Thời điểm cuối tháng 11 năm 2015 đánh dấu một trong những mốc quan trọng với nền chính trị và tương lai phát triển của Trung Quốc trong những năm gần đây, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh dấu tròn 3 năm kể từ ngày nhậm chức vào giữa tháng 11 năm 2012. Ba năm, tức quá nửa nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập trên cương vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã trôi qua, và những gì mà ông Tập thực hiện được vẫn đang bị đặt một dấu hỏi.
Người Mỹ thường nói về chức vị tổng thống của mình rằng: “Nếu anh không tạo được dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ nhất, thậm chí anh sẽ chẳng có cơ hội có được nhiệm kỳ thứ hai”. Ở Trung Quốc thì không như vậy, cho dù nhìn lại quá nửa nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, những dấu ấn cá nhân của nhà lãnh đạo tối cao này với sự phát triển của Trung Quốc vẫn được xem là quá ít ỏi.
Có một sự trái ngược và chênh lệch lớn lao về mức độ ưu tiên của ông Tập Cận Bình sau khoảng thời gian ba năm cầm quyền, đó là sự gia tăng cao độ quyền lực cá nhân của ông với sự hiếm hoi của những chính sách có thể thúc đẩy nền kinh tế của đất nước này phát triển. Sau ba năm cầm quyền, ông Tập được thừa nhận rộng rãi cả từ trong lẫn ngoài nước như là nhà lãnh đạo Trung Quốc nắm giữ nhiều quyền lực nhất kể từ sau Đặng Tiểu Bình, và thậm chí là có thể chỉ đứng sau Mao Trạch Đông vốn là người nắm giữ quyền lực tối thượng kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949.
Với chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, Tập Cận Bình đã bắt giữ hàng loạt những nhân vật cao cấp nhất ở cả hệ thống chính trị lẫn quân đội, một điều chưa có ai dám làm trước đó ngoại trừ Mao Trạch Đông. Ở thời điểm hiện tại, quyền lực tối cao của ông Tập gần như là không ai có thể thách thức.
Thế nhưng, nếu nhìn lại sự đổi thay tích cực về thể chế chính trị và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vốn là điều mà người dân Trung Quốc mong đợi từ ông Tập với tư cách người lãnh đạo tối cao, thì mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Số chính sách có tác động tích cực đến nền kinh tế trong ba năm dưới thời ông Tập là quá ít, người chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế của ông Tập là Thủ tướng Lý Khắc Cường đang bị đánh giá là kém cỏi nhất so với các đời thủ tướng trước đó của Trung Quốc như Chu Dung Cơ hay Ôn Gia Bảo.
Suốt ba năm qua, tất cả những gì bộ đôi Tập – Lý làm được cho nền kinh tế là các gói kích cầu cỡ bự, trong đó phần lớn được dành cho giới doanh nghiệp quốc doanh, như một động thái cố gắng duy trì nguyên trạng cơ cấu nền kinh tế, thay vì đưa ra những chính sách tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế mà người dân và các chuyên gia nước này mong đợi.
Quả thực, những gì to tát nhất mà ông Tập làm được trong ba năm qua đang khiến tất cả bị sốc và choáng váng, nhưng ý nghĩa thực tế của nó với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai là tương đối hạn chế. Chiến dịch chống tham nhũng đồ sộ của ông Tập đang đưa hàng trăm ngàn quan chức Trung Quốc ra tòa vì tội hối lộ và tham nhũng, trong đó có không ít những quan chức cao cấp nhất.
Tác động của nó với hệ thống chính trị của Trung Quốc là không phải bàn cãi, sau sự kiện này các quan chức nước này có lẽ sẽ giảm bớt việc nhận hối lộ và tham nhũng, bớt công khai thể hiện sự giàu có của mình đi. Nhưng cội rễ vấn đề thì vẫn còn nguyên vẹn. Những nguyên nhân chủ đạo gây ra nạn tham nhũng ở Trung Quốc gần như vẫn chưa bị chạm đến, đó là việc thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả, và nhất là lương bổng của quan chức nước này theo quy định vẫn còn quá thấp. Khi những cái rễ này chưa bị nhổ đi, thì một khi chiến dịch bắt bớ qua đi, nó sẽ lại mọc lại và phát triển.
