Băng đảng “Sister Ping” – thủ phạm gây nên thảm kịch 39 người chết ngạt trong thùng xe máy lạnh ở Anh?

VietTimes -- Ngày 25/10 (giờ London), truyền thông Anh đưa tin 4 người đã bị bắt giữ trong thảm kịch 39 người bị chết trong thùng xe tải đông lạnh. Thủ phạm đứng sau vụ này được cho là Tập đoàn “xà đầu” (từ dùng chỉ bọn buôn người) có tên là “Sister Ping” (chị Bình) ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc Đại lục.
Trịnh Thúy Bình và chiếc xe lạnh nơi xảy ra thảm kịch.
Trịnh Thúy Bình và chiếc xe lạnh nơi xảy ra thảm kịch.

Ngoài người tài xế xe tải bị giam giữ vì tội mưu sát, còn có hai cư dân vùng Whalinden và một người đàn ông Bắc Ireland 48 tuổi đã bị bắt vì tội ngộ sát và đồng mưu vận chuyển người trái phép. Tờ The Sun chỉ ra rằng thủ phạm chính trong trường hợp này rất có thể là Tập đoàn buôn người “Sister Ping” khét tiếng vốn được coi là một trong những tổ chức buôn người tinh vi nhất thế giới. Mấy chục năm qua, chúng đã đưa một số lượng lớn người vượt biên không an toàn và kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận.

Trịnh Thúy Bình - kẻ cầm đầu băng "Sister Ping" đã chết, nhưng băng đảng của mụ vẫn tiếp tục hoạt động đưa người trái phép từ Trung Quốc đi các nước Âu, Mỹ.
Trịnh Thúy Bình - kẻ cầm đầu băng "Sister Ping" đã chết, nhưng băng đảng của mụ vẫn tiếp tục hoạt động đưa người trái phép từ Trung Quốc đi các nước Âu, Mỹ.

Công ty phát thanh truyền hình Anh BBC cho biết trong số 39 người chết đã được xác định có 31 nam và 8 nữ. Mặc dù báo cáo trước đó cho biết cả 39 người đều là người Trung Quốc Đại lục, nhưng vào ngày 25/10 đã có tin có thể một số người trong số các nạn nhân mang quốc tịch Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đang làm việc với cảnh sát Anh để tiến hành xác minh danh tính liên quan.

Cảnh sát Anh tiếp tục điều tra vụ việc chiếc xe tải chở 39 xác chết ở quận Essex đang gây sốc cho cả thế giới này. Các cơ quan truyền thông Anh tiết lộ, băng đảng “xà đầu” (buôn người) từ Phúc Kiến, Trung Quốc có tên là “Sister Ping” (Chị Bình) bị nghi ngờ là thủ phạm chính của thảm kịch này.

Hành trình của 49 nạn nhân từ Trung Quốc tới Anh
Hành trình của 49 nạn nhân từ Trung Quốc tới Anh

Tờ Daily Mail của Anh viết, băng đảng “Sister Ping” đã kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận trong 20 năm qua. Trịnh Thúy Bình (Cheng Cui Ping), người đứng đầu băng đảng này, đã bị kết án 35 năm tù vì bị cáo buộc lập ra tổ chức buôn người tinh vi nhất thế giới và đưa lậu sang Mỹ tới 200.000 người. Trịnh Thúy Bình đã chết năm 2014 trong nhà tù tại Texas (Mỹ), nhưng đồng bọn của mụ thì vẫn tiếp tục hoạt động.

RTI dẫn bài báo của Daily Mail nói, kể từ đầu những năm 1980, Trịnh Thúy Bình đã lén lút vận chuyển nhiều thế hệ người Trung Quốc đến các nơi trên thế giới với mức giá 20.000 Bảng/người. Năm 2006 khi bị đưa ra xét xử tại New York, mụ được mô tả là “hóa thân của tà ác”.

Một số tuyến đường đưa người trái phép từ Trung Quốc tới châu Âu của bọn "xà đầu".
Một số tuyến đường đưa người trái phép từ Trung Quốc tới châu Âu của bọn "xà đầu".

