Theo thông tin từ Bộ GTVT, các nhà đầu tư này đề xuất xây dựng mới nhà ga hành khách phục vụ các chuyến bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng với công suất 4 triệu hành khách/năm theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Phía liên danh nhà đầu tư TAH khẳng định với năng lực hiện có về tài chính, công nghệ, thiết bị, tổ hợp nhà đầu tư này mong muốn và tin tưởng sẽ xây dựng một nhà ga hành khách chất lượng tốt, giúp sân bay Đà Nẵng là sân bay thứ ba có nhà ga quốc nội và quốc tế riêng biệt.
Tổ hợp nhà đầu tư TAH cũng cam kết sẽ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của nhà nước, đảm bảo dự án triển khai sớm nhất và đạt hiệu quả cao nếu được Bộ GTVT chấp thuận.
Đề xuất này của TAH được gửi đến Bộ GTVT trong bối cảnh bộ này đang đẩy mạnh việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án sân bay cho tư nhân.
Nhà ga hiện tại của sân bay Đà Nẵng được đưa vào sử dụng cuối năm 2011 với công suất 6 triệu khách/năm.
Sân bay Đà Nẵng hiện có 3 hãng hàng không trong nước và 8 hãng hàng không quốc tế đang khai thác các đường bay đi và đến Đà Nẵng. Trung bình một ngày có khoảng 100 lần chuyến bay hạ cất cánh và khoảng 10.000 khách thông qua nhà ga.
Theo đề án xã hội hóa hạ tầng hàng không từ nay đến năm 2020 được Bộ GTVT phê duyệt hồi cuối năm 2014, nhà ga hàng hóa sân bay Đà Nẵng sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và sẽ nhượng quyền khai thác nhà ga hiện tại.
Mới đây là một loạt các nhà đầu tư xin được mua quyền khai thác các dự án sân bay và nhà ga sân bay như VietJetAir và Vietnam Airlines đề xuất mua nhà ga T1 sân bay Nội Bài, còn Tập đoàn T&T đề xuất mua sân bay Phú Quốc.
Theo GT