Tờ Người quan sát (Trung Quốc) ngày 23/5 cho rằng, từ đầu năm 2017 đến nay Triều Tiên đã 8 lần tiến hành bắn thử tên lửa, tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng. Có rất nhiều quan điểm đề cập đến khả năng nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Khu vực biên giới hai miền Triều Tiên cũng không hề yên tĩnh. Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc ngày 23/5 cho biết chiều cùng ngày, Quân đội Hàn Quốc phát hiện một khí tài bay lạ bay xuống phía nam ở khu vực tiền tuyến Cheorwon, tỉnh Kangwon và đã tiến hành bắn cảnh cáo. Quân đội Hàn Quốc sử dụng súng máy K-3 bắn hơn 90 viên đạn về phía bắc.
Như vậy, tình hình bán đảo Triều Tiên đã hết sức căng thẳng, nhưng hầu như lãnh đạo Quân đội Mỹ lại giữ thái độ "bảo thủ" đối với việc khai chiến ở bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng lựa chọn biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một "bi kịch" và cũng là điều "không thể tưởng tượng".
Đối với cuộc chiến tranh có thể nổ ra trong tương lai, không chỉ cá nhân ông James Mattis, một bộ phận đáng kể trong nội bộ Quân đội Mỹ cũng giữ quan điểm tương đối thận trọng.
Ngày 21/5, khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo Pukguksong 2, tờ Thời báo Quốc phòng Mỹ đã tiến hành phỏng vấn các sĩ quan nghỉ hưu, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia tình báo Mỹ. Họ đã tiến hành “giả tượng” về một cuộc "Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai" trên giấy. Cuộc chiến này được “tưởng tượng” như sau:
Sách lược của Triều Tiên
Theo mô tả của các chuyên gia và sĩ quan nghỉ hưu, sách lược của Quân đội Triều Tiên sẽ là ra sức chiếm được nhiều địa bàn hơn trước khi quân cứu viện của Mỹ đến, thậm chí sẽ bỏ qua việc đánh chiếm Seoul. Sau khi phát động tấn công, Quân đội Triều Tiên sẽ mạnh mẽ vượt qua sông Hán, tiến thẳng đến Busan, Hàn Quốc.
Đối với phương thức tấn công của Quân đội Triều Tiên, hai chuyên gia phân tích Hà Lan cho rằng Quân đội Triều Tiên sẽ tận dụng tuyến đường hầm xuyên qua vĩ tuyến 38, tránh khu vực đặt bom mìn, điều lực lượng xuống phía nam. Họ tin rằng mỗi đường hầm có thể điều động 20.000 quân qua vĩ tuyến 38 trong mỗi giờ đồng hồ.
Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ít nhất đã hoàn thành 16 địa đạo dài 44 - 50 km, điểm cuối cùng đều ở phía nam vĩ tuyến 38. Do đó vài trăm nghìn binh sĩ Triều Tiên có thể bất ngờ xuất hiện ở lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài ra, Công ty Stratfor Mỹ năm 2016 dự đoán, rất nhiều đại pháo và rocket do Triều Tiên triển khai ở gần vĩ tuyến 38 đều bao trùm lên khu vực phía bắc Seoul, một đợt bắn tập trung sẽ có thể dội 350 tấn đạn dược, tương đương lượng ném của 11 máy bay ném bom B-52, làm bốc cháy toàn bộ Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Trung tướng lục quân nghỉ hưu Mỹ Mark Hertling cho rằng điều này sẽ gây ra thương vong cho dân thường tương đương 6 năm cuộc nội chiến ở Syria chỉ trong 1 ngày. Vài triệu người chạy khỏi Seoul sẽ bị tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, ngăn chặn liên quân Mỹ - Hàn tiến quân lên phía bắc.
Sách lược của Quân đội Mỹ
Sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Mỹ nghỉ hưu Maxwell cho rằng, để đánh bại kế kế hoạch bắn pháo vào Seoul của Quân đội Triều Tiên, điều quan trọng là tìm được vị trí bố trí pháo của Quân đội Triều Tiên.
