Thứ 2 ngày 24.08, chứng khoán Trung Quốc giảm với giá trị kỷ lục (hơn 8%), kéo tất cả các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương lao dốc. Trung Quốc bắt đầu sửa chữa những khiếm khuyết, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc mà báo chí thế giới dự đoán trong thời gian dài. Những dự cảm cho một sự thay đổi kinh tế - địa chính trị cuối cùng đã có thể thấy khá rõ nét.
Từ mặt này, sự phá giá của đồng tiền lớn có nhiều khả năng sẽ khởi động nền kinh tế, nhưng mặt khác – đây sẽ là một đòn mạnh vào các tiêu chuẩn đời sống của người dân mà sự phân tầng giai cấp đã khiến họ rất không hài lòng. Nhưng đó không phải là tất cả.
Sự sụp đổ hiện tại của cổ phiếu có lẽ không chỉ liên quan với nền kinh tế và những thảm họa môi trường của Trung Quốc gần đây, mà còn là hậu quả của chính sách đối ngoại “gió chiều nào xoay chiều ấy”.
Tháng Chín, theo lịch đối nội chính trị của Trung Quốc, là ngày kỷ niệm thứ 75 năm chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản (sử sách Trung Quốc gọi là "cuộc kháng chiến chống quân phiệt Nhật Bản") và Chiến tranh Thái Bình Dương. Theo thông tin không chính thức, sẽ không có lễ kỷ niệm chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản. Nhưng ngày quan trọng là ngày ký Hiệp ước Hòa bình San Francisco - 08.09.1951 (xem thông tin bổ sung ở bên dưới) .
Hiệp định này đáng được quan tâm, do có một thực tế là bản thân hiệp định này đã dẫn đến hầu hết các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, bao gồm cả tranh chấp về tình trạng Đài Loan.
Ngày 13.08 ông Zhang Zhijun, người mang Hàm bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng về vấn đề Đài Loan thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã có cuộc gặp với các quan chức cao cấp Mỹ tại Washington.
Thực tế, Bắc Kinh cần Mỹ từ bỏ quan điểm ủng hộ đảo Đài Loan, nhưng Trung Quốc cũng có những lựa chọn thay thế. Thế nên, một tuần trước chuyến thăm, Global Times công bố thông tin về việc Trung Quốc bắt đầu tiến trình đóng tàu sân bay hạt nhân cho Hải quân PLA, tăng cường thêm việc huấn luyện thủy thủ khai thác sử dụng tàu sân bay "Liêu Ninh". “Thiên triều” một lần nữa đã sẵn sàng cho trò chơi địa chính trị với mức đặt cược cao nhất.
Logic chính sách đối ngoại Mỹ "trở lại châu Á" không chỉ bao gồm sự hiện diện quân sự của hải quân gần bờ biển Trung Quốc, mà còn tạo ra đối trọng nặng ký trong khu vực với Bắc Kinh. Về lý thuyết, một đối trọng có tiềm lực như vậy có lẽ chỉ có ba nước: Nga, Nhật Bản, Ấn Độ.
Tuy nhiên, Nga sẽ không trở thành kẻ thù của Trung Quốc vì những lý do rõ ràng. Nhật Bản không đủ mạnh mẽ cho cuộc đối đầu toàn cầu, mặc dù thực tế rằng Hoa Kỳ đã tăng cường sức mạnh bằng việc trao lại cho Nhật quần đảo đá ngầm Ryukyu Ridge và cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến. Ấn Độ có tình hình địa chính trị rất đặc biệt nên việc sử dụng năng lực để làm suy yếu Trung Quốc hầu như không thành công.
Đến cuối năm ngoái, bối cảnh chung châu Á đang ngày càng trở nên căng thẳng ngột ngạt. Truyền thông Ấn Độ cho thấy sự lo ngại về việc các tàu ngầm Trung Quốc viếng thăm các cảng của Sri Lanka và Pakistan. Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines đang quan tâm đến việc mua các tàu đã qua sử dụng nhưng còn trong tình trạng tốt của Nhật Bản: tàu đổ bộ trực thăng lớp "Shirane" máy bay tuần tra "Orion" và tàu ngầm. Indonesia có kế hoạch tăng ngân sách quân sự lên tới 20 tỷ USD vì những nguyên nhânliên quan đến "nguy cơ đe dọa của Trung Quốc", mặc dù trước đây không tham gia vào những tranh chấp của các láng giềng.
