Cuộc đối đầu vì các đảo tranh chấp ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều năm qua. Cho đến nay, rất khó theo dõi những cuộc đụng độ và rút lui đầy bế tắc giữa các bên, chưa kể đến các cuộc chiến tranh ngôn từ khác.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông ngày 7/5/2014. Ảnh: Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. |
Tuy nhiên, có hai nhà nghiên cứu đã phát triển một cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi các chiến thuật mà các bên có liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông đã sử dụng trong vòng 18 năm qua. Từ cơ sở dữ liệu này, các học giả đã phát hiện ra rằng, Trung Quốc vượt xa mọi đối thủ của mình trong việc sử dụng hành động quân sự và bán quân sự, sức mạnh kinh tế và ngoại giao "phá hoại" như là một phương tiện nhằm khẳng định và bảo vệ những tuyên bố của mình.
Họ là những học giả đến từ Đại học Quốc phòng Mỹ. Họ công bố công trình nghiên cứu của mình hồi đầu năm nay, sử dụng nguồn mở để theo dõi các chiến thuật mà các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đã sử dụng từ năm 1995 đến tháng 9/2013. Họ chia các nhóm hành động thành 9 loại: quân sự, bán quân sự, kinh tế, hành chính, pháp luật, ngoại giao liên minh, đàm phán, quản lý tranh chấp và thông tin.
Theo bản tóm tắt nghiên cứu được Trung tâm Đông Tây ở Honolulu của Mỹ công bố, Trung Quốc chịu trách nhiệm lên đến 500 hành động, tiếp đó là Philippines với 300 hành động. Trong giai đoạn 18 năm này, Trung Quốc có 148 hành động quân sự và bán quân sự, chiếm hơn một nửa so với tổng các hành động trong cùng loại của các quốc gia/ vùng lãnh thổ còn lại trong nhóm, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu đặc biệt quan trọng đáp trả lại tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này tăng cường hoạt động trên Biển Đông vì chính sách tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ từ năm 2011, Christopher Yung, một nhà nghiên cứu hiện đang là nhà phân tích quân sự chính trị độc lập nhận định.
Trung Quốc lập luận chính sách tái cân bằng của Mỹ đã kích động các quốc gia hành xử khiêu khích hơn, và nước này đơn giản là phản ứng lại với sự hung hăng đó. "Tại mọi cuộc họp ngoại giao với Trung Quốc, hoặc khi bất kỳ quốc gia nào lên tiếng với người Trung Quốc, đây là luận điểm mà họ luôn sử dụng", ông Yung cho biết, "Chúng tôi đã thu thập dữ liệu cho thấy nó không chính xác, rằng các lập luận của Trung Quốc là không có cơ sở".
Ví dụ, tổng số các hành động của Trung Quốc trong năm 2009 và 2010 vượt xa các đối thủ. Còn trong những năm sau này, nó đã vượt xa hành động của các quốc gia có yêu sách khác cộng lại.
Tuy nhiên, nghiên cứu này không nắm bắt được toàn bộ hành động của các quốc gia liên quan đến Biển Đông, bởi nó chỉ dựa trên hồ sơ được công khai và các phương tiện truyền thông, ông Patrick NcNulty, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quân sự ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Chiến lược ngoại giao phá hoại của Trung Quốc, cụ thể là chỉ sử dụng phương thức ngoại giao song phương để giải quyết các tranh chấp, được thể hiện trong mọi trường hợp. Điều này không phù hợp với Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), bộ quy tắc đã được thảo luận trong nhiều cuộc họp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN).
Các nhà nghiên cứu cho biết, những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc còn bao gồm cả việc vận động phá vỡ sự đoàn kết trong khối ASEAN về vấn đề Biển Đông, thông qua sự hỗ trợ kinh tế cho một số thành viên để tìm tiếng nói đồng nhất với Bắc Kinh. Thông qua đó, một số quốc gia ASEAN đã nhấn mạnh giải pháp đàm phán song phương, loại trừ đa phương, trái với tinh thần COC để "giải quyết các tranh chấp trong hoà bình". Đồng thời ngăn cản mọi nỗ lực đưa COC vào điều chỉnh hành vi của các nước từng đồng ý với DOC (Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông) - trong đó có Trung Quốc - cũng như các biện pháp khác xây dựng lòng tin về quá trình giải quyết tranh chấp.
Trung Quốc cũng đã phớt lờ các biện pháp pháp lý khi giải quyết tranh chấp Biển Đông. Vào năm 2013, Philippines đã đệ trình một yêu cầu trọng tài lên Toà án Quốc tế về Luật biển để xử lý tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc liên quan đến một số đảo san hô trên Biển Đông. "Hành động chính của Trung Quốc là từ chối tham gia tố tụng hoặc tảng lờ, hoặc trì hoãn tham gia", ông McNulty nói.
Động thái của Philippines đã "đặt Trung Quốc vào chính gót chân của họ", ông Yung nói. Trung Quốc luôn muốn giữ những yêu sách của mình trong trạng thái mơ hồ, trong khi đó từ từ tiến hành các hoạt động mở rộng quan hệ song phương trong khu vực, hay mở rộng một số đảo tranh chấp bằng cách cải tạo nhanh chóng và biến chúng thành các tiền đồn quân sự trong tương lai.
Nếu toà án quyết định ủng hộ Philippines, Trung Quốc sẽ bị các chuẩn mực quốc tế từ chối nếu họ tiếp tục con đường hiện tại, cùng lúc với việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn cam kết "tuân thủ các quy tắc pháp luật".
Theo Infonet