Tình hình khu vực miền núi và công sự pháo được xây dựng vững chắc của phía Triều Tiên có thể yểm trợ rất tốt. Maxwell nói: "Chúng ta có thể phát hiện chúng thì chúng ta có thể tiêu diệt chúng".
Đồng thời, nhiệm vụ quan trọng trong tiến hành phản kích đối với Quân đội Triều Tiên đều đặt lên vai của Thủy quân lục chiến xuất phát từ Okinawa. Quân viễn chinh số 3 của Thủy quân lục chiến là chủ lực cũng tiến hành đổ bộ ở hai bờ đông tây của bán đảo Triều Tiên, tiến hành chi viện và phản kích.
Trong kế hoạch, Incheon, Gunsan, Wonsan đều có thể là nơi Thủy quân lục chiến đổ bộ.
Để bảo đảm cho hành động tác chiến của lực lượng đánh bộ được tiến hành theo kế hoạch, Quân đội Mỹ ít nhất cần 20 trong số 31 tàu đổ bộ cỡ lớn hiện có. Ở Tây Thái Bình Dương thường trú gần một nửa tàu đổ bộ, duy trì quy mô 5 - 6 biên đội. Còn những biên đội khác sẽ mất vài tuần để điều từ lãnh thổ Mỹ tới.
Đại tá hải quân nghỉ hưu David thậm chí cho rằng, cần có tàu tấn công đổ bộ mới thì mới có thể đạt được mục tiêu này, bởi vì tàu đổ bộ USS America hiện có hoàn toàn không phải là một trang bị tác chiến đổ bộ thật tốt.
Cho dù như vậy, xét tới khả năng chống đổ bộ ngày càng mạnh sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chỉ dựa vào hạm đội đổ bộ sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được nhiệm vụ. Chuyên gia từ một viện nghiên cứu Mỹ cho rằng cần điều động tập kết một tàu sân bay của Mỹ đến chi viện đổ bộ.
Trong kế hoạch của Quân đội Mỹ, toàn bộ quá trình tác chiến sẽ kéo dài vài tháng. Trong giai đoạn đầu, đối mặt với Quân đội Triều Tiên, sẽ có rất nhiều dân thường và binh sĩ bị thương vong.
Trong khi đó, Quân đội Mỹ sẽ dựa vào khoảng thời gian này để tiến hành động viên và điều động đầy đủ, thậm chí có thể điều động lực lượng vệ binh quốc gia ở trong nước và quân đội đóng tại châu Âu.
Cùng với thời gian trôi qua, sẽ có lực lượng chiến đấu ngày càng mạnh tham chiến. Hơn nữa, trong giả định, mục tiêu tác chiến này chỉ là Quân đội Triều Tiên, không đề cập đến Quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, với thực lực ở bán đảo Triều Tiên hiện nay, khi đối mặt với Quân đội Triều Tiên, Quân đội Mỹ cũng không thể bất lực như tình huống giả định nêu trên.
Việc cho rằng trong giai đoạn đầu xuất hiện thương vong rất lớn và gây ra thảm họa nhân đạo, đồng thời chỉ có thể "ngồi nhìn" Quân đội Triều Tiên tiến xuống phía nam là một quan điểm "không bình thường".
Tuy nhiên, đây vẫn không phải là toàn bộ kế hoạch. Theo tờ Thời báo Quốc phòng Mỹ, sĩ quan nghỉ hưu Mỹ cho rằng do tình hình nghiêm trọng như vậy, nhân tố quyết định thắng bại của "Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai" sẽ là đội quân 650.000 quân tại ngũ và 3 triệu quân dự bị của Hàn Quốc. Phần lớn đội quân này sẽ tham chiến trong giai đoạn đầu.
Sĩ quan đặc nhiệm Maxwell cho rằng: "Đây sẽ là một cuộc chiến diễn ra tác chiến liên hợp thực sự giữa quân đội hai nước Mỹ - Hàn. Quan hệ giữa Quân đội Iraq và Quân đội Mỹ hay quan hệ giữa Quân đội Afghanistan và Quân đội Mỹ đều khác. Quân đội Hàn Quốc và Quân đội Mỹ là đối tác liên minh thực sự. Trong "Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, phần lớn cuộc chiến sẽ do liên minh này hoàn thành".