Có thể nói thêm một chút về vụ tấn công khủng bố ở Thái Lan, báo chí địa phương tức khắc đã liên tưởng với nhóm ly khai người Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) ở Đông Turkestan. Trước đó nhiều hãng truyền thông liên tục có những bài viết cho rằng Trung Quốc và Thái Lan đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào Kra, những thông tin rò rỉ đã bị các quan chức hai nước bác bỏ trong tức giận, nhưng hoàn cảnh cho thấy, không thể có khói mà không có lửa.
Có nhiều lý do để tin rằng cuộc tấn công khủng bố gây ra không chỉ nhằm vào Thái Lan, mà còn nhằm nhiều vị trí của Trung Quốc ở đất nước Chùa Vàng. Điều gì đã khiến Thái Lan không thể quy trách nhiệm chính xác cho tổ chức nào ? Kịch bản tồi tệ nhất, là các cuộc đàm phán hậu trường về con kênh trên eo đất Thái Lan sẽ buộc phải dừng lại vô thời hạn.
Cùng lúc đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đột ngột nóng lên. Nếu như các cuộc đọ súng của các lực lượng hai miền trên tuyến DMZ dẫn đến một cuộc chiến tranh thật sự - và điều đó cũng có thể dù xác suất rất thấp - Bắc Kinh phải đối mặt với sự lựa chọn: bảo vệ đồng minh hay không ?
Lựa chọn thứ nhất sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn không kiềm chế. Lựa chọn thứ hai đưa đến mất vị thế trên trường quốc tế và gia tăng nguy cơ mất ổn định chính trị. Mỹ đã cố gắng đốt nóng khả năng xung đột giữa hai miền, sự gia tăng căng thẳng mang lại cho Washington nhiều lợi thế chính trị.
Trung Quốc buộc phải tính đến hết mọi khả năng. Một kế hoạch lớn đang được triển khai chống lại Trung Quốc tương tự như kế hoạch đã được sử dụng để chống Liên xô và hiện nay là chống Nga – làm suy yếu đất nước này thông qua việc tạo ra những lò lửa xung đột và bất ổn dọc theo tất cả tuyến biên giới. Trong điều kiện như vậy, đối phó với tất cả các thách thức sẽ càng trở lên phức tạp hơn.
Như người Nga đã dự đoán trước, mối quan hệ Nga Trung đột ngột trở lên phức tạp hơn, mặc dù có những tuyên bố về tình bạn hai nước và các cuộc tập trận chung. Tháng 6 vừa qua, đột nhiên ‘thiên triều’ trở mặt tham gia vào các biện pháp trừng phạt mà không tuyên bố, các ngân hàng của Trung Quốc dừng mọi hoạt động trong quan hệ tài chính tiền tệ với nước Nga. Tháng 8 Trung Quốc ra lệnh cấm xuất khẩu các máy bay không người lái chất lượng cao và các siêu máy tính, lịch sự ‘quên’ dành cho người bạn phương Bắc một ngoại lệ.
Trong những hoàn cảnh được dự đoán trước, Bộ Ngoại giao Nga có thể sẽ nhắc nhở "đối tác": mọi quan hệ liên minh không hề rẻ và không có các quan hệ hợp tác miễn phí, quay theo chiều gió. Việc đó cũng tương tự như đường biên giới dài ngàn cây số giữ được sự bình yên. Nếu ‘thiên triều’ quay ngược chính sách đối ngoại với đối tác, Liên bang Nga cũng có quyền công khai hóa những ủng hộ đối với đồng minh của minh và bắt đầu nói chuyện với Bắc Kinh về những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tất nhiên, sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Nga khó có thể xảy ra như năm 1979, nhưng không có nghĩa là loại trừ.
Bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, dù sao, cũng chứng minh cho thấy họ sẵn sàng đối phó với các thách thức. Nhưng điều này ẩn chứa một nguy cơ, có lẽ là mối đe dọa chính đối với Trung Quốc. Người dân ngày càng không hài lòng với phân hóa giai cấp và bất bình đẳng xã hội, trong khi nhà nước và bộ máy lãnh đạo không thể đưa ra những hình tượng lôi cuốn về một tương lai tươi sáng.
Người Trung Quốc không phải là một dân tộc có tính chịu đựng cao và việc đẩy họ đến một cuộc bạo loạn, nổi dậy cũng không quá khó khăn. Bộ máy lãnh đạo nhà nước và chính chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rất rõ điều này trong cuộc chiến sống còn ‘đả hổ, diệt ruồi”.
Theo các hãng truyền thông Hồng Kông, chủ tịch Tập Cận Bình trong các buổi họp Đảng đã nhiều lần nói, đất nước đang nằm trên bờ vực của sự sụp đổ. Người nước ngoài ngắm những tòa nhà chọc trời trên đất nước ‘thiên triều’ khó lòng có thể tưởng tượng được điều này, nhưng bản thân người dân Trung Quốc không hề ảo tưởng. Tình hình tương lai có thể rất khó dự đoán, những các chuyên gia địa chính trị về Trung Quốc trên thế giới chắc chắn còn nhiều chuyên đề dự đoán cho tương lai.
Bình luận viên Igor Kabardin, chuyên sâu về địa chính trị Trung Quốc trên tạp chí Bình luận quân sự. Nga
Trịnh Thái Bằng theo QPAN
Quốc tế đã công nhận “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”
Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự mà còn đối với những quốc gia cũng như chính quyền không tham dự.
Từ ngày 5 – 8/9/1951 diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là hội nghị được tổ chức tại San Francisco, California (Mỹ) giữa lực lượng Đồng minh và Nhật Bản.
Hội nghị này có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Trong hội nghị này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự do giữa Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa. Vấn đề chính được đưa ra thảo luận là dự thảo Hiệp ước Hòa bình giữa các nước trong phe Đồng minh với Nhật Bản do Anh - Mỹ đưa ra ngày 12/7/1951 nhằm chính thức kết thúc Thế chiến hai ở châu Á - Thái Bình Dương.
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đại diện cho Việt Nam thực thi và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Thủ hiến Trung phần Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Chính vì vậy, theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) là Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị San Francisco. Ông Trần Văn Hữu đã có một bài phát biểu quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hội nghị này.
Quang cảnh hội nghị San Francisco năm 1951.
Ngày 8/9/1951, 48 quốc gia tham dự hội nghị đã ký một Hiệp ước Hòa bình (còn gọi là Hiệp ước San Francisco hay Hiệp ước Hòa bình San Francisco). Hiệp ước này đã chính thức chấm dứt Thế chiến hai ở Viễn Đông cũng như đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Các nước tham gia Hiệp ước ký tên: Cộng hòa Áchentia, Úc, Bỉ, Bôlivia, Braxin, Campuchia, Cannađa, Xâylan (nay là Srilanca), Chilê, Côlômbia, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Đôminica, Hy Lạp, Guatemala, Haiti, Honđurát, Inđônêxia, Iran, Irắc, Lào, Pakixtan, Panama, Paraguay, Pêru, Philíppin, Ecuađo, Ai Cập, Xanvađo, Êtiôpia, Pháp, Libăng, Libêria, Lúcxămbua, Mêhicô, Hà Lan, Nicaragoa, Na Uy, Arập Xêút, Xyri, Liên bang Nam Phi, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Hoa Kỳ, Urugoay, Vênêxuêla, Việt Nam (Chính phủ “Quốc gia Việt Nam” của Quốc trưởng Bảo Đại), Nhật Bản.
Do những bất đồng nên Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan không tham gia ký kết Hiệp ước này.
