Trên hành trình hướng tới Chủ nghĩa xã hội (Socialism), với nỗ lực hất ghế ông Trump, các ứng cử viên của đảng Dân chủ ngay từ những ngày đầu đã chú tâm tới câu hỏi chương trình hành động của mình sẽ được chi trả ra sao. Càng tới gần thời điểm bầu cử mùa Thu 2020, câu hỏi ai là người chi tiền sẽ càng trở nên quan trọng.
Trong bài trước, chúng ta đã chỉ ra rằng việc thực hiện hầu hết nội dung của chương trình Xã hội chủ nghĩa sẽ tiêu tốn nhiều ngàn tỉ USD [mỗi năm], vượt xa sức sản xuất của cải vật chất của nền kinh tế.
Dưới đây tôi sẽ phác thảo một bối cảnh tài chính mà trong đó các chính sách Xã hội chủ nghĩa sẽ được chi trả, tôi cũng sẽ phân tích xem nền kinh tế cần chuyển đổi ra sao để đạt được những mục tiêu Xã hội chủ nghĩa như các ứng cử viên đang hứa hẹn. Phần Kết luận, tôi sẽ nêu lên những dự báo mà tôi tin sẽ là hiện thực tương lai của những chương trình hành động này.
Chi trả quá lớn và khó khăn nguồn thu
Chủ đề cho năm 2020, cũng giống như ở Sanders và Clinton năm 2016, là 1% những người Mỹ giàu nhất kiểm soát hầu hết nền kinh tế, nhưng chưa nộp thuế ở mức đủ công bằng.
Công bằng xã hội và công cuộc tạo dựng một nhà nước phúc lợi đòi hỏi những người Mỹ giàu có nhất phải phân chia lại một phần lớn của cải của họ cho những người kém may mắn hơn. Một phần Logic của câu chuyện này là người giàu nhất thụ đắc tiền bạc thông qua những phương thức phi pháp hoặc suy đồi (illegitimate or corrupt), nhờ bóc lột công nhân (exploiting workers), hoặc nhờ thừa kế những thứ không do chính họ làm ra (inheritance that they did not earn).
Mọi ứng cử viên đều muốn tăng thuế người giàu bằng cách áp đặt thuế bổ sung (đánh vào phần thu nhập vượt ngưỡng nào đó) đối với những người kiếm nhiều tiền nhất. Khoảng 16 ngàn người Mỹ kiếm 10 triệu USD hoặc hơn mỗi năm/người. Năm 2016, những người Mỹ giàu nhất đã nộp 121 tỉ tiền thuế trên tổng số thu nhập chịu thuế 405 tỉ USD. Đánh thuế người giàu tới 60% hoặc 70% thay vì mức 36% mà họ vẫn nộp bấy lâu sẽ chỉ thu được thêm khoảng 120 tỉ USD/năm.
Mặc dầu nhóm người Mỹ giàu nhất có thể đóng thêm thuế, đánh thuế họ cao hơn cũng chỉ tạo ra thêm được một phần nhỏ trong tổng chi phí cho đại chương trình Xã hội chủ nghĩa.
Thế còn đánh thuế các công ty? Ông Trump đã giảm thuế doanh nghiệp từ 35% về 21%. Mỹ là nước thuế cao: cao thứ ba trong nhóm các nước phát triển. Vấn đề phe Dân chủ sẽ vấp phải là các công ty sẽ san tiền thuế phải đóng lên người tiêu dùng vậy nên nhân dân sẽ phải chi thêm tiền, còn các công ty sẽ vẫn được giảm trừ thuế hào phóng như lâu nay, đến mức số thuế các công ty thực đóng thường xuống gần mức zero USD.
Động lực chính của nền kinh tế Mỹ là nguồn vốn tư bản (capital). Đầu tư bằng nhiều loại hình – cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản – đều được miễn thuế hoặc chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn nhiều mức đánh vào lương hoặc thu nhập cá nhân, chỉ từ 0% đến 20%. Chương trình Xã hội chủ nghĩa chủ trương đánh thuế nặng vào vốn, lên ngang mức thuế thu nhập cá nhân thông thường, tức khoảng 36%. Các ứng cử viên trù tính rằng người lao động không nắm cổ phần công ty mà chỉ người giàu mới nắm giữ, vậy thì người ít tài sản, xưa nay bao giờ cũng đông, ắt sẽ ủng hộ thuế đánh vào vốn !
