Báo Nhật: Các nước Đông Nam Á tăng cường trang bị trên biển

VietTimes -- Singapore mua mới 2 tàu ngầm Đức, Philippines nhận được nhiều tàu tuần tra của Nhật Bản, Việt Nam đã có Kilo và tương lai có thể mua vũ khí Mỹ... Các nước tăng cường sức mạnh quân sự trên biển là có lý do chính đáng.
Tàu RSS Supreme lớp Formidable của Hải quân Singapore
Tàu RSS Supreme lớp Formidable của Hải quân Singapore

Tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản) ngày 17/5 cho rằng các nước Đông Nam Á lần lượt tăng cường sức mạnh quân sự trên biển. Singapore ngày 16/5 ký kết thỏa thuận mua 2 tàu ngầm của Đức.

Thái Lan cũng mua tàu ngầm của Trung Quốc. Philippines đang thúc đẩy triển khai tàu tuần tra do Nhật Bản cung cấp. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông và cuộc đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt, các nước Đông Nam Á đang xây dựng lại khả năng phòng vệ.

Bài viết cho hay, ngày 16/5, Bộ Quốc phòng Singapore đã ký kết thỏa thuận mua 2 tàu ngầm của công ty Đức. Năm 2013, Singapore đã quyết định mua 2 tàu ngầm này để đổi mới, thay thế tàu cũ, tăng cường sức mạnh quân sự trên biển.

Cùng với thương mại trên biển mở rộng, tàu thuyền qua lại eo biển Malacca tăng lên, Singapore hy vọng bảo đảm an toàn cho tuyến giao thông trên biển.

Ngày 15/5, Hải quân Singapore đã tổ chức Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế lần đầu tiên. Tại buổi lễ, Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam đã nhấn mạnh đến thành quả tăng cường hải quân, cho biết: "Khi thành lập vào 50 năm trước, hải quân chỉ có 2 tàu gỗ, hiện nay bắt đầu sở hữu những lực lượng chiến đấu mới nhất như tàu hộ vệ, tàu ngầm".

Cảnh sát biển Việt Nam nhận tàu tuần tra mới. Ảnh: Cankao
Cảnh sát biển Việt Nam nhận tàu tuần tra mới. Ảnh: Cankao

Gần đây, Chính phủ Thái Lan đã ký kết thỏa thuận với phía Trung Quốc, chuẩn bị mua 1 chiếc tàu ngầm động cơ thông thường của Trung Quốc có trị giá 13,5 tỷ baht (1 USD tương đương 34 baht). Thái Lan muốn mua tổng cộng 3 tàu ngầm của Trung Quốc.

Trước đây, quân đội các nước Đông Nam Á đều có lục quân mạnh nhằm đối phó với các thế lực phản động ở trong nước. Nhưng, những năm gần đây, cùng với thương mại trên biển mở rộng, các nước bắt đầu chuyển trọng tâm sang tăng cường thể chế bảo đảm an ninh trên biển của hải quân.

Thượng tuần tháng này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã điều tàu tuần tra do Nhật Bản cung cấp đến vùng biển Benham Rise, cách đảo Luzon 250 km về phía đông. Năm 2016, tàu Trung Quốc đã tiến hành thăm dò ở đó, gây cảnh giác cho Philippines.

Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục cung cấp 10 tàu tuần tra dài 40 m cho Philippines trước năm 2018, hiện đã bàn giao 3 chiếc. Nhật Bản còn có kế hoạch cung cấp 2 tàu tuần tra cỡ lớn dài 90 m cho Philippines.

Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, chiếc cuối cùng cũng đã triển khai ở căn cứ Cam Ranh vào tháng 1/2017. Năm 2016, Mỹ dỡ bỏ cấm vận toàn diện việc xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam được duy trì từ Chiến tranh Việt Nam đến nay. Trong tương lai, Việt Nam cũng có thể mua sắm vũ khí của Mỹ.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển bãi cạn Scarborough. Ảnh: Manila Times
Các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển bãi cạn Scarborough. Ảnh: Manila Times

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), trong 5 năm trước năm 2016, 5 nước chủ yếu của Đông Nam Á như Singapore có mức tăng chi tiêu quân sự đều đạt 2 con số, mức tăng của Indonesia và Việt Nam thậm chí trên 60%. Trong bảng xếp hạng các nước nhập khẩu vũ khí năm 2016, có 7 nước Đông Nam Á đã bước vào top 40.

Các nước Đông Nam Á sở dĩ tăng cường sức mạnh quân sự là do bị kích thích bởi Trung Quốc, nước đang thúc đẩy xây dựng (phi pháp) các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Các nguyên nhân khác còn bao gồm thực lực kinh tế của những nước này tăng lên, ngân sách tăng lên; các nước như Nhật Bản mở rộng cung cấp trang bị phòng vệ.

Tàu tuần tra vốn có của Philippines phần lớn đã cũ kỹ. Năm 2012, ở bãi cạn Scarborough, tàu tuần tra Philippines đã xảy ra đối đầu với tàu công vụ Trung Quốc, cuối cùng buộc phải rút lui trước trang bị tiên tiến hơn của Trung Quốc. Chi tiêu quân sự năm 2016 của Philippines tăng trưởng gần 40% so với năm 2011, đang đẩy nhanh hiện đại hóa trang bị.

Các nước đều không muốn xảy ra đối đầu quân sự với Trung Quốc, nhưng kết quả lại xuất hiện cục diện chạy đua vũ trang, "ngòi lửa" xoay quanh Biển Đông sẽ ngày càng nghiêm trọng.