Những gì mà người khởi nghiệp cần không chỉ là vốn liếng, cộng sự hay thị trường đầu ra, với các startups, khởi nghiệp còn là cuộc đua gian nan khi phải chấp nhận đối mặt với rất nhiều thủ tục hành chính và chính sách tương tự như những doanh nghiệp lâu năm.
Sinh viên khởi nghiệp: Mới chỉ là cuộc chơi dang dở
Phong trào sinh viên lập dự án khởi nghiệp đã không còn quá xa lạ với nhiều trường đại học tại TPHCM. Nhưng để tìm được một startup thành công từ lúc đặt móng xây nền với những viên gạch đầu tiên trên ghế giảng đường quả là không dễ. So bó đũa, chọn cột cờ, cuối cùng thì các cuộc thi khởi nghiệp tất nhiên vẫn chọn được dự án để trao giải.
Cuộc thi khởi nghiệp tại ĐH Kinh tế Luật thuộc ĐHQG TPHCM, một trong những cơ sở đào tạo tiên phong trong phong trào khởi nghiệp, đã bước sang năm thứ 6. Thế nhưng khi được hỏi về con số thống kê tỷ lệ doanh nghiệp thực sự được sinh ra từ phong trào này và vẫn còn vận hành tốt thì ngay cả nhà tổ chức cũng khó có câu trả lời chính xác.
Theo phỏng đoán chủ quan của sinh viên Phạm Hoàng Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Tiềm năng quản trị của Trường ĐH Kinh tế Luật, chỉ khoảng 5-7% các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại đây được biến thành dự án kinh doanh thực tế, còn lại vẫn chỉ là ý tưởng.
Nhưng sở dĩ các cuộc thi dành cho dự án khởi nghiệp vẫn thu hút đông đảo sinh viên tham gia bởi rất nhiều trong số đó đang muốn thử sức, xem ý tưởng của mình được được đánh giá thế nào và cũng không ít sinh viên chỉ dừng lại ở quan niệm “ghi điểm” cho hồ sơ cá nhân để thuận lợi hơn khi xin việc sau này.
Trong số các dự án thực sự có đam mê và lý tưởng thì lại khó tìm được người dẫn dắt vào nghề. Vì thế, các startups sinh viên lúng túng ngày từ khâu lập kế hoạch kinh doanh, gọi vốn, tìm cộng sự… Những nhà đầu tư mà nhà trường tiếp cận được từ các cuộc thi khởi nghiệp cũng chủ yếu nhận lời tham gia thẩm định tiềm năng dự án chứ chưa thực sự sẵn sàng rót vốn vào một dự án nào đó của sinh viên.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA), với những người khởi nghiệp trẻ khác, đa số đều gặp khó khăn khi lập ra phương án kinh doanh có sự nghiên cứu thị trường cẩn thận, hay khó khăn khi chọn lựa cho mình một nhóm nhân sự mạnh, có thể bổ sung cho nhau và đoàn kết.
Startups trẻ còn đặc biệt thiếu kinh nghiệm quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính. Những kiến thức kinh doanh học được ở nhà trường không đủ để điều hành tốt doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh ít vốn, nguồn nhân lực bị hạn chế. Việc quản trị tài chính, đặc biệt là dòng tiền - máu của doanh nghiệp - thường không được quan tâm đúng mức nên dễ dẫn đến phá sản vì lời trên sổ sách nhưng không có tiền mặt để trả các khoản nợ đến hạn.
Mặt khác, cũng có những startups trẻ ảo tưởng về sự thành công nhanh chóng khi đánh giá quá cao dự án của mình, đưa ra những điều kiện tài chính bất hợp lý khi gọi vốn đầu tư. “Một số ít người nghĩ rằng có thể lập ra công ty để bán và có thể làm giàu nhanh chứ hoàn toàn không có ý định đi đường dài với doanh nghiệp”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nhân
Startup Hàng Bá Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ GO-IXE, một nhà khởi nghiệp trẻ với ứng dụng gọi xe được kỳ vọng có thể cạnh tranh với UBER và GRAB thì cho rằng bên cạnh nhu cầu được hỗ trợ vốn, cái startup cần nhất là kết nối tới đối tác và người tiêu dùng.