Vấn đề cho phe Dân chủ là đánh thuế vốn sẽ gây trở ngại cho dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Mỹ, khuyến khích vốn đầu tư chảy khỏi nước Mỹ, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ đói vốn cần thiết cho tăng trưởng và phát triển. Một khía cạnh cũng chưa được nhìn nhận thấu đáo là quỹ lương hưu của người lao động cũng đang được các quỹ tương hỗ đem đầu tư mua cổ phần các công ty. Có nghĩa, tăng thuế đánh vào công ty sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty, đồng nghĩa làm giảm lương hưu.
Bên cạnh đánh thuế thu nhập, Chương trình (the agenda) yêu cầu đánh thuế “của cải” (taxing “wealth”), tức chính phủ sẽ đánh thuế vào sở hữu cá nhân, như nhà, xe, du thuyền, tàu bay, đồ vật xa xỉ. Mức thuế dự kiến: chính phủ đánh thuế thu nhập 36% cho 10 triệu USD đầu tiên; sau đó đánh thêm 70% vào phần tiền kiếm được vượt quá mốc 10 triệu USD. Nếu người chịu thuế có mua căn nhà, chính phủ đánh thuế doanh thu (sales tax) 10%, và có thể thêm một thứ thuế xa xỉ (a luxury tax) khác. Sau đó, chính phủ sẽ đánh thêm thuế của cải (wealth tax) hàng năm, bên cạnh thuế bất động sản (property taxes). Thuế của cải sẽ làm giảm lượng tiền tùy dụng và do vậy làm giảm sức chi tiêu của nhân dân. Nhóm 400 người giàu nhất Mỹ hiện đang có tài sản ròng khoảng 1700 tỉ USD.
Phe Dân chủ vẫn chưa giải thích sẽ làm gì nếu thuế của cải khiến nhiều công ty đóng cửa và tạo ra mất việc hàng loạt.
Còn Thuế thừa kế ở Mỹ thì lâu nay vốn rất phức tạp. Nhiều nông trại và công ty gia đình được trao lại cho người thân khi người chủ qua đời. Một doanh nghiệp nhỏ có thể trị giá nhiều tiền. Để giúp những người nhận thừa kế không bị mất công ty do gánh nặng thuế khóa, lâu nay thuế thừa kế được quy định khá thấp. Song giờ đây Chương trình dự kiến sẽ tăng mạnh sắc thuế này. Một nửa công ăn việc làm ở Mỹ do những công ty nhỏ tạo ra: thuế thừa kế sẽ tàn phá cộng đồng doanh nghiệp nhỏ.
Người lao động và người trung lưu sẽ phải trả nhiều thuế thu nhập hơn trong hình dung của chương trình Xã hội chủ nghĩa. Ông Sanders tin rằng họ sẽ “hoan hỷ” nộp nhiều hơn một khi họ nhìn thấy tất cả những “thứ miễn phí” mà chính phủ sẽ cung cấp. Song hiện nay, có tới 44% người Mỹ không đóng thuế thu nhập. Trong khi 10% những người có thu nhập lại đóng tới 90% thứ thuế này. Tổng thuế liên bang đánh vào thu nhập là 1700 tỉ USD mỗi năm. Thuế đánh vào lương (payroll taxes) toàn liên bang là 1200 tỉ USD. Còn thuế đánh vào các công ty là 237 tỉ USD mỗi năm.
Một phần tạo quỹ cho chương trình Xã hội chủ nghĩa được dự kiến sẽ lấy từ nguồn cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng và tái phân bổ các chương trình xã hội. Nhưng ngân sách quốc phòng chỉ có 600-700 tỉ USD/năm. Chuyển chi tiêu cho quốc phòng sang cho phúc lợi xã hội sẽ tàn phá công ăn việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Nên nhớ, 60% của tổng chi ngân sách liên bang tức khoảng 2800 tỉ USD đã bị khóa cứng cho chỉ 2 chương trình: Medicare và Social Security (Chăm sóc y tế và An sinh xã hội). Trong hệ thống chính trị Mỹ, không có chính trị gia nào dám nghĩ tới việc đụng chạm vào hai chương trình này: Social Security là "đường ray thứ ba của hệ thống chính trị", bất cứ ai chạm vào nó sẽ bị điện giật lập tức !
Phe Dân chủ đến thời điểm này vẫn chưa phân giải chi tiết Chương trình Xã hội chủ nghĩa sẽ được chi trả ra sao. Chủ yếu họ mới tập trung trả lời câu hỏi tiền sẽ lấy từ nguồn nào, trong khi các nhóm cố vấn thì chỉ làm mỗi việc là ước lượng chi phí.
