Trong khoảng gần bốn năm lên nắm quyền trở lại (từ tháng 12/2012), đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đạt được những thành quả nhất định trong đối ngoại. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khó khăn vẫn đang ở phía trước, trong đó có mục tiêu quan trọng lôi kéo Nga rời xa Trung Quốc.
Gần đây, trong tình hình căng thẳng phức tạp tại Biển Đông, Nga đã tham gia tập trận chung cùng Trung Quốc với nhiều toan tính của cả hai bên. Trước đó Trung Quốc đã tỏ quan điểm không mấy tin tưởng vào Nga khi trong thư mừng ngày độc lập Ukraine (24/8), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm chủ quyền của Ukraine trong bối cảnh vấn đề đang là điểm nóng căng thẳng Nga – Ukraine (theo Đa Chiều).
Nhưng cùng với việc tham gia tập trận chung với Trung Quốc, Nga lại đẩy mạnh hợp tác kinh tế với hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc trong kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga, một dự án rất quan trọng đối với phục hồi nền kinh tế đang khủng hoẳng của Nga hiện nay. Hiện Tổng thống Nga Putin cũng đang chuẩn bị chuyến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 12 tới…
Trong cục diện phức tạp này, hãy nhìn lại những động thái ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem ông đã đi được bao xa trong việc lôi kéo đồng minh nhằm ứng phó với sự nổi lên của Trung Quốc hiện nay.
Đối phó Trung Quốc
Ngay từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Abe đã ý thức rõ phải lập lại cân bằng ở Đông Á. Để lôi kéo Hàn Quốc, Thủ tướng Abe không chỉ tận dụng sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ mà còn đẩy mạnh giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui” (thời Thế chiến Hai). Tại hiệp thương Nhật – Hàn xung quanh vấn đề này vào tháng 12/2015, ông Abe đã quyết định bồi thường cho Hàn Quốc 9,5 triệu USD. Chính sách ngoại giao mềm mỏng của Abe đã góp phần xoa dịu quan hệ Nhật – Hàn.
Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, trong dự tính trước đây, ông Abe muốn thể hiện hành động này với Trung Quốc chứ không phải Hàn Quốc, vì cho rằng “chỉ cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc là mọi chuyện êm đẹp”. Trong diễn thuyết khi mới nhậm chức trở lại, ông Abe đã đề ra mục tiêu “xây dựng quan hệ cùng có lợi mang tính chiến lược” với Trung Quốc, từng tuyên bố với Trung Quốc rằng “cho dù còn nhiều mâu thuẫn nhưng không thể vì thế đánh mất triển vọng mở rộng hợp tác vì lợi ích chung”. Tại buổi nói chuyện kỷ niệm tròn 70 năm kết thúc chiến tranh, để không làm mất lòng Trung Quốc, ông Abe đã tỏ ý “nhận lỗi” và tránh không thăm đền Yasukuni…
Nhưng như nhiều bình luận đã chỉ ra, Thủ tướng Abe đã phán đoán sai lầm. Vấn đề quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) giữa Nhật Bản và Trung Quốc là khó giải quyết ngoài sức tưởng tượng. Không màng đến thái độ muốn xoa dịu tình hình của Abe, Trung Quốc thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng lãnh hải Hoa Đông đang tranh chấp. Để đáp trả, ông Abe bắt đầu đẩy mạnh lên án Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế, tích cực hợp tác với Philippines, lên tiếng ủng hộ Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt, như tờ Nikkei bình luận, chính sách “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” được Abe đưa ra nhằm bám sát hoạt động của Trung Quốc tại khắp nơi.
Dĩ nhiên Trung Quốc cũng tìm cách đánh vào những điểm khó khăn của Nhật Bản. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phải hủy bỏ nghị sự lên án Triền Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngày 3/8 vì thái độ của Trung Quốc. Trung Quốc dùng lý do này khiêu khích Nhật Bản, tỏ ý rằng nếu không có Trung Quốc ủng hộ thì Nhật Bản không thể bao vây được Triền Tiên. Ngày 25/8, sau buổi gặp Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết “quan hệ Trung – Nhật đã được cải thiện nhưng vẫn vô cùng mong manh”.