Hiện dự án GO-IXE của doanh nghiệp này dù đã đạt giải nhì cuộc thi Startup Wheel 2016 của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TPHCM (2016) và đã được Sở Khoa học Công nghệ TPHCM hứa giúp đỡ kết nối đến các đối tác nhưng sau một tháng rưỡi thì mọi thứ cũng chỉ mới ở giai đoạn “xác nhận đã nhận được hồ sơ GO-IXE”.
Trong khi đó, khi gửi dự án để tham gia tìm kiếm đầu tư từ Facebook Start, GO-IXE ngay lập tức nhận được câu trả lời chỉ sau 13 ngày, với số hỗ trợ được quy thành dịch vụ quảng cáo tương đương 40 nghìn USD. Đi cùng với đó là cam kết sẽ rót thêm 80 nghìn USD nữa sau một năm vận hành nếu số lượng người dùng dịch vụ của GO-IXE tăng lên như lộ trình giao kèo.
Chàng trai trẻ với ứng dụng đầy tham vọng, mong muốn kết nối các nhà vận tải trong nước để cạnh tranh với đối tác ngoại cũng ngậm ngùi về ước mơ “có một cổng thông tin nào đó để gặp được đúng cộng sự tâm huyết”, thay vì toàn phải nhờ các công ty “săn đầu người”, vừa mất không ít chi phí mà cũng không thể cạnh tranh nổi mức lương với các doanh nghiệp đã vận hành lâu năm.
Còn startup Trần Minh Phụng, Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và tư vấn BAC, một doanh nghiệp trẻ với các chương trình giảng dạy trực tuyến thì chia sẻ về nhu cầu cần tìm đến cộng đồng các nhà xuất khẩu lao động để bán các chương trình đào tạo nghề, hoặc các hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai một số chương trình đào tạo. Tuy nhiên cái khó là ông chủ trẻ của startup ngành giáo dục này cũng không biết tìm đến “cổng thông tin” nào để có thể nắm được nhu cầu thị trường.
Chốt lại các kỳ vọng về doanh nghiệp khởi nghiệp, vị doanh nhân được không ít startups trẻ tại TPHCM xem là “người dẫn dắt” vào thương trường, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh tin rằng khởi nghiệp không chỉ là công việc của doanh nhân. Đội ngũ công chức, viên chức có liên quan cũng cần thấu hiểu, đồng cảm và có hỗ trợ thiết thực nhất cho lớp doanh nhân trẻ này. Hãy giúp đỡ những “kẻ khởi nghiệp khù khờ” bằng việc đơn giản hóa các thủ tục, các loại giấy phép. Hãy chỉ bảo tận tình doanh nhân khởi nghiệp bằng các khóa đào tạo về quy định, luật pháp trong kinh doanh thay vì “đòn roi” với những biên bản phạt hành chính, thậm chí là truy tố.
Sau đó mới là các chính sách về tài chính. Trong đó có cơ chế miễn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong 3 năm đầu tiên – giai đoạn mà doanh nghiệp thường chưa có hiệu quả bởi đang tập trung phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Với những dự án nhận được tài trợ từ các nguồn vốn có liên quan đến ngân sách thì nên cho phép một tỷ lệ rủi ro hợp lý. Mở rộng và tạo điều kiện pháp lý cho các quỹ đầu tư khi rót vốn vào công ty khởi nghiệp v.v…
Và cuối cùng, “chuyện một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chuyển sang thành lập công ty tại nước ngoài (Singapore, Indonesia, Mỹ ...) là một thực trạng cần được suy nghĩ và xem xét nghiêm túc về môi trường khởi nghiệp hiện nay”, vị doanh nhân này băn khoăn.
Theo Chinhphu.vn