Chi phí vượt biên trái phép trả từ một mức lương ít ỏi sau khi những người vượt biên trái phép đến được các nước phương Tây; hoặc người thân của họ ở Trung Quốc phải trả cho khoản vay dưới sự ép buộc của băng nhóm này.

Theo trang tin Đông Phương, Trịnh Thúy Bình sinh ra ở thôn Thịnh Mỹ (Sheng Mei cun), thị trấn Đình Giang (Ting Jiang zhen), thành phố Phúc Châu (Fu Zhou shi), tỉnh Phúc Kiến (Fu Jian). Năm 1981 mụ di cư sang New York, Mỹ. Bề ngoài Bình kinh doanh tạp hóa và quán ăn ở khu phố Tàu (China Town), nhưng bên trong mụ lập ra một băng đảng buôn người, đưa lậu người từ Trung Quốc đến các nơi trên thế giới với giá 20 ngàn bảng/người. Cảnh sát lúc đầu tiên theo dõi các manh mối tại khu phố Tàu ở New York rồi lần đến băng đảng buôn người của Trịnh Thúy Bình và bắt mụ vì tội buôn người.

Nơi cảnh sát Anh đang khám nghiệm thi thể các nạn nhân
Nơi cảnh sát Anh đang khám nghiệm thi thể các nạn nhân

Ngày 17/4/2000, Bình bị bắt tại Hồng Kông rồi được dẫn độ về Mỹ. Năm 2006, Bình bị tòa án New York kết án 35 năm tù, đến năm 2014 thì bị chết trong nhà tù ở bang Texas. Mặc dù Trịnh Thúy Bình đã chết, nhưng băng đảng “xà đầu” của mụ vẫn hoạt động như thường. Hiện không biết ai đang lãnh đạo băng “Sister Ping” này.

Tập đoàn “Sister Ping” cũng phát triển theo thời đại, hiện chúng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội (App) như “MoMo” của Trung Quốc và WeChat để hoạt động chiêu mộ người vượt biên và tuyên bố “hành trình an toàn 100%”. Chúng rêu rao quảng cáo trên App liên quan “nhanh chóng vượt qua trạm kiểm soát biên giới! Sang đến nơi mới phải trả tiền!”.

Chiếc xe tải chở thùng lạnh, nơi xảy ra tấn thảm kịch
Chiếc xe tải chở thùng lạnh, nơi xảy ra tấn thảm kịch

Những người nuôi mộng rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một cuộc sống mới, đầu tiên phải chuyển trả một khoản tiền gửi ít nhất 5.000 NDT thông qua mạng, sau đó chen trên một chiếc thuyền hoặc container để bắt đầu một hành trình dài dằng dặc, trong bóng tối và đầy nguy hiểm rình rập.

Mặc dù phải chịu nhiều nguy hiểm và rủi ro, nhưng nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, vẫn bị thu hút bởi cuộc sống ở châu Âu và Bắc Mỹ vì tiền lương tại đó cao hơn nhiều so với ở quê hương họ. Hầu hết mọi người sẽ đi máy bay từ Trung Quốc đến Serbia trước, sau đó đi đường bộ qua Hungary, Áo, Pháp; tiếp sau đó qua Bỉ hoặc Hà Lan để đến Vương quốc Anh.

Hai người Việt Nam được cho là nằm trong số các nạn nhân chết ngạt trên thùng xe tải
Hai người Việt Nam được cho là nằm trong số các nạn nhân chết ngạt trên thùng xe tải

Cho đến chiều 26/10, kết quả xác nhận quốc tịch của 39 nạn nhân bị chết vẫn chưa được thông báo. Hiện có những thông tin khác nhau về con số nạn nhân là người Việt Nam và Trung Quốc trong số 39 người chết. Có điều chắc chắn họ đều xuất phát từ Trung Quốc tới Pháp, qua Bỉ để tới Anh Quốc rồi bị chết trên thùng xe lạnh trong quá trình đi tàu vượt biển để cập cảng nước Anh.

Theo Đông Phương, RTI