Trong Hiệp ước San Francisco, ở Điều 2, đoạn 7, ghi rõ: “Nhật Bản khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm bằng vũ lực trong đệ nhị thế chiến, trong số đó có các đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Hiệp ước San Francisco bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/4/1952.
Cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa
Trong khuôn khổ Hội nghị San Francisco,tham dự với tư cách là một thành viên chính thức, đoàn Việt Nam đã có những tuyên bố, phát biểu quan trọng.
Theo đó, ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco có sự tham dự đầy đủ của phái đoàn 51 quốc gia, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam:“Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
“Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận)... Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, ông Trần Văn Hữu phát biểu.
Tuyên bố xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của phái đoàn Việt Nam không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của 50 quốc gia còn lại tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đại diện cho phái đoàn Việt Nam kí Hiệp ước Hòa Bình San Francisco. Ảnh tư liệu.
Tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị mà không có sự phản đối nào của các nước tham gia cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng Minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939 -1946 cho Việt Nam.
Chủ quyền đối với hai quần đảo này do vậy, hiển nhiên thuộc về Việt Nam.
Sau Hội nghị San Francisco, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do lực lượng trú phòng của chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, hai quần đảo này được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Cộng đồng quốc tế bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc
Như đã nói ở trên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự Hội nghị San Francisco.
Trong phiên họp khoáng đại ngày 5/9/1951 của Hội nghị, đòi hỏi cho quyền lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hội nghị San Francisco đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được phái đoàn Liên Xô nêu lên.
Phát biểu trong phiên họp này, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chính để định hướng cho việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản.
Trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc: “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Nhưng với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô.
Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơibiển Đôngđã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.
Về phía Trung Quốc, khi thấy bị gạt ra khỏi hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra một số bản tuyên bố chính thức, đồng thời cho đăng các bàibáođể lên án Mỹ về việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị để trình bày quan điểm của mình. Một trong những quan điểm này là đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không đưa ra được một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc ngang nhiên cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 mà họ đã cam kết tôn trọng, và chứng thư sau cùng ngày 2/3/1973 của Hội nghịthế giớivề Việt Nam mà Trung Quốc là một nước ký tên vào.
Giá trị pháp lý của Hiệp ước San Francisco
Theo nhiều chuyên gia luật, chuyên gia lịch sử, việc quốc gia Việt Nam dưới sự bảo trợ của Pháp, tham gia Hội nghị San Francisco và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện minh chứng cho sự xác lập chủ quyền từ sớm (về pháp lý cũng như sự chiếm hữu một cách hòa bình trên thực tế) đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Ảnh minh họa.
Giá trị pháp lý về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco không những được khẳng định đối với các quốc gia tham dự Hội nghị mà còn đối với những quốc gia cũng như chính quyền không tham dự Hội nghị bởi những ràng buộc của Tuyên cáo Cairo và Tuyên bố Potsdam.
Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong Hội nghị San Francisco là sự tái lập/tái khẳng định một tình thế đã có từ trước. Thêm nữa, Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương với sự tham gia của những quốc gia không có mặt tại Hội nghị San Francisco cũng đã tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu vềBiển Đông– nhận định:“Hiệp ước Hòa bình San Francisco là một hiệp ước quốc tế được kí kết chính thức giữa 48/51 nước tham dự, trong đó có các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Pháp, Anh… nên hoàn toàn có giá trị pháp lý. Hiệp ước này đã có hiệu lực từ năm 1952 nên các quốc gia trực tiếp kí kết hoặc không kí kết nhưng có ràng buộc liên quan bởi các hiệp định, tuyên bố khác phải tuân thủ”.
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Hiệp ước San Francisco và nội dung quan trọng thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các cơ quan chức năng Việt Nam nắm rõ từ lâu. Các học giả, nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều tìm hiểu, nghiên cứu về Hiệp ước này.
“Tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam trong hội nghị San Francisco về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp ở hai quần đảo này ra các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Vấn đề là thời điểm và cách thức đưa ra như thế nào cho hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng chỉ là một căn cứ trong hệ thống rất nhiều bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định rõ chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Việt nói.
Theo Người đưa tin