LTS: Mới đi qua hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hơn 100 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị cách hết chức vụ, thậm chí vào tù vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tính riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Nhìn lại các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn, VietTimes đã nghiên cứu thủ đoạn, hành vi của từng quan tham trong các vụ án.
Loạt bài này sẽ nhận diện các quan tham ở Việt Nam gần đây, từ đó cùng các chuyên gia lý giải và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tận gốc nạn tham nhũng.
Bài 1: Quan tham liên minh doanh nghiệp thổi giá, “rút ruột” ngân sách
Bài 2: Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu
Dùng ngân hàng rút tiền dân vô tội vạ
Theo Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng, một cổ đông là tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ. Quy định này nhằm chống việc lũng đoạn ngân hàng của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, với âm mưu thao túng ngân hàng nhằm bòn rút tiền gửi của dân, bà Trương Mỹ Lan đã lập nên hệ sinh thái hàng trăm công ty trực thuộc, có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Hồ sơ vụ án thể hiện, với việc sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, bà Lan thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB và tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB. Đến thời điểm kết thúc điều tra vụ án, hệ thống doanh nghiệp của bà Lan đã phát sinh 1.284 khoản vay của SCB, để rút ruột ngân hàng, bản chất là tiền gửi của dân. Điều này lý giải, trong thời gian dài SCB luôn đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao hơn các ngân hàng khác từ 1-2%, nhằm hút tiền gửi của dân.
Tới khi SCB rơi vào thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém, có nhiều sai phạm, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Lan đã dùng tiền để mua chuộc, tác động cán bộ thuộc đoàn thanh tra ngân hàng SCB làm trái công vụ, trong đó có người ra quyết định thanh tra là ông Nguyễn Văn Hưng (Phó chánh thanh tra phụ trách cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng) và Trưởng đoàn Thanh tra Đỗ Thị Nhàn.
Theo dõi quá trình xử lý vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Trương Việt Toàn (nguyên Phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội) cho rằng, bên cạnh vai trò cầm đầu, thao túng tinh vi của bà Trương Mỹ Lan thì hành vi bao che bưng bít sai phạm, báo cáo không trung thực về thực trạng SCB của cán bộ đoàn thanh tra liên ngành khi thanh tra ngân hàng SCB … đã dẫn tới hậu quả vụ án đặc biệt lớn. Tổng số tiền bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB lên tới 677.000 tỷ đồng.
“Hồ sơ vụ án cho thấy, việc thanh tra SCB đã được thực hiện từ 2017, 2018, khi đó, đoàn thanh tra đã phát hiện SCB có những sai phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì nhận lợi ích vật chất, đoàn thanh tra do bà Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn đã có hành vi bao che sai phạm theo kiến nghị, đề xuất của SCB, báo cáo không trung thực, không đầy đủ về kết quả thanh tra lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Việc đoàn thanh tra ra kết luận không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, tiếp tục được tái cơ cấu, không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định, ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế đã dẫn tới việc cơ quan có thẩm quyền không có chỉ đạo xử lý sai phạm tại SCB, ngăn chặn kịp thời việc Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật, gây thiệt hại cực lớn”, ông Trương Việt Toàn nói.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới sai phạm của cán bộ quan chức trong đoàn thanh tra SCB, ông Trương Việt Toàn cho rằng là vì lòng tham, không chịu được sự cám dỗ của đồng tiền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hồ sơ vụ án đã thể hiện, bên cạnh việc trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận và nhờ bà Đỗ Thị Nhàn giúp đỡ, bà Lan còn chỉ đạo “cánh tay thân tín” tại SCB là Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa 5,2 triệu USD cho Trưởng đoàn Thanh tra Đỗ Thị Nhàn.
Ngoài bà Nhàn, trong quá trình thanh tra, nhiều cán bộ, quan chức đã nhận tiền, quà biếu của Ngân hàng SCB để thực hiện hành vi sai phạm. Có thể kể tới ông Nguyễn Văn Hưng (Phó chánh thanh tra, người ra quyết định thanh tra SCB) nhận 390.000 USD; bà Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng đoàn thanh tra) nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách, 1 chiếc khăn; các cán bộ tổ tổng hợp đoàn thanh tra Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn (tổ trưởng tổ thanh tra) nhận 20.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà (cựu Phó chánh thanh tra kiểm toán Nhà nước, tổ trưởng tổ thanh tra) nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó trưởng Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên tổ thanh tra) nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng…
Với tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD bà Đỗ Thị Nhàn bị tòa tuyên án chung thân. Ông Trương Việt Toàn đánh giá, đây là hình phạt nghiêm minh đối với hành vi sai phạm gây hậu quả đặc biệt lớn.
Đối với bà Trương Mỹ Lan, bên cạnh hình phạt tử hình vì sai phạm trong vụ án xảy ra tại SCB và Vạn Thịnh Phát, nữ chủ tịch này còn bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành trái phiếu tại Vạn Thịnh Phát. Trong vụ án này, bước đầu cơ quan chức năng xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu để lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
“Nếu đoàn thanh tra thực hiện việc thanh tra, giám sát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, cán bộ đoàn thanh tra không vụ lợi, không bao che, bưng bít vi phạm của SCB thì sai phạm tại ngân hàng SCB sẽ sớm được xử lý, không để lại hậu quả lớn và nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu có thể không chịu thiệt hại”, ông Trương Việt Toàn nhận định.
