Cần phải nhấn mạnh ngay rằng, truyền thông nước ngoài có thể bình luận, suy diễn, nhưng, "chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không gia nhập vào liên minh quân sự hoặc liên minh với một quốc gia khác nhằm chống lại nước thứ ba" như ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga gần đây đã từng khẳng định lại trên báo chí chính thống của Nga cũng như trong các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam về quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các cường quốc.
Izvestia Nga ngày 20/5 đăng bài viết về quan hệ Việt-Mỹ cho rằng, ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước, đưa hai nước từ kẻ thù cũ trở thành cái mà báo này gọi là "đồng minh trên thực tế".
Izvestia nhấn mạnh, tình hình Biển Đông hiện nay ngày càng căng thẳng thúc đẩy Washington và Hà Nội đi đến bước này. Chuyến thăm châu Á của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ không kết thúc ở Việt Nam, sau đó ông sẽ đến Nhật Bản, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Chuyên gia được Izvestia trích dẫn xác nhận rằng quan hệ Việt-Mỹ có xu thế xích lại gần nhau, đồng thời không loại trừ khả năng "khôi phục lại" việc cung ứng vũ khí.
Đây là lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Barack Obama đến thăm Việt Nam. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, quan hệ hiện thực của hai nước Mỹ-Việt bình thường hóa, giới doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến xu thế phát triển của Việt Nam.
Việt Nam đã cung cấp hàng hóa trị giá hàng tỷ USD cho Mỹ, đồng thời vài tháng trước đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định tự do thương mại đa quốc gia được chính quyền Obama tập trung xây dựng.
Nhưng, hiện nay, chủ đề bàn tới hầu như là vấn đề thúc đẩy phát triển quan hệ quân sự-chính trị giữa hai nước bước lên tầm cao mới. Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, nội bộ Washington đã thảo luận rộng rãi về triển vọng dỡ bỏ toàn diện lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam.
Hiện nay, các vũ khí hiện đại như radar và máy bay tuần tra biển đều nằm trong danh sách cấm. Hai năm trước, Washington đã hủy bỏ hạn chế một phần lệnh cấm, cho phép bán một số vũ khí liên quan đến "an ninh hàng hải" cho Việt Nam.
Nhà nghiên cứu cao cấp Ilya Usov từ Viện nghiên cứu chiến lược Nga cho rằng, đối với Việt Nam, chuyến thăm lần này của ông Barack Obama có ý nghĩa quan trọng ở góc độ ngoại giao.
Quốc hội khóa này của Việt Nam thậm chí đã bầu ra Chính phủ khóa mới trước khi ông Obama thăm Việt Nam để Mỹ có thể triển khai đàm phán với các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
Ilya Usov giải thích rằng: "Trong bối cảnh tình hình Biển Đông leo thang, Tổng thống Mỹ đến thăm chắc chắn sẽ được Hà Nội coi là ủng hộ Việt Nam trong cuộc đối đầu với (tham vọng và hành vi bành trướng của) Bắc Kinh. Người Việt Nam đương nhiên trông đợi việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.
Hành động này có ý nghĩa tượng trưng lớn hơn: Tất cả những dấu vết của cuộc chiến tranh trước đây bị xóa bỏ, quan hệ hai nước hướng tới phồn vinh, Mỹ ủng hộ Việt Nam và sẵn sàng bán vũ khí cho Việt Nam".
Đến nay, Việt Nam là khách hàng lớn của tàu ngầm, tàu tuần tra và máy bay tiêm kích đa dụng Nga, nhưng Việt Nam rất quan tâm đến vũ khí trang bị, radar, máy bay không người lái và máy bay tuần tra biển (P-3 Orion và P-8 Poseidon) của Mỹ.
"Trong ngắn hạn, người Mỹ không thể gạt Nga ra khỏi thị trường vũ khí của Việt Nam. Quân đội Việt Nam có khoảng 80% vũ khí trang bị do Liên Xô và Nga sản xuất. Phần lớn sĩ quan cao cấp quân đội từng học tập tại Liên Xô... Hà Nội nỗ lực vào thực hiện đa dạng hóa mua sắm vũ khí là một chuyện khác" - Ilya Usov nhận định.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiến hành trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ không ngừng gia tăng các cuộc va chạm ở vùng biển này.
Mấy ngày trước (17/5), hai máy bay tiêm kích Trung Quốc còn chặn đuổi nguy hiểm một máy bay trinh sát (EP-3) của Mỹ khi áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc (chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Trong tình hình này, Washington chỉ trích Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa Biển Đông, trong khi đó, Trung Quốc phản bác cho rằng Mỹ không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực này, tăng cường tần suất tuần tra và diễn tập.
Năm 2015, hai nước Trung-Mỹ đã xây dựng đường dây nóng riêng để ngăn ngừa sự kiện tương tự vụ va chạm máy bay Trung-Mỹ năm 2001 tái diễn.
Nhưng, tình hình gần đây cho thấy, đường dây nóng không phát huy tác dụng. Bắc Kinh muốn thể hiện sự bất mãn về việc Mỹ triển khai các hoạt động ở "khu vực lợi ích" của họ.
Aleksander Panov, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu-giảng dạy ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow cho rằng: "Đã có nhân tố đối đầu giữa Trung-Mỹ ở Biển Đông. Người Mỹ sẽ không lựa chọn xung đột công khai, nhưng sẽ kiên trì bảo đảm tự do hàng hải. Mỹ sẽ không xây dựng đồng minh quân sự-chính trị với Việt Nam, nhưng sẽ xích gần quan hệ với Việt Nam, thậm chí cung ứng vũ khí cho Việt Nam".
Ilya Usov đồng ý với quan điểm trên, nhấn mạnh: "Về ngoại giao, Việt Nam có nguyên tắc 'ba không'. Trong đó có một nguyên tắc là không xây dựng đồng minh quân sự. Nhưng, về thực chất, Việt Nam (giống như Philippines) không thể không dựa vào Mỹ trong việc đối phó âm mưu và thủ đoạn bành trướng ở Biển Đông.
Vì vậy, theo suy diễn của Ilya Usov và trang báo của Nga 'đồng minh' thực ra đã tồn tại".
Tuy nhiên, như đã nói ngay từ đầu, cần phải nhấn mạnh ngay rằng truyền thông nước ngoài có thể bình luận, suy diễn, nhưng, "chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là không gia nhập vào liên minh quân sự hoặc liên minh với một quốc gia khác nhằm chống lại nước thứ ba".
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga gần đây cũng đã từng khẳng định lại trên báo chí chính thống của Moscow như vậy.
Chính sách ngoại giao "ba không" rõ ràng, nhất quán của Việt Nam cũng đã được thể hiện nhiều lần trong các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao và các quan chức cấp cao của Việt Nam về quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các cường quốc