Bà Thái Anh Văn: Không chấp nhận “đồng thuận 92” trong quan hệ với Trung Quốc vì “tôn trọng lòng dân"

VietTimes -- Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 23/7 cho hay bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan ngày 18/7 đã trả lời phỏng vấn tờ Washington Post Mỹ cho biết bà nhấn mạnh rằng phải "tôn trọng ý kiến của người dân Đài Loan".
Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Ảnh: Chinatimes.
Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Ảnh: Chinatimes.

Khi được hỏi có một số học giả cho rằng Trung Quốc đã đặt ra thời hạn muốn bà phải đồng ý với "đồng thuận 92" (quan điểm về chính sách "một Trung Quốc"- PV) trong quan hệ hai bờ, bà Thái Anh Văn phản hồi rằng "yêu cầu Chính phủ Đài Loan đi ngược lại lòng dân để chấp nhận một số điều kiện của đối phương thì không có nhiều khả năng".

Đây cũng là lần đầu tiên bà Thái Anh Văn phản ứng tương đối rõ ràng đối với khả năng thừa nhận "đồng thuận 92".

Từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức Tổng thống Đài Loan vào ngày 20/5 đến nay, Trung Quốc giận dỗi vì bà không thừa nhận “đồng thuận 92” nên cắt đứt kênh trao đổi chính thức giữa hai bờ. 

Về kế hoạch xử lý vấn đề quan hệ thường xuyên với Bắc Kinh trong thời gian tới, bà Thái Anh Văn cho biết hai bờ hiện nay có các kênh trao đổi khác nhau, gồm có giao lưu nhân dân. Lập trường của hai bờ có bất đồng, đến nay, Đài Loan cố gắng để khoảng cách này thu hẹp đến mức thấp nhất. 

Bà Thái Anh Văn chỉ ra rằng trước đây, Đài Loan rất thận trọng xử lý quan hệ với Trung Quốc, không chỉ không có thái độ khiêu khích, ngăn chặn sự cố bất ngờ, mà còn hy vọng thông qua trao đổi thông tin để xây dựng lòng tin giữa hai bên. 

Ngày 1/7/2016, tàu tuần tra Kim Giang thuộc Hạm đội 131 Hải quân Đài Loan đã bắn nhầm tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 (trong ảnh) trên eo biển Đài Loan làm chấn động quan hệ hai bờ. Ảnh: Thời báo New York.
Ngày 1/7/2016, tàu tuần tra Kim Giang thuộc Hạm đội 131 Hải quân Đài Loan đã bắn nhầm tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 (trong ảnh) trên eo biển Đài Loan làm chấn động quan hệ hai bờ. Ảnh: Thời báo New York.

Về kết quả phán quyết do Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines đưa ra, bà Thái Anh bày tỏ lập trường thất vọng, nhất là phán quyết xác định Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp) là đá, chứ không phải là đảo.

Khi được hỏi về khả năng mua 66 máy bay chiến đấu F-16 và tàu ngầm diesel của Mỹ do chính quyền tiền nhiệm Mã Anh Cửu đưa ra mà chưa nhận được sự đồng ý của Mỹ, bà Thái Anh Văn cho biết trong giai đoạn hiện nay, Đài Loan cần tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và hệ thống phòng không cùng với khả năng tác chiến mạng mang tính phòng thủ.

Ngoài ra, hãng tin CNA Đài Loan ngày 22/7 cho hay bà Thái Anh Văn không có nhiều khả năng chấp nhận thời hạn chấp nhận “đồng thuận 92” do Bắc Kinh đưa ra. 

Cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Công tác Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang yêu cầu: Kiên trì “đồng thuận 92” và nguyên tắc “hai bờ cùng thuộc một nước Trung Quốc” thì mới có thể đảm bảo cho quan hệ hai bờ phát triển “hòa bình, ổn định”.

Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng Công tác Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.
Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng Công tác Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.