Mỹ cần học Úc phương cách thống kê, kiểm soát nội dung tranh cử
Hệ thống chính trị Mỹ trước giờ chưa có được một tổ chức độc lập, phi đảng phái, chỉ gồm các chuyên gia có nhiệm vụ ước lượng chi phí của những đề xuất chính sách khác nhau do những chiến dịch tranh cử đưa ra. Thế nên, các chính trị gia có thể 'nặn ra' bất kỳ con số nào họ muốn. Australia có một hệ thống quy định về báo cáo giải trình mà Mỹ cần học tập, và làm theo: các đảng phái phải đệ trình dự kiến chính sách của mình để cơ quan chức năng ước tính chi phí thực thi. Ở Mỹ, những chính sách đề xuất thường không được ước lượng phí với độ chính xác cao và hầu hết những việc đánh giá ước lượng đều vụ lợi hoặc thiên vị nặng nề. Thực tế, hầu hết chính sách đề xuất đều không được nguồn tin cậy nào ước tính chi phí một cách nghiêm túc, vậy nên cử tri Mỹ cứ như thể bị bỏ rơi trong đêm tối, không có cách nào để nhìn ra mình đang được thuyết phục bỏ phiếu cho cái gì.
Còn chương trình Xã hội chủ nghĩa hiện nay, nó tỏ ra đắt đỏ quá sức chịu đựng, nhất là khi những chính sách năng lượng và môi trường được thực hiện.
Nên nhớ, nước Mỹ đang gánh khối nợ công 22,5 ngàn tỉ USD. Đồng thời, GDP của nền kinh tế là 21,3 ngàn tỉ USD. Lãi vay trên tổng nợ quốc gia là 300 tỉ USD mỗi năm. Thâm hụt ngân sách liên bang mỗi năm là 1 ngàn tỉ USD. Tổng ngân sách liên bang hàng năm là 4 ngàn tỉ. Vắt thêm tiền từ hệ thống này dường như là bất khả.
Kiểm soát nền kinh tế
Các ứng cử viên tranh cử tổng thống đến nay đều tránh không nhắc đến chuyện chuyển đổi nền kinh tế từ tư bản chủ nghĩa (capitalist) sang kế hoạch hóa tập trung (cetrally planned) thực ra là cách “vắt (wring)” từ hệ thống ra nhiều tiền hơn để tạo quỹ cho một nhà nước phúc lợi.
Hầu hết đều gợi ý rằng họ sẽ lựa chọn mô hình kinh tế của những quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển. Thụy Điển đánh thuế rất cao, miễn phí nhiều thứ, nhưng vẫn đang là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, vẫn có những ứng cử viên, đặc biệt là Sanders và Warren, đang cố gắng từng bước xã hội hóa (incrementally socialize) nền kinh tế trong khi vẫn tỏ ra (pretending) là cứ để nó tự vận động như một hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Các ứng cử viên dự kiến sẽ thiết lập quy định ở mọi phương diện của nền kinh tế để hiện thực hóa thành công chương trình Xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Green New Deal đang là định dạng mẫu cho việc chuyển đổi nền kinh tế. Dưới thời Obama, chi phí tuân thủ quy định hàng năm lên tới 100 tỉ USD.
Giới ngân hàng Mỹ thì bị coi là quá nhiều quyền lực và suy đồi, vì vậy sẽ bị chia nhỏ, giảm quy mô hoặc bị cấm thực hiện một số hình thức đầu tư nào đó. Ngoài việc bị Ngân hàng trung ương quy định chặt chẽ hơn, các ngân hàng sẽ bị giám sát chặt bởi nhiều cơ quan liên bang khác, như Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng.
Một số ứng cử viên thì lại đề nghị ngành Bưu điện Mỹ cần được phép vận hành những ngân hàng riêng của nó để thay thế cho hệ thống ngân hàng tư nhân. Ngặt nỗi, USPS (ngành bưu điện Mỹ) hiện đang chịu lỗ tới 3,9 tỉ USD mỗi năm do quản trị yếu kém.
Các công ty, nhất là những công ty lớn và đa quốc gia, sẽ bị chia thành nhiều công ty nhỏ hoặc bị cấm hoạt động hàng loạt. Tiến trình này đã khởi động: Amazon, Google, Facebook và những công ty khác hiện đang là đích ngắm. Thuế sẽ tăng rất cao. Hội đồng quản trị các công ty sẽ buộc phải có thành viên là dân biểu địa phương để đảm bảo công ty sẽ tôn trọng lợi ích cộng đồng.