Trong suốt ba năm qua, người dân và các chuyên gia Trung Quốc vẫn tự an ủi nhau rằng sự tập trung cao độ quyền lực cá nhân của ông Tập là bước đi đầu tiên, tạo nền tảng cho những cải cách mạnh mẽ sau đó. Nhưng giờ đây, những hy vọng ấy dường như đang cạn dần. Những dấu hiệu về một sự thay đổi toàn diện nền kinh tế và hệ thống chính trị Trung Quốc vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, trong khi ông Tập và bộ sậu ngày càng lún sâu vào cuộc chiến chống tham nhũng phức tạp của mình. Cuộc cải cách lớn tiếp theo mà ông Tập đang theo đuổi là cải tổ quân đội, chứ không phải hệ thống kinh tế. Và nền kinh tế thì có vẻ như đang bị bỏ bê, những dấu hiệu xấu thì ngày càng tăng trong khi những chính sách cải cách thì vẫn chỉ là những hy vọng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những sự kiện tồi tệ nhất trong nền kinh tế Trung Quốc lại xuất hiện một cách tập trung và dày đặc trong khoảng thời gian ba năm ông Tập cầm quyền. Năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ, tổng nợ của các tập đoàn quốc doanh thì tăng lên cao kỷ lục, đã có những tập đoàn nhà nước đầu tiên tuyên bố phá sản.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ, tạo ra một cuộc tháo chạy tán loạn, hàng ngàn tỷ USD đã bốc hơi chỉ trong vài ngày và buộc chính phủ phải lấy 500 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ ra để cứu thị trường. Dĩ nhiên, đây là những hậu quả tích tụ trong nền kinh tế Trung Quốc suốt nhiều năm qua và bùng nổ đúng vào nhiệm kỳ của ông Tập, nhưng sự bàng quan và bỏ bê nền kinh tế của bộ sậu lãnh đạo là nguyên nhân khiến sự đổ vỡ này có quy mô lớn và hậu quả lâu dài nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, thời gian dành cho ông Tập không còn nhiều nữa. Chỉ còn hai năm nữa là nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập sẽ kết thúc, tức khoảng thời gian ông Tập duy trì quyền lực tối cao của mình sẽ chỉ còn hai năm nữa. Đến năm 2017, khi đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra, người kế nhiệm ông Tập sẽ được chỉ định, và ông Tập sẽ phải san sẻ bớt quyền lực cho nhân vật kế nhiệm này trong 5 năm sau đó, cũng giống như ông Tập đã làm khi giữ vai trò người kế nhiệm cho ông Hồ Cẩm Đào trước đây.
Nói cách khác, quyền lực mà ông Tập đã mất tới ba năm để tập trung được trong tay sẽ dần chuyển bớt cho người khác, và khả năng có thể đưa ra những chính sách táo bạo để cải tổ hệ thống chính trị và kinh tế Trung Quốc trong 5 năm đó sẽ ngày càng ít đi.
Điều này dẫn tới một điểm yếu cố hữu của hệ thống chính trị Trung Quốc, nó không buộc nhà lãnh đạo phải thể hiện dấu ấn cá nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên nếu như muốn tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ hai như hệ thống chính trị Mỹ. Các tổng thống Mỹ nếu muốn trúng cử nhiệm kỳ thứ hai thì phải nỗ lực tạo ra dấu ấn cá nhân và thành quả trong việc điều hành đất nước trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trung Quốc thì không như vậy, và nó dẫn tới việc ông Tập đã để quá nửa nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào việc tập trung quyền lực mà bỏ bê việc điều hành nền kinh tế. Các nhà phân tích đang đặt ra câu hỏi, liệu ông Tập có thể làm được gì trong hai năm ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên, trước khi phải san sẻ quyền lực cho người kế nhiệm trong 5 năm sau đó.
Thực ra, dù ông Tập có ra sao đi nữa thì mọi chuyện cũng sẽ không có vấn đề gì lắm với Trung Quốc. Nền kinh tế nước này vẫn đang tự vận hành một cách khá trơn tru, dù vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Nó sẽ chỉ dẫn đến hậu quả lớn nhất là Trung Quốc sẽ mắc kẹt trong nền kinh tế của chính mình, khi mà cơ hội để nước này cải tổ nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng sắp trôi qua.
Trung Quốc sẽ vẫn là một cường quốc kinh tế, nhưng sẽ tăng trưởng dần chậm lại, và khả năng bứt phá để đuổi kịp Mỹ sẽ gần như không còn. Thậm chí, khi Nhật Bản và EU quay trở lại guồng quay tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc thậm chí sẽ còn có thể bị qua mặt nếu tình trạng trì trệ vẫn không thay đổi.
Nhàn Đàm - Theo Bloomberg, Nghiencuuquocte, Một thế giới