Theo thông tin của tờ Nikkei, để vượt qua “chướng ngại” Trung Quốc, Abe muốn đưa Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong ngày 27 và 28/8 vừa qua, tại Hội nghị về phát triển châu Phi tổ chức ở Kenya (TICAD), Thủ tướng Abe đã tuyên bố biện pháp đầu tư 30 tỷ USD và tích cực hội đàm với nguyên thủ các nước châu Phi để tìm kiếm ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Liên Hiệp Quốc. Nhưng, cho dù có tiếng nói ủng hộ thì quyền phủ quyết của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản khó đạt được ý nguyện. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc bình luận cho rằng “đây là hành động giễu võ với Trung Quốc của Abe”.
Ngày 5/9, tại Hội nghị G20, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã lần đầu tiên hội đàm song phương với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sau gần một năm rưỡi. Tuy nhiên, như nhiều bình luận chỉ ra, trong đối thoại hai bên không có niềm tin vào nhau, cho thấy cỗ xe hợp tác kinh tế “cùng thắng” Trung – Nhật tại châu Phi rất khó lăn bánh.
Đẩy mạnh lôi kéo Nga “thoát Trung”
Ngày 13/8, trong kỳ nghỉ hè, Thủ tướng Abe trở về quê hương tại thành phố Shimonoseki tỉnh Yamaguchi và đã nảy ra ý tưởng mời ông Putin về thăm Shimonoseki. Theo tờ Nikkei, ông Abe cũng đã tính bố trí Putin trú tại khách sạn cổ kính Hoshi Ryokan, vì “đây là nơi đặc biệt phù hợp để làm sâu sắc mối quan hệ”, Abe còn muốn đi thị sát nơi ông Putin trú lại, bố trí cho ông Putin tham quan trường Shoka sonjuku và đền Yasukuni…
Ngày 30/8, ông Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Nga Putin có tuyên bố Tổng thống Putin sẽ đến thăm Nhật Bản vào tháng 12 tới. Ngày 31/8, Thủ tướng Abe đã hội đàm với cựu Nghị sĩ Hạ viện Suzuki Muneo, người từng phụ trách vấn đề chủ quyền lãnh thổ Bắc Kinh, và đã tỏ ý “rất vui mừng”.
Quanh việc giải quyết vấn đề lãnh thổ bốn hòn đảo phía Bắc giữa Nhật Bản và Nga (Nga gọi là quần đảo nam Kuril), tại hội đàm cấp cao Nhật – Nga vào hồi tháng Năm, ông Abe đã đưa ra “tư duy mới” với phương án đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga, được xem là hòn đá thử vàng trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ phía bắc Nhật Bản. Giới phân tích quan hệ Nhật – Nga gọi đây là phương án giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua mở rộng hợp tác. Sau đó, vào giữa tháng 8, Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông của Nga là Alexander Galuska khi tham gia hội đàm cấp cao Ngân hàng Hợp tác Quốc tế (JBIC) tại Moscow cũng đã đặt kỳ vọng về ý tưởng cung cấp điện giữa Nga và Nhật qua một đường hầm dưới biển từ Hokkaido (Nhật Bản) đến vùng viễn Đông Nga.
Ngoài phương diện kinh tế, Thủ tướng Abe còn muốn tăng cường hợp tác an ninh với Nga. Gần đây, Cục trưởng An ninh Nhật Bản Shotaro Yachi đã đến thăm Nga và trao đổi với ông Nikolai Patrushev, Thư ký của Ủy ban An ninh Nga… Tờ Nikkei bình luận, một trong những mục đích quan trọng mà ông Abe quan tâm đẩy mạnh hợp tác với Nga là để kiềm chế quan hệ Nga - Trung. Trong vấn đề này, cha của ông Abe là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shintaro Abe trước đây cũng đã từng rất chú ý, và ông Abe cũng không ngoại lệ.
Tờ Nikkei có nhận định cho rằng, “nguyên tắc ngoại giao của Nhật Bản với Nga sau Chiến tranh Lạnh là nhượng bộ trong va chạm lẫn nhau. Tư duy mới theo kiểu linh hoạt của Thủ tướng Abe ở mức độ nhất định cũng có thể xem là nhượng bộ, thậm chí, để đối phó với những bất đồng trong nội bộ, ông Abe đã cho giải thể Hạ viện”…
Mục tiêu của ông Abe có thể tăng tốc sau chuyến thăm Nhật Bản của Putin vào tháng 12 tới.