Báo Mỹ: Việt Nam hứng thú mua máy bay quân sự Mỹ, phương Tây

VietTimes -- Thực tế, trong một vài năm qua đã có những báo cáo cho thấy Việt Nam có vẻ hứng thú trong việc mua máy bay quân sự của Mỹ và phương Tây. Vào tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến công du tới Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, chuyên gia phân tích trên National Interest.
Chiến đấu cơ F-5
Chiến đấu cơ F-5

Tạp chí Mỹ đặt câu hỏi liệu Việt Nam thực sự định tân trang lại phi đội máy bay chiến đấu F-5 đã 50 năm tuổi do Mỹ sản xuất hay không? Hay đó chỉ là mong muốn của Nga nhằm thúc đẩy Việt Nam mua máy bay chiến đấu của Nga, giữa lúc có nhiều tin đồn cho rằng Việt Nam có thể sẽ chuyển sang mua máy bay chiến đấu của phương Tây.

Phi đội máy bay này chính là những chiến đấu cơ F-5 chiến lợi phẩm thu được từ năm 1975, khi quân đội miền Bắc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Trong số các chiến lợi phẩm, quân đội Việt Nam đã thu được một số lượng lớn xe tăng, pháo và súng tiểu liên do Mỹ cung cấp (bao gồm cả gần một triệu khẩu M-16). Nhờ những chiến lợi phẩm này, quân đội Việt Nam vào những năm 1970 được coi là một trong những quân đội được trang bị tốt nhất trên thế giới, National Interest nhận định.

Theo National Interest, trong số chiến lợi phẩm nói trên còn bao gồm cả 87 chiếc máy bay chiến đấu F-5A và 27 chiếc F-5E Tiger II, một mẫu máy bay hạng nhẹ dòng F-5 giá rẻ mà Mỹ xuất khẩu sang các nước thế giới thứ ba trong Chiến tranh lạnh.

Theo báo Mỹ, Việt Nam đã gửi một số ít máy bay F-5 sang Liên Xô để nghiên cứu, trong khi số còn lại được đưa vào phục vụ trong chiến dịch đánh đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo ở Campuchia. Theo National Interest, các phi công Nga đã rất ấn tượng trước khả năng của F-5E Tiger II.

Một trang web về không quân bình luận rằng máy bay chiến đấu F-5E/F được cho là khá quen thuộc với quân đội Việt Nam, cho dù máy bay của Nga chiếm ưu thế lớn trong không quân Việt Nam.  “Những máy bay F-5 này đặc biệt được đánh giá cao về buồng lái thoải mái và khả năng vận hành dễ dàng. Tuy nhiên, việc thiếu phụ tùng và các bộ phận thay thế dần dần khiến số lượng những máy bay F-5E còn khả năng phục vụ ngày càng giảm đi”.

Máy bay chiến đấu F-5 chiến lợi phẩm Việt Nam thu được trưng bày tại bảo tàng
Máy bay chiến đấu F-5 chiến lợi phẩm Việt Nam thu được trưng bày tại bảo tàng

Thực tế, phi đội F-5 của Việt Nam được cho là đã bị xuống cấp và ngưng hoạt động đã lâu. Tuy nhiên, mới đây hãng Sputnik của Nga đăng tải bài báo mang tên “Việc phục hồi máy bay chiến đấu Tiger có ý nghĩa ra sao với Không quân Việt Nam?”. Bài báo đã dẫn lại lời của một tờ báo Việt Nam dự báo rằng có thể Việt Nam sẽ cân nhắc việc đưa máy bay F-5 trở lại phục vụ.

Điều này khiến các chuyên gia phương Tây hết sức ngạc nhiên. Ông Zachary Abuza, giáo sư tại Trường Hải chiến Mỹ cho hay: “Theo tôi được biết, máy bay F-5 khó có thể nâng cấp được nữa. Tôi mới đến Việt Nam tháng trước và không hề thấy ai đả động đến khả năng này”.

Điều thú vị là bài báo của Sputnik không chỉ đơn giản là một bản tin thông thường về vấn đề quân sự của Việt Nam, mà bài báo này lại là bài phân tích của một chuyên gia quân sự Nga. Nhà phân tích Makar Aksenenko cho rằng các công ty vũ khí của Israel có thể sẽ thực hiện nhiệm vụ tân trang lại các máy bay F-5, như trước đây các công ty này đã từng tân trang lại phi đội F-5 của Thái Lan. Ông cũng cho rằng đây là cách thức để Việt Nam “trong thời gian ngắn có thể bổ sung đáng kể cho lực lượng máy bay tấn công chỉ với chi phí khá tiết kiệm”.

Tuy nhiên, bài báo này cũng kết luận rằng việc tân trang máy bay F-5 cũng chỉ là biện pháp khắc phục khẩn cấp, còn Việt Nam vẫn rất cần lực lượng máy bay quân sự hiện đại. Hiện nay Việt Nam đang vận hành khoảng 40 chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga.

Dàn chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Nhân dân Việt Nam
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Nhân dân Việt Nam

Chuyên gia Abuza nhận định: “Việt Nam đã trở thành thị trường cho các phi đội máy bay chiến đấu mới. Tôi cho rằng Việt Nam chẳng cần nghĩ ngợi nhiều về việc mua thêm máy bay Sukhoi vì lý do giá thành, giá trị chiến đấu thực tế, mức độ tin cậy cũng như mức độ quen thuộc trong khả năng vận hành Sukhoi. Nhưng việc Việt Nam xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, điều này khiến các đối tác ở Mátxcơva lo lắng”.

Thực tế theo National Interest, trong một vài năm qua đã có những báo cáo cho thấy Việt Nam có vẻ hứng thú trong việc mua máy bay quân sự của Mỹ và phương Tây. Vào tháng 5/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du tới Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những đối tác mua vũ khí lớn nhất của Nga trong những năm gần đây. Và tôi chắc chắn rằng Mátxcơva mong muốn Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục như vậy”, chuyên gia Abuza kết luận.