Các doanh nghiệp nhìn chung sẽ tiến tới chỗ là sở hữu tập thể, người lao động sẽ là đồng sở hữu chủ, cùng quản lý, và cùng kiểm soát. Lợi nhuận sẽ được chia sẻ rộng rãi với công nhân.
Một số ngành công nghiệp, như sản xuất thép và nhôm sẽ do những doanh nghiệp nhà nước đảm trách.
Công đoàn, vốn đang suy thoái trầm trọng ở Mỹ, sẽ mạnh trở lại và mở rộng, sẽ trở thành công cụ để tái phân phối của cải và kiểm soát việc sản xuất kinh tế.
Chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang kinh tế xanh sẽ kéo theo sự chuyển đổi sâu rộng của các ngành truyền thống, kinh tế xanh và kinh tế tri thức sẽ thế chỗ than, dầu khí, khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân.
Triển vọng cho 2020
Tôi chưa từng biết một ai lập ra được một bảng phân tích được-mất chi tiết cho những con số nêu trên. Cho nên lúc này, tất cả mới chỉ là tư biện.
Mặc dầu các ứng cử viên tổng thống 2020 hết sức nhiệt tình, hứa hẹn rất nhiều và nỗ lực ở mức cao nhất, Đại kế hoạch Xã hội chủ nghĩa vẫn nhiều khả năng sẽ không hiện thực hóa được. Chi phí quá lớn, những biến số bất định, những kết cục không định trước, cùng với phe đối lập sẽ ngăn chặn nó.
Cái có thể thành hiện thực là sự khởi động lại việc thiết lập quy định cho các mặt của xã hội và của nền kinh tế, vốn đã bắt đầu dưới thời Obama song bị ông Donald Trump dỡ bỏ gần đây.
Ở Mỹ, các cơ quan liên bang có quyền lực gần như là không giới hạn trong việc đặt ra những quy định nhằm thực hiện những mục tiêu chính sách.
Một tổng thống Xã hội chủ nghĩa (A Socialist president) do vậy có thể tạo ra những thay đổi chính sách rất lớn mà chỉ cần dùng mệnh lệnh hành chính (through executive action): ông Obama cam kết nước Mỹ tham gia Hiệp ước khí hậu Paris, Hiệp ước vũ khí hạt nhân với Iran, và ân xá cho gần 1 triệu trẻ em bất hợp pháp ở Mỹ đơn giản chỉ bằng cách ký những sắc lệnh. Và ông Trump cũng dỡ bỏ di sản của ông Obama đơn giản bằng ký những sắc lệnh, kèm vài lời giải thích rằng cách làm của người tiền nhiệm là không bền vững, đơn giản vậy thôi !
Các ứng cử viên còn có thể ngụy trang những thứ họ đang làm đơn giản bằng cách khéo léo dán nhãn cho chính sách của mình. Chương trình chăm sóc y tế Medicare, như đã chỉ ra, là bảo hiểm sức khỏe từ nguồn kinh phí do đóng góp của chính người lao động cộng với một phần bao cấp của liên bang. Ông Sanders giờ đây đặt tên cho kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mình là Medicare for All (thêm hai chữ ‘for All’ -- ND) mặc dầu kế hoạch của ông chẳng có mấy thứ giống với Medicare. Vì sao? Vì cử tri thích Medicare, nên họ có xu hướng nghĩ rằng chương trình của ông Sanders đơn giản chính là chương trình Medicare có mở rộng thêm những người được tiếp cận.
Cuối cùng, do những thế kẹt và do tình trạng bế tắc cố hữu (gridlock) của hệ thống Mỹ, khả năng cao nhất khi nước Mỹ có một vị tổng thống Xã hội chủ nghĩa là thực tế sẽ thay đổi không nhiều. Hoặc vị tổng thống mới cũng sẽ mang những lời hứa khi tranh cử ra thực thi nhưng cũng chỉ thực thi được ở một tầm mức khiêm tốn, không đủ làm thỏa mãn bất cứ ai.
Tóm lại, khả năng cao vẫn sẽ là “Bình mới rượu cũ”(Old wine in new bottles) !
Hẹn gặp lại bạn đọc VietTimes ở tuyến bài mới Thế kẹt (Gridlock) của hệ thống Mỹ và một lối ra khả thi !
Hải Văn (chuyển ngữ)