếp tục trở thành vấn đề gây sự chú ý của báo chí quốc tế.
Tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 26/1 bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Thượng viện, nói rằng Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Qua tuyên bố cứng rắn trên, ông Tillerson có vẻ muốn đề nghị tiến hành một cuộc phong tỏa các đảo nhân tạo nói trên, một biện pháp có thể bị xem là một hành động chiến tranh. Một chuyên gia về luật hàng hải quốc tế, ông James Kraska, được The Diplomat trích dẫn, cho rằng những đề nghị của Ngoại trưởng Tillerson có một cơ sở vững chắc và có thể là một chính sách hữu hiệu.
Chuyên gia Kraska cho rằng việc Trung Quốc không tuân thủ truyền thống và thông lệ hàng hải quốc tế đã tạo ra một tình huống mà trong đó Mỹ có đủ cơ sở pháp lý để không tôn trọng các quyền hàng hải truyền thống của Trung Quốc. Hải quân Mỹ sẽ có quyền gây xáo trộn các hoạt động của hải quân Trung Quốc gần các đảo nhân tạo xây dựng trái phép, một hành động chưa thể bị coi là phong tỏa chính thức hay hành động chiến tranh. Nhưng theo The Diplomat, hải quân Mỹ không thể phong tỏa toàn diện các đảo nhân tạo phi pháp mà không dùng đến vũ lực để phá hủy các tàu chiến và máy bay Trung Quốc.
The Diplomat đặt câu hỏi mục tiêu chiến lược Biển Đông của Mỹ là gì? Để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Washington phải thuyết phục Bắc Kinh rằng đây là một ý định tồi tệ cả về mặt pháp lý, chính trị lẫn chiến lược, hoặc phải làm cho Trung Quốc thấy rằng việc này là nhiều rủi ro và tốn kém.
Nếu dùng biện pháp quấy nhiễu các tàu của Trung Quốc đi vào các đảo nhân tạo, Mỹ không thể thuyết phục được Bắc Kinh và nếu Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ dứt khoát có thái độ thù địch, họ lại càng thấy cần phải quân sự hóa hơn nữa các đảo nhân tạo xây trái phép.
The Diplomat cho rằng, trong cuộc đối đầu với hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc có lợi thế hơn, vì họ có các căn cứ hải quân và không quân gần đó, chưa kể các tàu dân sự có thể được sử dụng để duy trì liên lạc với các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép. Khả năng các tàu của Mỹ tác động lên việc xây đảo của Trung Quốc là gần như không có. Nếu có xảy ra đối đầu thì các tư lệnh Trung Quốc chắc sẽ hoan nghênh, vì họ sẽ có dịp trắc nghiệm và huấn luyện lực lượng của họ trong những tình huống gần như thù địch.
Ngoài ra, theo The Diplomat, dư luận Mỹ cũng không sẵn sàng ủng hộ leo thang căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, vì những lập luận dựa trên những khái niệm trừu tượng về tự do hàng hải và luật quốc tế sẽ không lôi cuốn nhiều người dân Mỹ.
The Guardian của Anh ngày 25/1 nhận định hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy là tân tổng thống Mỹ muốn chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng nếu ông lao vào một cuộc chiến như vậy, đây có thể chỉ là một chiến thuật đánh lạc hướng của ông Trump.
Tờ báo Anh trích lời một chuyên gia Mỹ về Biển Đông cũng cho rằng việc phong tỏa các đảo nhân tạo của Trung Quốc không chỉ là một hành động chiến tranh, mà về mặt quân sự gần như không thể thực hiện được. Theo vị chuyên gia trên, có thể ông Donald Trump dùng những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông để ép Trung Quốc chấp nhận những nhân nhượng về thương mại, chứ không phải là một lời đe dọa thật sự.
Theo The Guardian, điều đáng lo ngại là nếu trong những tháng tới hay những năm tới, tổng thống Trump gặp tai tiếng hay uy tín bị sụt giảm, ông có thể sẽ kích động một khủng hoảng lớn, khủng hoảng với Trung Quốc hay với một nhân tố nước ngoài nào khác, để có thể tiếp tục nắm quyền, giống như sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, uy tín của tổng thống George W. Bush tăng vọt lên mức kỷ lục 92%.
Trang Asian Correspondent ngày 26/1 nhận xét, dù có thi hành một chính sách cứng rắn, ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm trong tranh chấp Biển Đông.
Tác giả Matthew Abbey ghi nhận, mặc dù tình hình ở Biển Đông đã căng thẳng từ nhiều năm qua, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất ra tay hành động bằng việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở vùng này.
Theo ông Abbey, sau khi đã dọa sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo đó, Mỹ tự đặt mình vào thế khó xử vì không biết hành động kế tiếp sẽ là gì. Phương án duy nhất chính là triển khai lực lượng quân sự, nhưng do nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang với Trung Quốc, chắc chắn là Washington sẽ không chọn giải pháp này.
Trang mạng của Ủy ban quốc tế của phong trào quốc tế thứ tư ngày 25/1 có đăng một bài nêu lên nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân do những lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump về Biển Đông.
Theo bài viết, những tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và phát ngôn viên Nhà trắng Spicer đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong chính sách của Washington về Biển Đông. Cho tới nay chính sách đó là không đứng về phe nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng vẫn tuyên bố có «lợi ích quốc gia» ở vùng này và luôn bảo vệ «quyền tự do hàng hải».
Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã ba lần đưa các khu trục hạm đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc kiểm soát trái phép ở Biển Đông. Nay chính quyền ông Trump trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của Trung Quốc trên các đảo này. Nhiều nhà phân tích đã nêu giả thiết, phương cách duy nhất để ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp chính là tiến hành phong tỏa trên biển và trên không và đây sẽ là một hành động chiến tranh.