Diễn biến giá vàng đầu tuần này có vẻ như đã tạo đỉnh 3,5 tháng đã đạt được trong tuần trước, và có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ khi đồng USD tăng trở lại so với đồng EUR.
Đồng USD đã trải qua giai đoạn suy yếu nhất kể từ lần sụt giảm năm 2003, đã giúp thúc đẩy các loại tài sản được niêm yết bằng đồng tiền này như giá vàng. Diễn biến suy yếu của đồng USD đã bắt đầu kể từ cuối 2017 và tiếp tục kéo dài trong những ngày đầu tháng 01/2018.
Đồng USD đã tăng 0,5% so với đồng Euro vào thứ Hai. Sau khi số liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào thứ Sáu, các nhà giao dịch lãi suất ngắn hạn ở Mỹ tiếp tục đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất lần 2 vào năm 2018, và sẽ có động thái rõ ràng trong tháng 3.
Giá vàng khá nhạy cảm với việc tăng lãi suất tại Mỹ, do điều này sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không có lãi suất như vàng. Mặt khác, tăng lãi suất cũng thúc đẩy đồng USD tăng giá sẽ tạo ra áp lực lên vàng.
Các chuyên gia được phỏng vấn trên trang CNBC thì đưa ra quan điểm không mấy tích cực về diễn biến giá vàng trong thời gian tới.
Afshin Nabavi, trưởng bộ phận kinh doanh tại MKS, cho biết: "Tôi nghĩ rằng sẽ có thêm một sự điều chỉnh nữa trước khi thử nghiệm ngưỡng 1.325 USD/ounce. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể dao động trong khoảng 1.305 đến 1.325 USD/ounce.”
Trong bản tin hàng tháng, ScotiaMocatta cho biết: "Mức độ và tốc độ tăng giá vàng có phần đáng ngạc nhiên vì có ít lý do chính đáng để tăng giá, thực sự có nhiều yếu tố tiêu cực tác động hơn là các yếu tố tích cực. Có lẽ đà tăng giá đến từ sức mạnh của các thị trường khác, bên cạnh sự quan tâm rõ ràng liên quan đến căng thẳng địa chính trị mà một số nhà đầu tư đang mua vàng như là một bảo hiểm trong trường hợp xấu.”
Thông tin về Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho thấy các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền đã nâng vị thế nắm giữ ròng trên sàn COMEX tính đến tuần kết thúc tại ngày 02/01.