Tại buổi họp báo cuối tuần qua (23/12), Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính nói: “Thời điểm bán vốn vừa rồi của Vinamilk rơi đúng vào lúc các nhà đầu tư nước ngoài tất toán để nghỉ Tết nên chỉ bán 9% nếu bán nhiều là vỡ trận ngay. Mức giá đưa ra 144.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý với giá trị doanh nghiệp, còn giá thị trường thấp hơn lên xuống như thời tiết, hơn nữa giá cổ phiếu VNM cũng dễ bị thao túng bởi các ông lớn”.
Ông Tiến cho biết, các đợt bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn tới đây phải được chuẩn bị trước, nhất là khâu quảng bá lộ trình bởi nếu thông tin không đúng có thể gây biến động giá và không hoàn thành kế hoạch.
Vị đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, “Đây là bài học cho các thương vụ thoái vốn lớn như Habeco, Sabeco để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, tại họp báo chiều 30/11, trả lời báo chí về việc thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC tin tưởng việc thoái vốn sắp tới sẽ thành công. Ông Chi cũng tiết lộ, tại buổi giới thiệu cổ phiếu VNM tại Singapore, Hongkong, London, đã có gần 100 nhà đầu tư tham gia, thảo luận với đại diện SCIC, VNM và có gần 20 nhà đầu tư quan tâm hỏi thêm thông tin. Tại một hội nghị sau đó ở Singapore, đã có khoảng 10 nhà đầu tư gặp trực tiếp VNM để nghiên cứu sâu hơn trước khi ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, kết quả thoái vốn nhà nước tại Vinamilk hôm 12/12 cho thấy, chỉ có 02 lệnh mua của 2 NĐT nước ngoài đăng ký trước đó (2 quỹ của Tỷ phú người Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi) với mỗi lệnh là 39.189.150 cổ phiếu ở mức giá 144.000 đồng/ cổ phiếu. Kết quả này chỉ đạt khoảng 60% số lượng cổ phiếu Vinamilk chào bán đợt này (9% vốn điều lệ).
Một chuyên gia kinh tế nhận định, có 3 vấn đề khiến “hoa hậu” Vinamilk bị ế trong đợt thoái vốn lần này, thứ nhất, việc mức giá khởi điểm 144.000đ/cổ phần cao hơn thị giá Vinamilk khi đó khoảng 7% nên không thu hút được giới đầu tư tài chính tham gia mạnh mẽ; thứ hai, thời điểm thoái vốn tại Vinamilk chưa được tính toán kỹ lưỡng, thời điểm cuối năm các quỹ nước ngoài thường có xu hướng rút vốn để cơ cấu danh mục đầu tư, việc 2 quỹ của Tỷ phú người Thái “nhiệt tình” mua Vinamilk bởi họ có những toan tính riêng, nên nhớ 1 trong 2 đơn vị này đang là cổ đông lớn của Vinamilk; thứ ba, quy định đặt cọc, cơ chế đấu giá, thủ tục ký quỹ… là rào cản không nhỏ với những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Vinamilk.
Chiều 12/12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi đấu giá cạnh tranh 9% VĐL của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM) mà đơn vị này đang nắm giữ. Trong đợt chào bán lần này, SCIC chào bán tổng số 130.630.500 cổ phần, mệnh giá là 10.000đồng/cổ phần với giá khởi điểm là 144.000đ/cổ phần.
Kết quả, có 02 lệnh mua của 2 NĐT nước ngoài đăng ký trước đó với mỗi lệnh là 39.189.150 cổ phiếu ở mức giá 144.000 đồng/ cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nói: “Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Đông Nam Á và Việt Nam có nhiều biến động, giao dịch cổ phiếu VNM của SCIC được xem là thành công khi mức giá đạt cao hơn giá tham chiếu tại thời điểm bán là 8.200 đồng/cổ phần (trên 6%).”
“Đối với số lượng cổ phiếu không bán hết sau lần chào bán này, SCIC tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và sẽ báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các kế hoạch tiếp theo” – Ông Chi cho biết về kế hoạch xử lý số lượng cổ phiếu không bán hết lần này.
Bên cạnh đó, vị đại diện SCIC nhấn mạnh việc các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải rút kinh nghiệm từ cuộc đấu giá lần này để tổ chức các buổi đấu giá cổ phần khác. Chẳng hạn như xem xét cần có thêm cách thức giao dịch khác, ngoài việc chào bán đấu giá cạnh tranh để thị trường phát toàn diện hơn vừa phù hợp thông lệ quốc tế.