Mã Hiểu Quang cho rằng cơ chế trao đổi liên lạc giữa Văn phòng Công tác Đài Loan (Trung Quốc) và Ủy ban Đại lục (Đài Loan), cơ chế đàm phán giữa Hiệp hội Quan hệ Hai bờ Eo biển (Trung Quốc) và Quỹ Giao lưu Hai bờ (Đài Loan) đều được xây dựng trên nền tảng chính trị “đồng thuận 92”. Chỉ có xác nhận nền tảng chính trị thể hiện nguyên tắc “một Trung Quốc” thì trao đổi thể chế hóa hai bờ mới có thể tiếp tục.

Đối với lập trường của bà Thái Anh Văn, Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu Đài Loan ở Thượng Hải, Trung Quốc là Nghê Vĩnh Kiệt cho rằng Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều cái mà họ gọi là "thiện chí”, quan trọng là Đài Loan không làm rõ hai bờ “thuộc quan hệ nội bộ của một Trung Quốc”.

Theo Nghê Vĩnh Kiệt, quan trọng của “đồng thuận 92” hoàn toàn không phải là từ ngữ, mà là xác nhận quan hệ hai bờ “thuộc cùng một Trung Quốc”. Trung Quốc hoàn toàn không đề xuất thời hạn chấp nhận “đồng thuận 92”, nhưng muốn phía Đài Loan sớm chấp nhận. 

Từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinanews.
Từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinanews.

Về việc bà Thái Anh Văn không có nhiều khả năng chấp nhận thời hạn do Trung Quốc đòi hỏi, Vu Vĩnh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đài Loan, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng bà Thái Anh Văn tái khẳng định “quan điểm lòng dân” nhất quán, nhưng lòng dân này “chỉ giới hạn ở Đài Loan”, không bao gồm Đại lục (Trung Quốc). 

“Lòng dân phổ biến” mà bà Thái Anh Văn nhắc đến là “có tính lựa chọn”. Nếu bà không đi ngược lại lòng dân, có 70% người dân Đài Loan mong muốn bà Thái Anh Văn đến đảo Ba Bình (Việt Nam) thì sao bà lại không đi “tuyên bố chủ quyền”? – Vu Vĩnh Bình kích động.

Trong tình hình Bắc Kinh sử dụng mọi cách để gây sức ép, đòi nhà lãnh đạo Đài Loan phải chấp nhận “đồng thuận 92”, bà Thái Anh Văn luôn có cách ứng phó linh hoạt, sử dụng ngôn từ mơ hồ để ứng phó. 

Nhưng, Bắc Kinh yêu cầu chỉ có thừa nhận “đồng thuận 92” thì mới tiếp tục tiến hành đối thoại hai bờ. Mặc dù nói bà Thái Anh Văn chủ trương duy trì hiện trạng, không khiêu khích là điều không có gì bất ngờ, nhưng, trong tình hình Biển Đông nóng lên sau phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, việc bà Thái Anh Văn “không có nhiều khả năng chấp nhận” (đồng thuận 92) có bị Bắc Kinh coi là khiêu khích hay không thì còn chờ quan sát.

Từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinanews.
Từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinanews.

Nhà lãnh đạo mới ở Đài Loan có thể “lấy thời gian đổi lấy không gian”, nhưng bài viết cho rằng, Bắc Kinh chưa chắc sẽ có khả năng nhẫn nại chạy theo Đài Loan, chơi cờ theo sự điều khiển của bà Thái Anh Văn. 

Hiện nay, người dân có thể tin tưởng vào sách lược chơi cờ của bà Thái Anh Văn sẽ làm cho hai bờ yên ổn vô sự, nhưng sau khi trải qua các sự việc như bắn nhầm tên lửa ở eo biển Đài Loan, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan giảm mạnh, khó bảo đảm rằng người dân sẽ tiếp tục tin tưởng vào phương hướng chính sách hai bờ của bà Thái Anh Văn, đòi hỏi chính quyền Thái Anh Văn phải có sự tính toán thực tế - báo Trung Quốc ra sức khuyên bảo nhà lãnh đạo Đài Loan, Tiến sĩ Thái Anh Văn.