Cả Trung Quốc và Canada đều cảnh báo công dân nước mình khi tới nước kia. Sự việc này diễn ra sau khi tòa án Trung Quốc kết án tử hình một công dân Canada vì tội buôn ma túy trong phiên xử phúc thẩm. Trước đó, người này kháng cáo vì bị tuyên phạt 15 năm tù trong phiên xử sơ thẩm.
Sáng ngày 14.1, công dân Canada 36 tuổi Robert Schellenberg, người đang thụ án trong nhà tù Trung Quốc đã được đưa ra xử phúc thẩm tại Tòa án thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Kết quả, Robert Schellenberg chẳng những không được giảm án mà còn bị nâng lên thành mức án tử hình và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Văn bản tuyên án của tòa viết: “Bị cáo Robert Schellenberg đã tham gia hoạt động buôn ma túy quốc tế có tổ chức, cùng với người khác vận chuyển lậu 222kg ma túy đá, hành vi này đã cấu thành tội buôn lậu ma túy. Sự thực phạm tội rõ ràng, chứng cứ xác đáng, đầy đủ, tội danh cáo buộc được thành lập và đã thực hiện phạm tội”. Trước đó, vào ngày 20.11.2018, Tòa án trung cấp thành phố Đại Liên đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án Robert Schellenberg vận chuyển lậu 222kg ma túy đá từ Đại Liên tới Australia và ra phán quyết với mức án 15 năm tù giam, tịch thu tài sản cá nhân 150 ngàn NDT và trục xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng bị cáo đã không chấp nhận và gửi đơn kháng án.
Có ý kiến cho rằng bị cáo Robert Schellenberg là nạn nhân đòn trả đũa của Trung Quốc sau vụ bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ.
|
Ngày 29.12.2018, Tòa án cao cấp tỉnh Liêu Ninh đã mở phiên tòa thẩm định vụ án. Viện Kiểm sát tỉnh Liêu Ninh cho rằng phiên tòa sơ thẩm nhận định bị cáo phạm tội chưa thực hiện được và xử nhẹ là không phù hợp. Qua xem xét, Tòa án tỉnh Liêu Ninh quyết định chuyển trả vụ án về Tòa án thành phố Đại Liên để xét xử lại. Viện Kiểm sát thành phố Đại Liên đã bổ sung thêm chứng cứ phạm tội của Robert Schellenberg và Tòa án Đại Liên đã ra phán quyết với mức phạt cao nhất khung hình phạt đối với tội phạm ma túy.
Tòa án Đại Liên cho rằng, phán quyết này được đưa ra căn cứ theo quy định của pháp luật Trung Quốc, chỉ cần sản xuất hay vận chuyển vượt quá 1kg heroin hoặc methylaniline sẽ bị phạt tù giam từ 15 năm trở lên. Nếu tình tiết nghiêm trọng tội phạm có thể bị nhận án tù chung thân, thậm chí tử hình. Trước đây đã có tiền lệ, năm 2009, công dân Anh gốc Pakistan Briton Akmal Shaikh bị bắt tại Tân Cương vì buôn lậu 4kg heroin, đã bị kết án tử hình.
Truyền thông Canada cho biết, Robert Schellenberg đã có tiền án về tội ma túy. Năm 2012, ông ta đã bị Tòa án bang British Columbia đưa ra xét xử về 4 tội danh tàng trữ cocain, mua bán heroin, tàng trữ số lượng nhỏ ma túy đá và vỏ cây cần sa. Khi đó, ông ta đã nhận tội và bị kết án 2 năm tù, cuối cùng được thả sau khi phải ngồi tù 16 tháng 12 ngày.
Ngày 14.1, Đài phát thanh Canada (CBC) đưa tin, cùng ngày Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nói với báo chí: “Vụ việc này khiến chính phủ Canada cực kỳ bất an, bạn bè và các nước đồng minh cũng cảm thấy bất an, Trung Quốc đã tùy ý thực thi án tử hình”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công khai bày tỏ quan ngại nghiêm trọng, chỉ trích phán quyết tử hình ông Robert Schellenberg của phía Trung Quốc là võ đoán.
|
Trang tin Đa Chiều cho biết, ông Trudeau đã công khai bày tỏ quan ngại nghiêm trọng, chỉ trích phán quyết tử hình của phía Trung Quốc là võ đoán. BBC nhận xét, đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của ông Trudeau kể từ khi Trung Quốc liên tiếp bắt giữ các công dân Canada.
Đồng thời, chính phủ Liên bang Canada cũng đã xem xét đưa ra lời cảnh báo tới các du khách Canada đang có ý định tới Trung Quốc và nâng cao mức độ nguy hiểm an toàn du lịch tới Trung Quốc. Lý do được đưa ra là, Trung Quốc “tồn tại nguy cơ thực thi pháp luật địa phương một cách tùy tiện”, những người tới Trung Quốc phải “thận trọng cao độ”.