Doanh nghiệp cùng quan tham “hút máu” dân
Nếu như trong vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB và hàng chục nghìn nhà đầu tư mất tiền thì trong vụ chuyến bay giải cứu, rất nhiều người Việt Nam xa xứ không chỉ phải chi nhiều tiền mà còn gặp nhiều khó khăn trong lúc tìm đường hồi hương tránh dịch Covid-19.
Thời điểm đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và diễn biến phức tạp (2020-2022), rất nhiều công dân Việt Nam đang công tác, học tập, lao động bị mắc kẹt ở nước sở tại. Nhiều người trong số đó lâm vào tình cảnh khó khăn khi không có việc làm, bơ vơ ở xứ người nên mong mỏi được hồi hương.
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", khi đó Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành (gồm đại diện các bộ ngành ngoại giao, công an, quốc phòng, y tế, giao thông vận tải) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương.
Trước nhu cầu của công dân về nước rất lớn, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay “combo” (trả phí toàn bộ) song song với các chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay, cách ly.
Để thực hiện được chuyến bay combo, doanh nghiệp cần phải thực hiện quy trình cấp phép. Cụ thể, doanh nghiệp xin chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ tới Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Sau đó, Cục lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các bộ ngành, và trình Chính phủ phê duyệt trước khi thông báo cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện chuyến bay.
Trong lúc dịch hoành hành trên toàn cầu, người dân xa xứ đang gặp khó khăn, chủ trương của Chính phủ được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là đúng đắn, nhân văn thì nhiều cán bộ, quan chức đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm, tạo cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền mới được cấp phép chuyến bay.
Trong khi phía doanh nghiệp, để được tạo điều kiện, ưu ái cấp phép tổ chức nhiều chuyến bay, đại diện doanh nghiệp đã chi tiền “bôi trơn” cho cán bộ, quan chức.
Đáng chú ý nhất, trong số các quan chức nhận tiền hối lộ, ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) là người nhận hối lộ nhiều nhất.
Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua ông Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.
Tuy nhiên, lợi dụng vị trí của mình, ông Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đến 2 triệu đồng một khách. Với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.
Chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2021, thư ký Kiên đã có tới 253 lần nhận tiền của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và khách lẻ, với tổng số tiền lên tới hơn 42 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan tới chuyến bay giải cứu. Thậm chí tại tòa, chủ một doanh nghiệp khai khi tới gặp Kiên tại phòng làm việc ở Bộ Y tế bị vị quan chức này quát tháo, nếu không đưa tiền thì không được phê duyệt chuyến bay.
Ngoài Kiên, nhiều quan chức ở nhiều bộ ngành, địa phương cũng “nhúng chàm” vì nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Trong đó, có thể kể tới Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 37 lần với số tiền 21,5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với số tiền 25 tỷ đồng; ông Nguyễn Quang Linh (khi đó là trợ lý Phó Thủ tướng) nhận hối lộ 5 lần với số tiền 4,2 tỷ đồng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận hối lộ 7 lần với số tiền 2 tỷ đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ 9 lần với số tiền 5 tỷ đồng; cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khi đó là Vũ Hồng Nam nhận hối lộ 2 lần với số tiền 1,8 tỷ đồng…
Hồ sơ vụ án cho thấy, hơn 20 cựu cán bộ, quan chức đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ hơn 500 lần với số tiền lên tới hơn 165 tỷ đồng.
Số tiền 23 đại diện doanh nghiệp mang đi hối lộ được xác định lên tới hơn 226 tỷ đồng. Thực tế, nếu các doanh nghiệp không bị cán bộ, quan chức nhũng nhiễu, o ép chi tiền “bôi trơn” thì có thể công dân Việt Nam đang học tập, mưu sinh nơi đất khách quê người không gặp quá nhiều khó khăn khi làm thủ tục hồi hương và số tiền họ phải bỏ ra để được lên máy bay về nước có thể không quá lớn.
Trao đổi với VietTimes, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng, vụ chuyến bay giải cứu là hệ quả của cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm tiêu cực.
“Trong một vòng khép kín, nhóm lợi ích gồm có rất nhiều người cùng tham gia, cùng chia chác số tiền bất chính. Nhóm lợi ích này bất chấp quy định của luật pháp, lách luật, bất chấp quy định, luân thường đạo lý để mang lại lợi ích cho bản thân” - nguyên Phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội nói.
Theo ông Toàn, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ Trung ương đến các địa phương đã khiến nhiều quan tham bị đưa ra truy tố, xét xử với những bản án nghiêm minh. Đó sẽ là tấm gương cho những cán bộ quan chức đang có ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạ để trục lợi.
“Quyền lực càng lớn thì dễ phát sinh ra tham nhũng nên phải có cơ chế rất chặt chẽ trong bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt cán bộ ở chức vụ cao, phải tìm được người có đức, có tài, có tâm, có tầm.
Song song đó đưa ra cơ chế mình phải nói đến quyền lợi đáp ứng cho họ tốt. Ví dụ như cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, khi đó cán bộ sẽ khó hoặc không thể lợi dụng vị trí của mình để tham nhũng” - ông Trương Việt Toàn nói.
Không chỉ với liên minh, móc ngoặc, o ép doanh nghiệp để trục lợi, không ít quan chức còn lợi dụng vị trí công tác, mối quan hệ của mình để thực hiện hành vi lừa đảo chạy án để chiếm đoạt tài sản.
Trong bài viết thứ tư thuộc tuyến bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam và giải pháp phòng ngừa", VietTimes trân trọng mời quý độc giả đón đọc bài: "Hứa hẹn “chạy án” bất thành, quan chức “ngã ngựa""