Đồng thời, tối 14.1, Bộ Sự vụ toàn cầu Canada (Global Affairs Canada) đã ra thông cáo: “Chúng tôi tiếp tục đề nghị tất cả những người Canada tới Trung Quốc đều phải thận trọng cao độ, mức độ nguy cơ hiện không thay đổi... Tất cả những người Canada định tới Trung Quốc du lịch đều cần xem xét kỹ tư vấn du lịch hoàn chỉnh của chính phủ. Do nguy cơ Trung Quốc tùy tiện thực thi pháp luật địa phương, chúng tôi khuyến cáo người Canada ở Trung Quốc hãy thận trọng cao độ trong hành xử”.
Ngày 15.1, đáp lại cảnh báo của phía Canada, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói tại cuộc họp báo với giọng điệu chế giễu: “Quả thật chính phủ Canada cần cảnh tỉnh: chớ có tới Trung Quốc để phạm tội buôn ma túy. Nếu làm như thế nhất định sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, trước ý kiến của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Trung Quốc “tùy ý” ra phán quyết tử hình, bà Oánh bày tỏ, nói như thế là sai, “trước khi nói câu này [ông Justin Trudeau] không biết đã đọc những thông tin mà Tòa án Đại Liên đưa ra về vụ án này không? Không biết có chịu khó học pháp luật liên quan của Trung Quốc hay không?”.
Bà Oánh nói: “Thông tin mà Tòa án Đại Liên đưa ra rất cụ thể và chi tiết, bị cáo Robert Schellenberg tham gia hoạt động buôn lậu ma túy quốc tế có tổ chức, đồng lõa với người khác vận chuyển lậu 222,035kg ma túy đá, hành vi đã cấu thành tội buôn lậu ma túy. Sự thực phạm tội rõ ràng, chứng cứ xác đáng, đầy đủ. Tội buôn lậu ma túy là trọng tội cả thế giới công nhận, gây nguy hại cực lớn cho xã hội, các nước đều trừng phạt nghiêm khắc. Trung Quốc cũng nghiêm trị không nương tay tội phạm ma túy. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, đó chính là tinh thần pháp trị chân chính. Phát ngôn của người liên quan ở Canada thiếu tinh thần pháp trị tối thiểu, chúng tôi cực kỳ bất bình về điều này. Chúng tôi yêu cầu phía Canada tôn trọng pháp trị, tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc, sửa chữa sai lầm, ngừng ngay việc phát biểu những lời lẽ vô trách nhiệm”.
Quan hệ Trung Quốc - Canada đang xấu đi một cách nghiêm trọng.
|
Cùng ngày Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada đã nhắc nhở công dân Trung Quốc căn cứ tình hình bản thân, đánh giá đầy đủ những rủi ro khi tới Canada du lịch, thận trọng khi tới Canada vào thời gian này. Nếu gặp tình huống khẩn cấp, cần kịp thời liên hệ với đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada theo các số điện thoại... để được giúp đỡ.
Do vụ án Robert Schellenberg được xét xử vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Trung Quốc - Canada, sau vụ cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và Trung Quốc bắt giữ một số công dân Canada, nên giới quan sát quốc tế cho rằng đây cũng là hành động trả đũa nữa của Trung Quốc.
Luật sư Trần Văn, chuyên gia nổi tiếng về luật quốc tế, người sáng lập Văn phòng luật Kim Nhuận, bang Texas khi trả lời trang tin Đa Chiều đã cho rằng: việc xử nặng tội phạm ma túy Robert Schellenberg có thể được hiểu là một phương thức dùng thủ đoạn pháp luật để giải quyết sự kiện Mạnh Vãn Chu.
Luật tố tụng hình sự Trung Quốc quy định, tòa án phúc thẩm không được xử tăng nặng hình phạt đối với các vụ án được phúc thẩm do bản thân bị cáo, người được bị cáo ủy quyền theo pháp định, người biện hộ hay thân nhân ruột thịt của bị cáo kháng án. Nhưng ông Trần Văn bày tỏ, nhưng nếu phía kháng án là nguyên cáo hay viện kiểm sát thì không bị hạn chế. Xét từ vụ án này, Viện Kiểm sát Đại Liên đã bổ sung sự thực phạm tội mới, trong tình hình như vậy, thì cũng không vi phạm nguyên tắc “xử lại không tăng hình phạt”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “khó nói” đằng sau vụ xử này có bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị hay không.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Đông Thạc, người được Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc ủy nhiệm bào chữa cho Robert Schellenberg nói: “Theo quy định của pháp luật, sau khi án được chuyển về xét xử lại, nếu cơ quan công tố bổ sung những sự thật phạm tội mới có thể tăng nặng thêm hình phạt của bị cáo. Quan điểm của tôi là, những sự thật và cơ quan công tố bổ sung vẫn chỉ nằm trong phạm vi sự thực phạm tội cũ mà thôi”.
Ông Thạc còn nói: “Từ khi trả về xét xử lại, lập lại hồ sơ vụ án, mở phiên tòa xét xử, đến khi tuyên án lại, cả quá trình diễn ra rất nhanh, vô cùng nhanh. Đây quả là điều tôi chưa từng gặp bao giờ”.